Với thứ hạng này, Việt Nam là một trong 4 quốc gia có thu nhập trung bình được WIPO đánh giá là đang bắt kịp đà tăng của chỉ số đổi mới sáng tạo trên thế giới.
Theo bản đánh giá vừa được công bố về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2021 của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ toàn cầu (WIPO), so với năm 2019 và 2020, chỉ số đổi mới sáng tạo (ĐMST) của Việt Nam tụt hai bậc (năm 2019 và 2020 xếp thứ 42).
Tại hội thảo Chỉ số Đổi mới sáng tạo (GII) năm 2021 và Kết quả của Việt Nam do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức trực tuyến vào chiều nay, các chuyên gia nhận định, nguyên nhân của việc tác động đến kết quả chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam năm 2021 là do số liệu GDP theo tính toán mới của Việt Nam (tăng khoảng 36% so với năm 2020). Trong khi đó nhiều chỉ số thành phần được tính dựa trên tổng giá trị chia GDP (có 27 chỉ số trên tổng số 81 chỉ số sử dụng GDP để tính toán; trong đó 24 chỉ số sử dụng GDP làm mẫu số).
Cũng theo các chuyên gia, năm nay Việt Nam có sự cải thiện thứ hạng đầu vào của đổi mới sáng tạo – tăng hai bậc (từ 62 lên 60) so với năm 2020, và giữ nguyên vị trí xếp hạng về đầu ra (thứ hạng 38).
Đáng chú ý, trong nhóm 34 quốc gia có thu nhập trung bình thấp được đưa vào danh sách xếp hạng GII năm 2021, Việt Nam tiếp tục giữ vị trí đứng đầu. Việt Nam tiếp tục duy trì xếp hạng trong nhóm 45 quốc gia dẫn đầu toàn cầu. Trong các quốc gia xếp trên Việt Nam năm 2021, không có quốc gia nào ở mức thu nhập trung bình thấp như Việt Nam, chỉ có 5 quốc gia ở mức thu nhập trung bình cao (Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, Bungari và Thổ Nhĩ Kỳ), còn lại đều là các quốc gia/nền kinh tế phát triển, thuộc nhóm thu nhập cao.
Báo cáo của WIPO cũng nhấn mạnh: cùng với Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Philippines, Việt Nam là một trong 4 quốc gia có thu nhập trung bình được tổ chức này đánh giá là đang bắt kịp đà tăng của chỉ số đổi mới sáng tạo trên thế giới. Theo WIPO, bên cạnh Trung Quốc, 4 nền kinh tế châu Á này đang cho thấy tiềm năng làm thay đổi bức tranh đổi mới sáng tạo toàn cầu theo hướng tốt đẹp hơn.
Các chuyên gia WIPO cũng đánh giá, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vô cùng phức tạp và có nhiều tác động khó lường đoán, ảnh hưởng lớn đến kinh tế – xã hội, KHCN và ĐMST trên toàn cầu, việc Việt Nam vẫn duy trì được vị trí trong nhóm 50 quốc gia dẫn đầu là một nỗ lực rất lớn.
Theo ông Marco M. Aleman – Đặc phái viên Tổng giám đốc WIPO, Việt Nam tiếp tục là tấm gương cho các nước đang phát triển khác trong việc coi ĐMST là một ưu tiên quốc gia. Việc Chính phủ sử dụng GII như một công cụ đo lường và đánh giá hiệu quả hoạt động ĐMST của quốc gia là ví dụ rõ ràng nhất cho thấy Việt Nam nhận thức được tầm quan trọng của ĐMST đối với sự phát triển quốc gia. Các quốc gia khác đang học hỏi từ Việt Nam về cách sử dụng GII một cách có hệ thống để đánh giá những thay đổi về kết quả hoạt động ĐMST ở cấp độ cao nhất./.
Phản hồi