Xây dựng nông thôn mới thành nơi “muốn đến, muốn trở về”
Đây là ý kiến của các chuyên gia tại hội nghị phản biện xã hội về dự thảo tiêu chí quốc gia và quy trình xét, công nhận nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, do Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức ngày 5/11.
XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI THỰC CHẤT, KHÔNG LÃNG PHÍ
Theo dự thảo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bộ tiêu chí quốc gia và quy trình xét công nhận nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 chỉ áp dụng cho xã, huyện.
Với cấp tỉnh, Bộ này thống nhất với ý kiến của các bộ ngành đề nghị trong giai đoạn 2021-2025, Trung ương chưa xây dựng bộ tiêu chí tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới mà chỉ quy định điều kiện xét, công nhận “tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông mới”. Lý do là chưa có cơ sở thực tiễn để đánh giá, nghiên cứu, đề xuất ban hành tiêu chí tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới.
Góp ý vào dự thảo, ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đề nghị cần tính toán việc xây dựng nông thôn mới để không lãng phí, như xây dựng sân vận động, “không nhất thiết thôn nào cũng có 1 sân vận động, mà có thể 2-3 thôn có một sân”.
Trong khi đó, ông Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng tiêu chuẩn nông thôn mới phải có doanh nghiệp, vì không có lực lượng này thì không thể đưa nông thôn phát triển. Ngoài ra, cần có tiêu chí về các câu lạc bộ liên quan đến sáng kiến, cải tiến cho nông nghiệp, nông thôn…
Theo ông Thiên, nên đặt ra tỷ lệ 30% – 40% phải là tiêu chí mới, không phải là những tiêu chí lâu nay nông thôn mới đã có, các tiêu chí mới cần thực chất để trở thành động lực cho nông thôn phát triển trong giai đoạn mới, chẳng hạn như tiêu chí nông thôn thông minh. “Nếu ứng dựng tốt công nghệ thông tin thì rất có lợi cho nông thôn, nhất là trong phát triển du lịch, tiêu thụ nông sản, đã có những trường hợp nhờ thương mại điện tử mà phát triển tiêu thụ nông sản rất tốt”, ông Trần Đình Thiên bày tỏ.
Còn theo ông Đỗ Duy Thường, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ – Pháp luật, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tiêu chí nông thôn mới phải xuất phát từ địa bàn dân cư nông thôn thì mới bảo đảm thực chất, không hình thức. “Nông dân rất tốt, nhiều người hiến đất để làm trường làm đường, do đó họ phải là người được thụ hưởng trong quá trình này”, ông Đỗ Duy Thường nói.
ĐỂ NÔNG THÔN LÀ NƠI “MUỐN ĐẾN, MUỐN TRỞ VỀ”
Cũng góp ý dự thảo, ông Lê Truyền, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị, phải tôn trọng sự đa dạng của nông thôn, không nên áp dụng chung một tiêu chuẩn cho nông thôn cả nước. Mục tiêu là xây dựng các xã nông thôn mới sạch đẹp, an ninh trật tự được bảo đảm, để nông thôn là nơi mà ai cũng muốn trở về, muốn đến.
Ông Hồ Xuân Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhấn mạnh cần hạn chế tình trạng xây dựng nhà văn hóa nhưng không ai vào sinh hoạt. Bên cạnh đó, cần chú trọng xây dựng nông thôn mới ở khu vực khó khăn, nếu không khoảng cách giữa miền núi và đồng bằng ngày càng lớn; đưa ra những tiêu chí phù hợp, sát thực tiễn, tránh đưa tiêu chí mà “ngay cả người dân cũng không hiểu”.
Tại hội nghị, bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cho biết: “Trong 5 năm qua, Mặt trận đã thực hiện lấy ý kiến của nhân dân đối với kết quả xây dựng nông thôn mới ở 2 tỉnh; 223 cuộc cấp huyện, 5.634 cấp xã”.
Tiếp thu các góp ý vào dự thảo, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh khẳng định, những ý kiến phản biện và đề xuất các giải pháp của các đại biểu sẽ là những kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn giúp cho Mặt trận và các cơ quan Trung ương cũng như mỗi địa phương có những giải pháp mới trong quá trình thực hiện.
Với cơ quan chủ trì phản biện xã hội, Mặt trận sẽ tổng hợp và phản ánh đầy đủ các ý kiến của các đại biểu đến Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan, góp phần đưa Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 đi vào cuộc sống, đảm bảo chất lượng, bền vững, để nông thôn thực sự là nơi đáng sống, là niềm tự hào của nông dân Việt Nam.
Phản hồi