Vì sao dù xinh đẹp, tài năng đúng chuẩn ‘con nhà người ta’ nhưng hai anh em nhà Tập đoàn Alphanam khá kín tiếng, bình lặng?
Tập đoàn Alphanam gắn liền với cái tên của doanh nhân Nguyễn Tuấn Hải. Ông Hải từng là nhân vật “tiếng tăm” trên thị trường tài chính, đầu tư cổ phiếu khi lọt vào TOP 20 người giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam hồi năm 2012. Thời điểm đó, ở vị trí thứ 10, tổng tài sản của vị này ước khoảng 1.046 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau đó Alphanam gặp khó khăn trong kinh doanh và đến năm 2013, công ty quyết định hủy niêm yết và thực hiện tái cấu trúc, chuyển đổi mô hình từ công ty đại chúng sang công ty gia đình.
Thế hệ F1 của Alphanam là hai anh em Nguyễn Minh Nhật (1988) và Nguyễn Ngọc Mỹ (1991) trở về Việt Nam sau khi du học Mỹ để cùng cha gánh vác cơ nghiệp. Năm 2014, trong một cuộc phỏng vấn, Chủ tịch HĐQT Alphanam nói vui rằng, ông hài lòng với vị trí “làm thuê” cho các con của mình khi các ý tưởng mới để phát triển công ty đều do 2 con đề xuất. Cũng giống như ông Tuấn Hải, hai người con của ông cũng kín tiếng và có phần bình lặng.
Khi được hỏi về tính cách này của bản thân trên Zing, Nguyễn Ngọc Mỹ từng trả lời:
“Thật ra việc “làm, không nói” thì từ nhỏ tôi đã như vậy. Gia đình tôi có lẽ đào tạo con khá cơ bản, chi tiết. Khi tôi còn nhỏ, không bao giờ bố mẹ chỉ để cho các con nói một cách phóng khoáng về mục tiêu mà không có một chi tiết là thế cuối cùng có làm được không, làm được những gì. Do đó, có những thứ đã ăn vào tính cách, chẳng hạn chưa làm được thì tốt nhất đừng nói, suy nghĩ chi tiết rồi nói.
Ông tôi là người sâu sắc. Bố tôi luôn nói dù ông mất rồi nhưng các con cần học, suy nghĩ trước rồi mới nói, làm thật tốt rồi mới nói.
Bên cạnh đó, ngành nghề cũng thay đổi. Khi tôi làm nhà hàng, siêu thị thì marketing là câu chuyện hàng ngày, có gì là phải nói, nói hàng ngày. Còn đầu tư, xây dựng bất động sản là ngành kéo dài trong 4-5 năm mới có thể có cái để nói dài, dù thứ để nói thì luôn có nhưng nếu nói trong mấy năm liên tục thì có khi lại nhàm chán”.
Việc rèn con suy nghĩ chi tiết, chuẩn bị kỹ càng trước khi nói của nhà sáng lập Alphanam cũng tương đồng với một trong những điều nhiều người thành công trên thế giới áp dụng. Trong cuốn sách 100 quy luật thành công, tác giả nổi tiếng Brian Tracy nhấn mạnh rằng muốn thực hiện hiệu quả thì trước hết phải chuẩn bị kỹ càng.
Tiêu chuẩn của người thành công hay những người thực sự chuyên nghiệp là trong bất kì lĩnh vực nào họ cũng dành rất nhiều thời gian cho việc chuẩn bị hơn những người bình thường khác. Brian Tracy cho rằng người không chuyên nghiệp thường cố gắng lừa dối chính mình, người khác hoặc “làm cho xong công việc”. Anh ta cố gắng vượt qua với sự chuẩn bị ít nhất. Anh ta không nhận ra rằng mức độ chuẩn bị của anh ta sẽ được mọi người xung quanh nhận thấy một cách rõ ràng và ngay lập tức.
Bậc vĩ nhân Abraham Lincoln từng nói “Tôi sẽ chuẩn bị cho cuộc đời tôi và một ngày nào đó cơ hội của tôi sẽ đến”. Ông đã nhận ra, tương tự như tất cả những người vĩ đại, rằng việc chuẩn bị kỹ càng sẽ là chìa khóa để mở ra tương lai của ông.
Những thành công vĩ đại thường được quyết định bởi việc để ý đến những chi tiết nhỏ nhặt nhất. Một thực tế, một điểm sai, có thể làm mọi việc khác đi. Và mọi thứ đều đáng quan tâm.
Diễn giả Joel Weldon từng có diễn thuyết nổi tiếng có tên là “Voi không bao giờ đốt.” Thông điệp trung tâm trong bài phát biểu của ông đó là chính những “con muỗi” của cuộc đời, những thứ nhỏ nhất mà bạn có xu hướng lờ đi, lại gây ra nhiều phiền phức nhất. Chưa có ai bị con voi đốt cả, nhưng người ta thường xuyên bị muỗi đốt. Thông điệp của ông rất đơn giản: Nếu bạn muốn đạt đến đỉnh cao trong lĩnh vực của bạn, bạn phải có thái độ nghiêm túc về những thứ nhỏ nhặt.
Về nguyên tắc chuẩn bị đã được Peter Drucker nhấn mạnh rằng “Làm mà không nghĩ là nguyên nhân của mọi sự thất bại”. Hành động trước khi suy nghĩ về các chi tiết và những hậu quả của nó dường như là nguyên nhân của phần lớn những thất bại trong đời. Điều ngược lại của lời phát biểu này, tất nhiên, đó là hành động sau khi đã suy nghĩ thấu đáo và lập kế hoạch kỹ càng là lí do của hầu như mọi thành công.
Điều này không có nghĩa là bạn sẽ tự động thành công nếu bạn lập kế hoạch kỹ lưỡng trước. Mà nó có nghĩa là bạn sẽ gần như luôn thất bại nếu bạn không làm điều đó.
Bạn có thể áp dụng ngay nguyên tắc chuẩn bị kỹ càng vào đời sống của mình ra sao?
1. Hãy suy nghĩ một loạt những nhiệm vụ và trách nhiệm quan trọng của bạn. Hãy viết suy nghĩ ra giấy. Viết ra tất cả mọi chi tiết của vấn đề và xem lại bản viết của bạn một cách cẩn thận.
2. Tìm kiếm những đầu vào và những ý kiến của người khác trước khi bạn đưa ra những quyết định và cam kết quan trọng. Đã có ai khác gặp phải tình huống tương tự chưa? Những kinh nghiệm quý báu gì người đó đã phổ biến cho bạn? Hãy tiếp nhận sự thật, tiếp nhận sự thật đã qua trải nghiệm chứ không phải những điều hiển nhiên, những điều được cho là đúng, hay những sự thật mang tính logic. Sự thật không bao giờ nói dối. Kiểm tra đi kiểm tra lại. Suy nghĩ của bạn và những quyết định của bạn cũng tốt như là chất lượng của thông tin mà bạn đã làm việc với.
Phản hồi