Vay 700 triệu, trả lãi 1 triệu/ngày, chủ khách sạn kiệt sức, bán nhà trả nợ
Hơn một năm dịch bệnh khắp nơi khiến công việc kinh doanh khách sạn của chị Mai ế ẩm, khoản tiền tích trữ không còn, nợ ngân hàng và khoản vay lãi trả góp hàng ngày khiến người phụ nữ này kiệt sức.
Đó là thực tế cuộc sống của vợ chồng chị Mai, 33 tuổi ở Lý Nam Đế, Hoàn Kiếm (Hà Nội).
Chị Mai chia sẻ, gia đình chị có 4 người gồm hai vợ chồng và hai con nhỏ. Vợ chồng chị ở trong một ngôi nhà nhỏ 30m2, nằm sâu trong ngõ. Cuộc sống của vợ chồng chị vốn khá ổn định. Chị làm tư vấn cho một công ty dược lương tháng 10 triệu, chồng chị làm kỹ thuật cho một công ty phần mềm lương 15 triệu. Tuy nhiên, 3 tháng nay do ảnh hưởng bởi dịch nên anh cũng đang thất nghiệp ở nhà.
Nhiều năm trước, sau khi tiết kiệm được 1,2 tỷ đồng, chị Mai quyết định bỏ nghề tư vấn ổn định để chuyển sang kinh doanh khách sạn nhỏ. Bởi chị thấy, kinh doanh khách sạn có thể mang lại lợi nhuận cao, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội.
Chị thuê lại một tòa nhà 5 tầng với diện tích 100m2 mặt ngõ, có vỉa hè rộng ở Lý Nam Đế với giá 30 triệu đồng/tháng. Sau đó, chị dành tiền sang sửa lại theo hướng homestay bình dân với mức giá vừa phải cho khách đến Hà Nội trải nghiệm.
Vài tháng đầu, khi khách sạn mới đi vào hoạt động, dịch bệnh ở Hà Nội chưa căng thẳng nên vẫn có khách đến thuê phòng dù chưa bao giờ kín 100%. Khách thuê chủ yếu là khách văn phòng ra Hà Nội công tác, khách thương nhân, một số bạn trẻ các nơi đến Hà Nội du lịch có thời gian lưu trú ngắn.“Riêng tiền thuê nhà năm đầu tiên đã mất 360 triệu đồng/12 tháng. Tiền sửa chữa hết 200 triệu đồng, còn lại 450 triệu để vận hành, trả lương nhân viên cũng như dự phòng một khoản chi phí”, chị Mai kể.
Tuy nhiên, dịch bệnh ập đến khiến dịch vụ kinh doanh khách sạn của chị Mai chỉ túc tắc, hoạt động cầm chừng. Khách sạn của chị phải chuyển sang cho thuê phòng trọ nhưng vẫn rơi vào tình trạng “sống dở chết dở”, giảm doanh thu vì ít khách.
“Tiền tích trữ không còn nên một năm qua, để có tiền thuê khách sạn, mình buộc phải vay ngân hàng 400 triệu đầu tư thêm. Song, dịch bệnh ngày càng trầm trọng nên 5 tháng nay mình âm thầm vay lãi suất cao bên ngoài 300 triệu nữa để gồng gánh qua mùa dịch. Số tiền nợ này cứ dần tăng theo cấp số nhân, một ngày làm không ra còn phải trả lãi 1 triệu đồng. Tuy nhiên, sợ chồng biết, tôi vẫn cố vay chỗ nọ đập chỗ kia để trả nợ nên thấy kiệt sức. Bây giờ tôi thực sự bế tắc không biết phải làm sao?”, chị Mai than thở.
Bán nhà trả nợ và 7 bước giúp thoát cảnh kiệt sức kinh doanh mùa dịch
Theo chị Mai, trong kinh doanh, không ai nói trước được điều gì. 4 tháng trước, khi lâm vào bước đường cùng, chị mới nhìn nhận lại và áp dụng 7 bước sau:
Trả lại khách sạn, dừng hoạt động kinh doanh ngay
Chị Mai nhận ra, nếu như là người khôn ngoan và có tầm nhìn, chị nên trả lại khách sạn, dừng hoạt động kinh doanh ngay đợt dịch đầu tiên. Nhưng chị vẫn cố bám trụ vì tiếc vốn đầu tư. Nào ngờ, tình trạng càng thảm hại, dẫn đến nợ chồng nợ. Vì thế, chị quyết định trả lại khách sạn dừng hoạt động kinh doanh dù đã muộn.
Kinh doanh khách sạn, nhà nghỉ ế ẩm mùa dịch |
Kể rõ tình hình tài chính với các chủ nợ, xin dừng lãi và khoanh nợ
Ban đầu khi thực hiện điều này, chị Mai nghĩ các chủ nợ không đồng ý. Song, khi chị kể rõ tình hình tài chính bi đát với các chủ nợ, xin dừng lãi và khoanh nợ, họ đã đồng ý bởi các chủ nợ cũng không có lựa chọn khác.
Bán nhà và kể rõ tình hình với gia đình, người thân
Ban đầu, chị còn giấu chồng và người thân trong nhà. Nhưng sau đó, chị quyết kể rõ sự tình với mọi người, dù bên nội ngoại đều khó khăn không giúp được.
Anh xã chị đã quyết bán nhà trả nợ và bảo đây là phương án tối ưu nhất giai đoạn này. Ngôi nhà chị bán đi được gần 4 tỷ. Chị dành 700 triệu đi trả nợ ngân hàng và người quen. Số tiền còn lại, chị mua căn nhà khác ở Hà Đông ở và làm lại từ đầu.
Ngưng vay mới để đầu tư
Trong thời điểm dịch bệnh, dù cả hai vợ chồng đều thất nghiệp nhưng bà nội trợ này không dám vay mới để đầu tư gì lúc này bởi thực tế, tất cả ngành nghề đều trong tình trạng ế ẩm.
Siết lại lối sống, chi tiêu gia đình tiết kiệm hết mức có thể
Dịch bệnh không có tiền dự trữ phòng thân, vừa phải bán nhà giá rẻ mua nhà khác nên chị Mai tức tốc dè xẻn chi tiêu, xiết chặt chi tiêu. Thay vì chi hết 15-20 triệu như trước, những tháng dịch chị chỉ tiêu 8-9 triệu/tháng.
Tìm việc làm, dần dần ổn định cuộc sống và chờ cơ hội
Trả khách sạn, bán nhà và trả hết nợ lãi, chị Mai tích cực tìm việc mới. “Mình nộp hồ sơ vào mấy công ty, trong đó có một công ty đã phỏng vấn online và mình được nhận làm việc trực tuyến luôn. Dù mức lương làm online chỉ được 6 triệu đồng/tháng, nhưng có đồng nào tốt đồng ấy. Hết dịch bắt đầu đi làm lại thì mình tính sau”, chị Mai nói.
Thảo Nguyên
Phản hồi