Vai trò của kiểm toán nhà nước trong kiểm toán thu ngân sách từ thuế
Điều này đặt ra yêu cầu các cơ quan quản lý cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát, giám sát, có như vậy mới giúp cho nền tài chính quốc gia thực sự minh bạch. Bài viết làm rõ vai trò của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) trong kiểm toán thuế, kiểm toán nguồn thu ngân sách từ thuế, từ đó đề xuất giải pháp phát huy hơn nữa vai trò của Kiểm toán Nhà nước trong kiểm toán thu ngân sách từ thuế.
Kiểm toán Nhà nước
Theo Luật KTNN: “Hoạt động kiểm toán của KTNN là việc đánh giá và xác nhận tính đúng đắn, trung thực của các thông tin tài chính công, tài sản công hoặc báo cáo tài chính liên quan đến quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; việc chấp hành pháp luật và hiệu quả trong việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công”;
“KTNN có chức năng đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị đối với việc quản lý, sử dụng tài chính tài sản công”; “Đối tượng kiểm toán của KTNN là việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và các hoạt động có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán”; Chức năng của KTNN là “đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị đối với việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công”.
Như vây, KTNN có vai trò đặc biệt quan trọng trong kiểm soát quyền lực nhà nước thông qua việc giám sát nguồn thu, sử dụng ngân sách và tài sản nhà nước. Hoạt động của KTNN bảo đảm việc quản lý các nguồn thu, chi tiêu ngân sách và sử dụng tài sản công một cách trung thực, chính xác và đúng pháp luật.
Bên cạnh đó, KTNN có thể đánh giá hiệu quả hoạt động của các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN). Tuy nhiên, làm thế nào để cơ quan KTNN phát huy được chức năng vai trò là vấn đề cần quan tâm, bởi vì các đối tượng chịu sự kiểm tra đánh giá đó lại là các tổ chức quyền lực như các cơ quan nhà nước ở trung ương hay các tập đoàn lớn của Nhà nước.
Đặc biệt, đối với công tác thu NSNN như hoạt động quản lý và thu thuế của cơ quan thuế, cơ quan hải quan các cấp thì hiện nay vẫn còn một số điểm tồn tại nên KTNN cần phát huy nhiều hơn nữa chức năng kiểm tra, đánh giá nhằm góp phần giúp công tác quản lý và thu thuế cho NSNN lành mạnh, hiệu quả.
Hoạt động kiểm toán thuế
Kiểm toán thuế là loại hình kiểm toán đặc biệt không chỉ thuần túy là kiểm tra, đánh giá, xác nhận độ tin cậy của thông tin về thuế phải nộp, số thuế đã nộp, số còn phải nộp. Quan trọng hơn là đánh giá và xác nhận sự tuân thủ luật pháp của các đối tượng nộp thuế, của người quản lý thuế và đánh giá tác động của các chính sách thuế đến kinh tế vĩ mô, đến các nhóm lợi ích, các quan hệ đa chiều trong đời sống kinh tế – xã hội (Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam).
Đối với hoạt động kiểm toán thu ngân sách thì Luật Quản lý thuế đã nêu rõvai trò, nhiệm vụ, quyền hạn của KTNN trong hoạt động kiểm toán thuế là: Thực hiện kiểm toán hoạt động đối với cơ quan quản lý thuế theo quy định của pháp luật về KTNN, pháp luật về thuế và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Như vậy, với chức năng đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị đối với việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công thì KTNN là cơ quan thực hiện hoạt động kiểm toán thuế. Kiểm toán thuế được hiểu là kiểm toán tại các cơ quan quản lý thuế ở các cấp, bao gồm cơ quan thuế và cơ quan hải quan các cấp.
Nội dung kiểm toán thuế chủ yếu tại cơ quan thuế là kiểm toán việc chấp hành chính sách, chế độ về thu NSNN của cơ quan thuế trong quản lý thu thuế như: Kiểm toán việc chấp hành chính sách, chế độ về thu NSNN khi kiểm tra, thanh tra thuế, miễn giảm thuế, tính và thu tiền sử dụng đất; quản lý thu tiền thuê đất; quản lý thu đối với hộ gia đình cá nhân kinh doanh, công tác quản lý nợ thuế.
Ngoài nội dung kiểm toán việc chấp hành chính sách chế độ về thu ngân sách của cơ quan thuế, cần đánh giá việc chấp hành chính sách thuế của người nộp thuế, từ đó đưa ra kiến nghị phù hợp đối với cơ quan thuế trong việc chấn chỉnh công tác quản lý thu thuế trên địa bàn.
Thực trạng kiểm toán thuế trong những năm qua
Trong quá trình phát triển, KTNN có đóng góp tích cực đến công tác quản lý nguồn thu NSNN, đặc biệt là nguồn thu từ thuế, bên cạnh đó cũng đóng góp lớn vào việc nâng cao ý thức thực thi pháp luật của người nộp thuế, các cơ quan quản lý và thu thuế.
KTNN được xem là công cụ quan trọng trong việc quản lý, phát hiện và ngăn ngừa các hành vi sai phạm về thuế. Tuy nhiên, qua việc kiểm toán hàng năm của KTNN về việc thuế đã phát hiện rất nhiền sai phạm.
Theo Luật Quản lý thuế, phương thức quản lý thu nộp thuế, đối tượng nộp thuế tự khai, tự nộp, tự chịu trách nhiệm về số liệu, nội dung kê khai và tuân thủ quy định của Luật nhưng người nộp thuế vẫn kê khai không đúng về miễm giảm thuế, kê khai mức thuế suất không đúng quy định…
Mặt khác, chất lượng thanh tra, kiểm tra thuế cũng hạn chế, một số cán bộ thuế thiếu minh bạch trong việc thực thi pháp luật. Điều này ảnh hưởng khá lớn đến nguồn thu ngân sách, giảm thiểu tính lành mạnh của nền tài chính quốc gia.
Theo báo cáo của KTNN gửi Quốc hội năm 2019: Tình trạng hạch toán và kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí, từ đó tính thiếu thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và lợi nhuận còn lại phải nộp cho Nhà nước vẫn xảy ra phổ biến ở nhiều đơn vị được kiểm toán.
Công tác quản lý thu, chống thất thu thuế tại một số cơ quan thuế còn tình trạng miễn giảm tiền thuê đất, ưu đãi thuế TNDN đối với một số dự án chưa đáp ứng điều kiện ưu đãi; một số cuộc thanh tra, kiểm tra xử lý kết quả thanh tra, kiểm tra không phù hợp với quy định về xử phạt vi phạm hành chính…
Qua kết quả thanh tra, kiểm tra chưa đầy đủ, chất lượng đánh giá rủi ro qua phân tích hồ sơ kê khai thuế để xác định DN cần kiểm tra chưa cao. Công tác quản lý nợ thuế của cơ quan thuế và cơ quan hải quan chưa đạt như kỳ vọng.
Theo báo cáo gửi Quốc hội, đến ngày 30/9/2020, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 52.970 tỷ đồng, trong đó, tăng thu 3.074,5 tỷ đồng, giảm chi NSNN 10.700 tỷ đồng, kiến nghị khác 39.195,5 tỷ đồng.
Trong 9 tháng đầu năm 2020, KTNN đã chuyển cơ quan cảnh sát điều tra để điều tra, làm rõvà xử lý theo quy định của đối với 5 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện thông qua kiểm toán.
Đặc biệt, qua quá trình kiểm toán, KTNN đã phát hiện, ngăn chặn các hành vi trốn thuế, các sai phạm về thuế. Tuy nhiên, công tác kiểm toán quản lý thu ngân sách của KTNN vẫn còn hạn chế nhất định, do tính chất phức tạp của công tác quản lý thuế, cũng như tính đặc thù của các DN được kiểm toán, các DN cố tình kê khai và nộp không đúng số thuế thực phát sinh.
Ở góc độ cơ quan quản lý thuế, vẫn còn một số sai phạm về quy định quản lý và thu thuế, hàng loạt cái sai phạm bị bỏ sót, áp dụng sai các chính sách ưu đãi về thuế.
Ngoài ra, công tác kiểm toán thuế của KTNN cũng gặp không ít trở ngại như chưa thống nhất được nội dung và phương pháp kiểm toán để hướng dẫn cho đội ngũ kiểm toán thực hiện; đội ngũ kiểm toán viên chưa nắm bắt sâu rộng về chính sách và cơ chế vận hành của thuế, quản lý thu thuế, chưa có kỹ năng nghiệp vụ sâu đối với hoạt động này.
Một số giải pháp, đề xuất
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, thời gian tới cần triển khai một số giải pháp sau: Một là, nâng cao hơn nữa nhận thức nghĩa vụ nộp thuế của các cá nhân, tổ chức. Với chức năng của mình, KTNN kiên quyết làm rõcác sai phạm tồn đọng tại DN, đưa ra các biện pháp xử lý sai phạm cụ thể và kết hợp nâng cao ý thực thực thi pháp luật của các đơn vị về quy định kê khai, nộp thuế.
Hai là, trên thực tế, vẫn còn trường hợp cán bộ thuế cố tình bỏ qua các sai phạm về thuế của người nộp thuế nhằm tư lợi cá nhân. KTNN không thể kiểm toán tất cả các đối tượng nộp thuế nên nhiệm vụ cần thiết là phải kiểm toán các cơ quan quản lý thuế.
Nếu phát hiện sai phạm, thì cần kiểm tra hồ sơ của DN để xác định rõsai phạm của cơ quan quản lý thuế, từ đó yêu cầu đơn vị quản lý thuế chấn chỉnh công tác thu và quản lý thuế.
Nhà nước cũng cần ban hành các chế tài xử lý sai phạm đối với cán bộ thuế. KTNN thực hiện đúng các quy định trong việc phát hiện các sai phạm, góp phần lành mạnh công tác quản lý và thu thuế cho NSNN.
Ba là, phát huy hơn nữa vai trò của KTNN. Để phát huy vai trò của KTNN về công tác kiểm toán nguồn thu NSNN từ thuế, KTNN cần phát triển nhiệm vụ kiểm toán theo hướng sau:
– Xây dựng quy trình và phương pháp kiểm toán thuế phù hợp, hướng dẫn cập nhật, đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ kiểm toán viên.
– Nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán thuế. Cụ thể là, nên thực hiện các cuộc kiểm toán chuyên sâu, kiểm toán chuyên đề theo phạm vi toàn Ngành và theo từng sắc thuế.
Cần mở rộng quy mô kiểm toán để đánh giá toàn diện về công tác nộp thuế của người nộp thuế, công tác quản lý và thu thuế của cơ quan thuế, từ đó chấn chỉnh hoạt động thu nộp thuế, góp phần tăng thu ngân sách, lành mạnh nền tài chính quốc gia.
– Thực hiện chức năng tư vấn. Thông qua phát hiện các sai phạm KTNN bày tỏ ý kiến về vấn đề thu nộp thuế, đưa ra các giải pháp khắc phục những tồn tại góp phần hạn chế tối đa các sai phạm xảy ra trong tương lai.
– Phối hợp với cơ quan thuế và cơ quan liên quan trong quá trình thực hiện kiểm toán thuế, vì cơ sở để thực hiện cuộc kiểm toán thuế cơ bản vẫn là dữ liệu của cơ quan thuế. Do đó, KNTT cần tăng cường xây dựng và ban hành các quy chế phối hợp với cơ quan thuế và các hiệp hội nghề nghiệp về thuế nhằm nâng cao chất lượng của hoạt động kiểm toán thuế.
– Xem xét, đánh giá các chính sách ưu đãi về thuế. Thực trạng kiểm toán thuế thời gian qua cho thấy, có rất nhiều sai phạm liên quan đến các chính sách ưu đãi về thuế.
Trên thực tế, nhiều DN hiện tại vẫn lợi dụng chính sách ưu đãi này để cắt giảm số thuế nộp vào ngân sách nhà nước. Chính sách miễn, giảm thuế là cần thiết nhưng Nhà nước cần xem xét thêm về đối tượng thực hiện miễn, giảm để hoạt động nộp thuế giữa các DN minh bạch và công bằng.
Để hoàn thành mục tiêu kiểm toán đến năm 2030 là “Phát triển KTNN thành công cụ trọng yếu và hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý và sử dụng tài chính công, tài sản công” thì KTNN cần phát huy hơn nữa vai trò của mình trong công tác kiểm toán thuế, thực hiện quyết liệt kiểm tra, xác nhận tính đúng đắn của công tác quản lý thuế các cấp cũng như người nộp thuế. Từ đó, góp phần phát triển một nền tài chính quốc gia lành mạnh, thể hiện trách nhiệm trước nhân dân về một Nhà nước công bằng, minh bạch.
Tài liệu tham khảo:
1. Quốc hội (2015), Luật Kiểm toán Nhà nước số 81/2015/QH13;
2. Quốc hội (2019), Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14;
3. Kiểm toán Nhà nước (2019), Kết quả Kiểm toán Nhà nước năm 2019;
4. Kiểm toán Nhà nước (2020), Báo cáo của Tổng Kiểm toán Nhà nước về công tác năm 2020;
5. Trần Khánh Hoà (2019), Kết quả kiểm toán thuế của Kiểm toán Nhà nước: Mức độ vi phạm còn cao và diễn ra ở hầu hết các địa phương, doanh nghiệp. Báo Kiểm toán số 22 ra ngày 30/5/2019.
(*) ThS. Nguyễn Thị Quỳnh Giao – Trường Đại học Duy Tân.
(**) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 7/2021.
Phản hồi