Tỷ phú kiếm tiền nhanh nhất thế giới: Gây dựng cả tỷ USD chỉ trong 1 năm nhờ lĩnh vực được ví như “mỏ vàng” của kỷ nguyên mới
Jay Walker đã thành lập nhiều công ty khởi nghiệp thành công, phục vụ hàng triệu khách hàng trong nhiều ngành khác nhau cho đến nay. Đồng thời, ông cũng có hàng trăm bằng sáng chế độc đáo đề tên của mình.
Đặc biệt, ông còn được ví là người “kiếm tiền nhanh nhất thế giới” khi vọt lên bảng xếp hạng tỷ phú chỉ trong vòng 1 năm. Vào đầu năm 2000, tài sản ròng của ông đạt mức 1,8 tỷ USD nhờ vào sự thành công của Priceline.com – website chuyên cung cấp thông tin giảm giá.
Sau đó, bong bóng dot-com đã khiến cổ phiếu của công ty giảm sâu, khiến tài sản của ông “bốc hơi” và bị đẩy khỏi bảng xếp hạng tỷ phú. Tuy vậy, cái tên Jay Walker đã để lại ấn tượng đậm sâu trong giới kinh doanh Mỹ thời điểm đó.
Hiện nay, ông đang là chủ tịch của Walker Digital, một phòng thí nghiệm nghiên cứu và phát triển tư nhân, tập trung vào việc sử dụng mạng kỹ thuật số để tạo ra các hệ thống kinh doanh mới. Walker cũng là người quản lý TEDMED từ năm 2011 và Synapse Group, Inc.
Jay Walker là người quản lý TEDMED từ năm 2011.
Walker Digital đã đứng sau việc tạo ra nhiều giải pháp cho các khó khăn trong kinh doanh của doanh nghiệp. Công ty chủ yếu chuyên đưa ra các ứng dụng sáng tạo, hoạt động với các mạng quy mô lớn như internet và điện thoại di động.
Theo Moneyinc, đây là bí quyết giúp ông ấy từng kiếm được hàng tỷ USD chỉ trong một thời gian ngắn.
1) Bắt đầu kinh doanh khi vẫn còn trẻ
Sinh ngày 5 tháng 11 năm 1955 tại Yonkers, New York, Walker luôn thể hiện tinh thần kinh doanh của mình ngay cả khi còn trẻ. Ông “khởi nghiệp” lần đầu tiên bằng cách bán thạch rau câu, hạt giống và nến trước cửa nhà từ thuở nhỏ. Sau đó, ông bắt đầu đạp xe đi giao báo bất chấp mọi loại thời tiết với quãng đường dài tới 4 dặm (khoảng 6,4 km).
Tuy vậy, nghề nghiệp mơ ước trước kia của ông chỉ là trở thành trợ lý hành chính, làm việc cho một cá nhân giàu có. Đó là lý do ông theo học ngành Quan hệ lao động tại Đại học Cornell để có được những kỹ năng hấp dẫn những người tài giỏi. Ông cũng học cách lập trình máy tính, điều khiển hướng, cách lái máy bay một động cơ và các quy định thô sơ về luật hợp đồng và thương mại.
2) Nhận thức tầm ảnh hưởng của thông tin
Khi vẫn đang học tại trường đại học, Walker đã hiểu rõ tầm ảnh hưởng của thông tin. Ông đã bỏ học một thời gian ngắn để phát hành báo hàng tuần ở Ithaca mà không thu bất cứ đồng tiền nào. Có những thời điểm, tờ báo của Walker có thể in ra tới 25.000 bản.
Tuy nhiên, hoạt động của Walker khiến các đối thủ cạnh tranh “khó chịu” và họ đã tìm mọi cách buộc ông ngừng kinh doanh. Sau đó, Walker mới đi học trở lại.
3) Nhanh chóng gia nhập Câu lạc bộ tỷ phú nhờ tìm đúng “mỏ vàng”
Là một trong những ánh sáng hàng đầu của sự bùng nổ dot-com, Jay là người đã tận dụng thời cơ tốt nhất để bước chân vào lĩnh vực Internet – được ví như “mỏ vàng” của kỷ nguyên mới.
Internet đã đem tới những phương pháp tiếp thị có một không hai mà công ty thương mại muốn lan truyền cho người mua. Ở phía ngược lại, người tiêu dùng sẽ tận dụng lợi thế của internet để định ra chi phí mà họ sẵn sàng chi trả cho các sản phẩm cụ thể. Đề nghị của họ sẽ được chấp nhận hoặc bị từ chối tùy vào từng doanh nghiệp và từng sản phẩm.
Ví dụ: Một ứng dụng cho phép khách du lịch đề xuất được mua vé máy bay giá rẻ. Nếu hãng hàng không còn thừa ghế trống, có thể họ sẽ chấp nhận điều này.
Năm 1999, Priceline.com đã bắt đầu bằng việc bán vé máy bay giá rẻ như thế và sau đó mở rộng sang bán tạp hóa và xăng dầu. Nhờ thế, chỉ sau 1 năm, ông đã kiếm được 1,8 tỷ USD tài sản ròng (trên giấy tờ). Sau đó, ông đã bán toàn bộ cổ phần của mình cho các nhà đầu tư Hồng Kông (Trung Quốc).
4) Ông cũng kiếm tiền nhờ “bộ sưu tập” Bằng sáng chế Quốc tế
Vào năm 1994, dự án kinh doanh lừng lẫy nhất của ông được đưa ra trước mắt công chúng với tên gọi Walker Digitals. Họ đã tạo ra rất nhiều ứng dụng cung cấp giải pháp kinh doanh, giải quyết vô vàn khó khăn cho doanh nghiệp. Chính vì lý do đó mà ông được mệnh danh là “Edison của thời đại mới”.
Thay vì tạo ra sản phẩm từ đầu, họ mua bằng sáng chế ý tưởng kinh doanh và phần mềm từ các công ty bán đấu giá tài sản. Walker muốn “thu thập” càng nhiều càng tốt để cung cấp năng lượng cho các công ty khởi nghiệp của mình. Vào cuối những năm 1990, ông đã có khoảng 240 bằng sáng chế đang chờ xử lý.
Mô hình kinh doanh này xuất phát trong một lần tình cờ, khi Walker bắt gặp một bài báo về các hệ thống ngân hàng đã sử dụng mật mã khóa công khai để chuyển những khoản tiền lớn một cách an toàn. Thuật toán hỗ trợ được phát triển bởi một công ty thuộc ba nhà toán học đã sáng chế ra nó. Đây là lúc Walker nhận ra rằng, luật về bằng sáng chế không chỉ bảo vệ các sản phẩm mà còn cả các khái niệm, ý tưởng và ứng dụng của chúng.
Walker Digitals cũng đóng góp vào công nghệ trò chơi với Perfect Pay Baccarat, một ứng dụng giúp tăng tính bảo mật và độ chính xác, đồng thời giảm thiểu sự chênh lệch trong trò chơi.
Theo hồ sơ PBS Newshour năm 2016, “Walker có tên trên hơn 500 bằng sáng chế đã cấp và đang chờ xử lý ở Hoa Kỳ và quốc tế. Nhưng việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ đó đã khiến một số người gán cho anh ta là ‘kẻ lừa đảo bằng sáng chế’.”
Một trong những động thái “thực thi quyền sở hữu trí tuệ” đình đám nhất mà Walker từng thực hiện chính là kiện Facebook vi phạm bằng sáng chế vào năm 2010. Công ty Walker Digitals đưa ra cáo buộc cho rằng Facebook đã chiếm đoạt một phát minh giúp người dùng máy tính thiết lập liên lạc ẩn danh.
Ngoài ra, Walker còn được biết đến là người bảo trợ của TED, một tổ chức truyền thông đại chúng chuyên đăng tải những nội dung hội thảo giữa người với người, cho phép xem trực tuyến miễn phí, với khẩu hiệu “ideas worth spreading” (tạm dịch: Ý tưởng có giá trị khi được lan tỏa).
Jay Walker là diễn giả có đóng góp đáng kể cho TED.
Ông là một diễn giả thường xuyên và là người đóng góp cho các hội nghị tại TED. Các bài phát biểu của ông thường xoay quanh một số chủ đề như trí tưởng tượng của con người và “chứng cuồng tiếng Anh”.
*Theo MoneyInc, Times Of India
Phản hồi