Sau kỳ soát xét bán niên 2021, ngoài khoản lợi nhuận biến động, một loạt doanh nghiệp đã bị kiểm toán nhấn mạnh đến các nhiều vấn đề tồn đọng đáng chú ý, thậm chí có nguy cơ đe dọa đến khả năng hoạt động liên tục.
Tại báo cáo tài chính hợp nhất soát xét giữa niên độ 2021, kiểm toán Ernst & Young đã nhấn mạnh về khoản lỗ lũy kế lên đến 7.371 tỷ đồng của Hoàng Anh Gia Lai (HAGL – mã HAG) tại thời điểm 30/6. Ngoài ra, HAGL còn đang vi phạm một số cam kết đối với hợp đồng vay.
Cụ thể, trong khoản vay trái phiếu trị giá 5.876 tỷ đồng tại BIDV sẽ đáo hạn vào 30/12/2026, HAGL có thế chấp 4.852 ha cao su và 7.102 ha cọ dầu. Tuy nhiên, tại thời điểm 30/6/2021, diện tích trồng cao su và cọ dầu thực tế đang thấp hơn cam kết trong hợp đồng tín dụng. Cũng tại thời điểm này, HAGL chưa tiến hành thanh toán lãi vay phải trả đã đến hạn tại ngày 30/6/2021 với tổng giá trị là 1.483 tỷ đồng.
Tương tự, trong số các tài sản thế chấp cho 2 khoản vay dài hạn tại Eximbank sẽ đáo hạn vào 31/12/2024, có bao gồm đàn bò của công ty. Tuy nhiên, hiện HAGL đã thanh lý toàn bộ số lượng bò nên không đảm bảo số lượng bò theo quy định của hợp đồng tín dụng.
Đơn vị kiểm toán cho rằng những yếu tố kể trên cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của HAGL.
Tương tự, tính đến hết 30/6, Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico – mã HNG) đã lỗ lũy kế lên đến hơn 2.428 tỷ đồng, nợ ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền hơn 4.466 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty cũng vi phạm một số điều khoản của các khoản vay trong kỳ.
Thông thường với các yếu tố trên kiểm toán sẽ nhấn mạnh đến sự nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục. Tuy nhiên, BCTC hợp nhất giữa niên độ vẫn được lập dựa trên cơ sở hoạt động liên tục với giả định HAGL Agrico có thể sử dụng được tài sản và thanh toán các khoản nợ trong quá trình hoạt động kinh doanh bình thường trong tương lai gần.
Trong khi đó, Thép Pomina (mã POM) vẫn chưa thể khắc phục tình trạng mất cân đối tài chính kéo dài do âm vốn lưu động ròng. Tại BCTC hợp nhất soát xét bán niên 2021, kiểm toán tiếp tục nhấn mạnh việc nợ phải trả của công ty tại ngày 30/6 đã vượt quá tài sản ngắn hạn số tiền 359 tỷ đồng.
Điều kiện này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp. Trước đó, trên BCTC kiểm toán 2020, kiểm toán cũng đưa ra kết luận tương tự khi nợ phải trả vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền gần 381 tỷ đồng.
BCTC hợp nhất soát xét bán niên 2021 của Vận tải biển Việt Nam (Vosco – mã VOS) cũng đang phản ánh số lỗ lũy kế 699 tỷ đồng và nợ quá hạn 520 tỷ đồng. Theo ý kiến của kiểm toán, các nội dung này cho thấy sự tồn tại của các yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của công ty.
Đầu tư và Phát triển Việt Trung Nam (mã VHG) cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự khi kiểm toán nhấn mạnh đến khoản lỗ lũy kế tại thời điểm 30/06/2021 lên đến 1.343 tỷ đồng, chiếm tới 89,54% vốn điều lệ của công ty.
Ngoài ra, tại ngày 30/6/2021, VHG còn có khoản nợ quá hạn tiền thuế phải nộp Ngân sách Nhà nước với số tiền gần 10,8 tỷ đồng và Cục Thuế tỉnh Quảng Nam đã thực hiện cưỡng chế nợ thuế bằng biện pháp phong toả các tài khoản của VHG mở tại ngân hàng.
Do đó, đơn vị kiểm toán cho rằng các điều kiện này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của VHG.
Một trường hợp khác là Đầu tư và Phát triển Đức Quân (Fortex – mã FTM) khi kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ đối với khoản lỗ hơn 94 tỷ đồng, các khoản vay ngân hàng quá hạn thanh toán số tiền gần 464 tỷ đồng và lãi vay ngân hàng quá hạn thanh toán chưa được gia hạn nợ số tiền gần 233 tỷ đồng. Đồng thời, tình hình dịch COVID-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình tài chính và hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty.
Kiểm toán cho rằng khả năng hoạt động liên tục của công ty phụ thuộc vào việc gia hạn các khoản vay, các khoản phải trả từ các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng và các nhà cung cấp, đồng thời còn phụ thuộc vào việc cơ cấu lại các khoản đầu tư. Do đó, các điều kiện này cho thấy các yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn tới nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của công ty.
BCTC hợp nhất soát xét bán niên 2021 của Ocean Group (mã OGC) cũng xuất hiện ý kiến ý kiến ngoại trừ của kiểm toán về các khoản nợ phải thu, khoản góp vốn cho các đối tác để triển khai dự án đầu tư và khoản cho vay, tài sản thiếu chờ xử lý và các khoản đầu tư khác với tổng số dư nợ gốc là 1.039 tỷ đồng, số dự phòng gần 296 tỷ đồng, giá trị thuần của tài sản sau bù trừ số dư nợ phải trả và trích lập dự phòng hơn 408 tỷ đồng.
Kiểm toán không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng thích hợp để đánh giá khả năng thu hồi cũng như khả năng tiếp tục thực hiện và thu được lợi ích kinh tế trong tương lai của các khoản trên cũng như không thể thực hiện được các thủ tục thay thế để đánh giá giá trị dự phòng cần phải trích lập.
Bên cạnh đó, kiểm toán còn đưa ra ý kiến nhấn mạnh về vấn đề CTCP Khách sạn và Dịch vụ OCH, công ty con của OGC đã nhận được văn bản của Cơ quan chức năng về việc “tạm dừng mọi biến động (giao dịch chuyển nhượng mua, bán, cho tặng, cầm cố, thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất..) đối với thửa đất số Lô 45-1, khu công nghiệp Quang Minh, thị trấn Quang Minh, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội”. Đến thời điểm phát hành BCTC soát xét, công ty vẫn đang làm việc với cơ quan chức năng để giải quyết vấn đề này.
Ngoài ra, kiểm toán cũng nhấn mạnh khoản lỗ lũy kế 2.624 tỷ đồng tại ngày 30/06/2021 và lưu ý về các khoản nợ tiềm tàng của OGC. Những yếu tố này, cùng những vấn đề kết luận ngoại trừ đã được nêu và các vấn đề khác cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của công ty. BCTC hợp nhất giữa niên độ chưa bao gồm bất kỳ điều chỉnh nào có thể có phát sinh từ sự kiện này.
Trầm trọng hơn, kiểm toán còn từ chối đưa ra kết luận đối với BCTC soát xét hợp nhất giữa niên độ 2021 của Xây lắp Dầu khí Việt Nam (mã PVX) do không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng thích hợp cho loạt vấn đề.
Cụ thể, PVX đã lỗ luỹ kế lên đến gần 3.985 tỷ đồng tại thời điểm 30/6/2021, nợ phải trả ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn khoảng 865 tỷ đồng. Công ty đang thiếu hụt vốn lưu động để thanh toán các khoản nợ đến hạn. Các khoản nợ quá hạn thanh toán chủ yếu bao gồm số dư gốc vay khoảng 642 tỷ đồng.
Khả năng hoạt động liên tục của PVX phụ thuộc vào kế hoạch thu hồi các khoản công nợ, tái cơ cấu các khoản đầu tư, hoàn thành và quyết toán các công trình dở dang để thu hồi tiền, các hỗ trợ tài chính từ các cổ đông và chủ nợ.
Do đó, kiểm toán không thể xác định liệu báo cáo tài chính hợp nhất này được lập với giả định PVX sẽ tiếp tục hoạt động liên tục có phù hợp hay không. Bên cạnh đó, kiểm toán còn đưa ra một loạt ý kiến ngoại trừ về các khoản vốn góp của PVX tại công ty con, công ty liên doanh liên kết; các khoản phải thu…
Tương tự, Đạm Hà Bắc (mã DHB) cũng bị kiểm toán nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục do tổng nợ ngắn hạn lớn hơn tài sản ngắn hạn là 5.601 tỷ đồng, lỗ lũy kế 5.162 tỷ đồng lớn hơn vốn chủ sở hữu 2.393 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Đạm Hà Bắc đã ghi nhận nguyên giá và trích khấu hao tài sản cố định hình thành từ dự án Cải tạo, mở rộng Nhà máy phân đạm Hà Bắc, theo Báo cáo quyết toán dự án hoàn thành do chủ đầu tư lập ngày 01/12/2017 chưa được phê duyệt của cấp có thẩm quyền. Quá trình quyết toán dự án, chủ đầu tư và các nhà thầu chưa thống nhất được giá trị quyết toán các gói thầu số 8, 9, 10, 14 và hợp đồng tư vấn kiểm tra hồ sơ hoàn thành công trình xây dựng, dẫn đến phát sinh các khoản công nợ liên quan đến nhà thầu nước ngoài và các khoản công nợ khác.
Với các bằng chứng thu thập được và thủ tục thay thế khác, kiểm toán viên chưa đủ cơ sở để đưa ra tính hiện hữu và đầy đủ các khoản công nợ trên cũng như các khoản nợ tiềm tàng có thể phát sinh trong tương lai liên quan đến việc quyết toán của công ty.
Ngoài ra, Đạm Hà Bắc đang là một trong 4 nhà máy sản xuất phân bón thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) nằm trong danh sách các dự án thua lỗ nghìn tỷ của ngành công thương.
Phản hồi