Từ chuyện vải thiều ‘vỡ kế hoạch’ đến việc ‘mở đường’ cho nông sản Việt trên kênh online
Điều này cho thấy bên cạnh việc tập trung nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm thì đa dạng hóa thị trường cũng rất quan trọng. Theo đó, việc đưa trái vải thiều lên sàn thương mại điện tửđược xem là bước ngoặt về thị trường cho nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam.
9 tấn vải thiều được tiêu thụ trên kênh online
Có thể nói 2021 là năm của nông sản Việt trên các sàn thương mại điện tử. Trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều mặt hàng nông sản lần đầu tiên xuất hiện trên kênh thương mại điện tử.
Tháng 6/2021, vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang lần đầu tiên chính thức phân phối trên cả 6 sàn thương mại điện tử lớn nhất tại Việt Nam là Voso, Sendo, Shopee, Tiki, Postmart, Lazada thông qua Gian hàng Việt trực tuyến quốc gia.
Nhiều mặt hàng nông sản tươi được bán trên sàn thương mại điện tử. |
Trong bối cảnh Bắc Giang trở thành tâm dịch COVID-19, các hoạt động sản xuất bị ảnh hưởng nặng nề, đã có trên 9.000 tấn vải thiều với hơn 1 triệu đơn hàng được tiêu thụ trong mùa vải thiều Bắc Giang vừa qua trên các sàn thương mại điện tử lớn (không kể các kênh trực tuyến mạng xã hội khác).Con số này đã vượt xa kịch bản tốt nhất mà tỉnh Bắc Giang xây dựng thời điểm đó đối với việc tiêu thụ vải thiều trên thương mại điện tử là khoảng 2.000 tấn.
Bên cạnh đó, Na Chi Lăng (Lạng Sơn), bưởi Phúc Trạch (Hà Tĩnh) cũng được phân phối trên các sàn thương mại điện tử như Voso, Postmart, Sendo… cũng như các đối tác vận hành thương mại điện tử.
Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương), chia sẻ những thông tin tích cực khi nông sản được bán online. “Hôm vừa rồi, chúng tôi dự Hội nghị tổng kết của Sở Công Thương Hà Giang thì nghe báo cáo là cam Hà Giang năm nay tăng giá gấp 3 lần mọi năm nhờ đẩy mạnh tiêu thụ qua kênh online. Không cần phải chở hàng xuống các thành phố lớn mà doanh nghiệp từ các địa phương lên tận vườn thu mua”.
Nhắc đến Hưng Yên, bà Nga kể địa phương này “khoe” vụ vừa qua được mùa nhãn lồng, cam cũng được giá. Theo Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, điều này cho thấy việc đổi mới phương thức tiêu thụ nông sản là rất quan trọng. Lãnh đạo địa phương nào quan tâm hỗ trợ cho nông dân, HTX tìm kiếm thị trường bền vững sẽ thành công trong việc giải bài toán tiêu thụ, bắt kịp tín hiệu thị trường. “Chúng ta cần phải tiêu thụ hàng nông sản theo cách văn minh, bài bản, khoa học bắt kịp xu hướng thế giới. Kênh online chính là một lựa chọn không thể thiếu”, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước nhắn nhủ.
Nắm bắt thị hiếu tiêu dùng qua kênh online, bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam (Vinanutrifood) đang đẩy mạnh xúc tiến kênh tiêu thụ nông sản qua sàn thương mại điện tử của Trung Quốc. Mặt khác, các mặt hàng nông sản tươi, sản phẩm chế biến từ nông sản cũng được đẩy mạnh phân phối qua kênh online.
Song bà Hằng cũng không giấu niềm khâm phục, ngưỡng mộ về sự nỗ lực của nhiều nông dân, HTX trong năm qua. “Cuối năm 2021, tôi có dịp lên Lai Châu, đến đây tôi có cơ hội chia sẻ với các HTX và thấy rằng dù người quản lý các HTX là dân tộc thiểu số nhưng họ có trí lớn, suy nghĩ lớn”.
Bà Hằng chia sẻ với VnBusiness: “Tôi đã rất khâm phục khi một bác Chủ tịch HTX gần 70 tuổi chuyên trồng mắc ca bán cho khắp nơi trên đất nước. Mắc ca của bác bán được trong thủ phủ mắc ca là Đắk Lắk. Bác sẵn sàng chạy xe máy đi 35km đường rừng để mang hàng lên đơn vị chuyển phát nhanh – chuyển tới người mua. Bác học tiếng kinh, dùng Zalo, Facebook, thương mại điện tử để bán hàng…”
Thách thức ứng dụng công nghệ
Việc buôn bán qua sàn thương mại điện tử không chỉ giúp tiếp cận nhanh nhất đến người tiêu dùng trong nước mà đây là con đường nhanh nhất để đưa nông sản Việt ra thế giới. Ông Vũ Thế Tùng, phụ trách mảng phát triển thị trường, đại diện Sàn thương mại điện tử Alibaba tại Việt Nam, cho hay tại Alibaba, các mặt hàng nông nghiệp, nông sản cũng như mặt hàng thực phẩm chế biến là 2 nhóm danh mục mặt hàng được người tiêu dùng, những công ty nhập khẩu thế giới tìm tới các nhà bán hàng, các đơn vị xuất khẩu Việt Nam nhiều nhất.
“Qua đó, công cuộc chuyển đổi số nói chung và việc áp dụng thương mại điện tử vào trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh nói riêng sẽ giúp đa dạng danh mục khách hàng. Mỗi năm chúng ta sẽ không bị ảnh hưởng bởi câu chuyện đóng biên giới, cửa khẩu của thị trường Trung Quốc”, ông Tùng nhìn nhận.
Theo đại diện Alibaba, bên cạnh đẩy mạnh chất lượng, giảm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, ngành nông nghiệp Việt Nam cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tìm được danh mục hệ thống của người mua. Trong đó, sàn thương mại điện tử sẽ giúp tối ưu hoá người mua trong việc xúc tiến thương mại, tương tác với khách hàng từ nhiều quốc gia khác nhau. Qua đó, đa dạng hóa danh mục người mua hàng cho nông sản Việt và tiến hành thâm nhập thị trường cao hơn.
Ông Bùi Huy Hoàng, Phó giám đốc Trung tâm tin học và công nghệ số (Cục Thương mại điện tử và kinh tế số), cho biết đơn vị này đang từng bước xây dựng các gian hàng quốc gia Việt Nam trên các sàn thương mại quốc tế. Mỗi thị trường có quy định khác nhau về thương mại điện tử, về nhập khẩu hàng hoá. Do vậy, Việt Nam cần có cách thức tổ chức khác nhau để đưa hàng Việt cũng như nông sản Việt ra thị trường quốc tế. Đồng thời, Cục sẽ hỗ trợ đào tạo nhân lực, tư vấn cho người sản xuất, doanh nghiệp Việt Nam về cách sử dụng công nghệ.
Dù đã rất thành công nhưng tất nhiên mới chỉ là bước khởi đầu, bởi khối lượng nông sản sản xuất mỗi năm là rất lớn, vì vậy để tận dụng tối đa kênh bán hàng này thì cần xây dựng một chiến lược bài bản. Bà Vũ Thị Minh Tú, Giám đốc Đối ngoại Lazada Việt Nam, cho rằng dù xuất khẩu hay tiêu thụ nội địa, chuỗi cung ứng nông sản cần được tổ chức bài bản thì mới mong phát triển thị trường bền vững, không phải giải cứu.
Vấn đề cần làm trong thời gian tới là hỗ trợ nông dân, HTX tiếp cận thị trường tốt hơn. Làm thế nào tổ chức chuỗi cung ứng nông sản từ nông trại tới bàn ăn, với nông sản tươi sống như vải thiều thì việc chuyển đổi số còn nhiều thách thức cần sự chung tay của các bên.
Thách thức nổi bật, về phía nhà bán hàng như người nông dân, HTX là khả năng tiếp cận, mức độ hiểu biết nắm bắt công nghệ còn hạn chế, khó khăn giới thiệu sản phẩm tới người dùng online. “Thời gian qua, các công việc như đóng gói sản phẩm sao cho đúng chuẩn, chụp ảnh làm sao để hấp dẫn người mua hàng. Do vậy cần “cầm tay chỉ việc” cho nông dân, HTX. Nếu chúng ta làm tốt điều này thì khách hàng mới quay trở lại lần sau”, bà Tú chia sẻ.
Phản hồi