Từ chối mức lương nghìn USD, 9X về quê khởi nghiệp kiếm 3 tỷ đồng mỗi năm
Bán vàng cưới khởi nghiệp
Năm 2013, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành kỹ thuật hóa học, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Nguyễn Văn Tư (31 tuổi, quê ở xã Minh Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) có công việc ổn định tại một công ty ở Hà Nội.
Chàng thanh niên Nguyễn Văn Tư, từ bỏ ngang công việc nghìn USD về quê khởi nghiệp.
Một năm sau, anh được công ty Nhật Bản nhận làm phó phòng sản xuất với mức lương 14 triệu đồng/tháng. Thế nhưng, khi công việc đang thuận lợi thì anh quyết định nghỉ về quê, điều này khiến vị giám đốc người Nhật không khỏi bất ngờ.
“Khi biết tôi ngỏ ý muốn nghỉ việc, giám đốc đã tăng mức lương lên đến 3.000 USD/tháng để giữ tôi ở lại. Tuy nhiên, tôi đã quyết định thì không thay đổi. Tôi rời công ty không phải vì chuyện tiền lương, bởi tôi còn có một mục tiêu cần phải thực hiện lúc bấy giờ, đó chính là chế tạo thành công máy sấy thăng hoa”, anh Tư thổ lộ.
Theo anh Tư, năm 2016, khi đó anh đang làm việc tại công ty thì có biết đến công nghệ sấy thăng hoa. Cũng chính từ đó, anh đã nghiên cứu về công nghệ này và quyết tâm sẽ chế tạo thành công chiếc máy sấy thăng hoa.
Anh Tư kể: “Đó là một chiếc máy siêu lợi nhuận và đắt đỏ, có những chiếc máy khi về đến Việt Nam cũng có giá vài chục tỷ đồng. Với những kiến thức đã học, tôi nghĩ tại sao họ làm được mà mình không thử làm xem sao. Thế rồi tôi bắt tay vào nghiên cứu kể từ đó”.
Nghĩ là làm, sau mỗi buổi đi làm về, anh lại lôi tài liệu ra nghiên cứu, có những khi anh thức thâu đêm để tìm tòi về công nghệ máy sấy thăng hoa. Để thuận tiện cho việc nghiên cứu, anh về quê kêu gọi thêm bố và anh trai cùng làm.
“Mỗi thứ 7 và chủ nhật hàng tuần, tôi lại chạy về quê để cùng bố và anh trai chế tạo máy. Tôi chuyên nghiên cứu công nghệ, bố thì gia công cơ khí còn anh trai thực hiện kỹ thuật máy móc. Sau hai năm, chiếc máy đầu tiên cũng được chúng tôi cho ra lò hoàn thiện.
Tuy nhiên, khi vận hành thì chiếc máy bị lỗi, khí gas rò rỉ rất nhiều. Chúng tôi phải bắt đầu lại từ đầu. Có những đêm, ba bố con thức đến tận 3h sáng tận dụng không gian yên tĩnh ngồi nghe tiếng máy, tiếng khí gas hở để khắc phục”, anh Tư tâm sự.
Theo anh Tư, những linh kiện và phụ tùng máy sấy thăng hoa rất đắt đỏ. Có thời điểm hết sạch tiền anh đã phải bán hai cây vàng, là quà cưới của vợ chồng để có tiền mua vật tư. Đã có lúc anh chán nản, muốn từ bỏ nhưng vì đam mê và đặc biệt là sự động viên chia sẻ của bố cùng anh trai nên anh đã quyết tâm vượt qua khó khăn để có được thành công như ngày hôm nay.
Ông Nguyễn Văn Quyền (bố đẻ anh Tư) chia sẻ: “Để từ bỏ mức lương cao như thế chúng tôi thấy lo lắng nhiều lắm. Khi nghe Tư bảo về quê chế tạo máy chúng tôi càng lo hơn. Nhưng vì đam mê của con và niềm tin vào những gì con đang theo đuổi, tôi đã quyết định ủng hộ con, thật may mắn Tư đã thành công như mong đợi”.
Thu tiền tỷ mỗi năm và ước mơ “thăng hoa” cho nông sản Việt
Năm 2018, sau hai năm nghiên cứu và chế tạo, máy sấy thăng hoa mang thương hiệu Bạch Mã của Nguyễn Văn Tư chính thức thành công. Đúng lúc này, anh quyết định rời bỏ công ty để về quê khởi nghiệp.
Tận dụng lại nhà xưởng của bố, anh mở công ty và bắt tay vào sản xuất máy. Những chiếc máy đầu tiên mà anh xuất bán đã được thị trường đón nhận. Kể từ đó, từ một xưởng cơ khí nhỏ, đến nay anh đã sở hữu 5 chi nhánh ở nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Theo anh Tư, do công nghệ đã được đơn giản hóa nên chi phí và giá thành máy sấy thăng hoa của anh luôn rẻ hơn nhiều so với những chiếc máy nhập khẩu. Chính vì vậy, khách hàng đã tìm đến anh ngày một nhiều hơn và đem lại thành công ngoài mong đợi.
“Năm đầu tiên tôi xuất được 8 chiếc, năm thứ hai được 18 chiếc và năm 2020 vừa qua đạt mức 43 chiếc. Những chiếc máy mà tôi sản xuất có giá bằng 1/3 giá máy nhập khẩu. Đó cũng là lý do khách hàng tin dùng ngày một nhiều”, anh Tư bộc bạch.
Hiện tại, trung bình mỗi tháng tại cơ sở anh Tư xuất bán ra thị trường từ 4-5 chiếc máy. Với giá bán 250 triệu đồng (máy công suất nhỏ) và 8-10 tỷ đồng (máy công suất lớn), mỗi năm tổng doanh thu của anh đạt mức từ 15-18 tỷ đồng. Trừ chi phí vật tư, nhân công, bảo hành…, anh thu lời khoảng 3 tỷ đồng/năm.
Theo anh Tư, cũng do giá thành đầu tư cao nên đa phần những chiếc máy anh xuất bán ra thị trường chủ yếu là máy công suất nhỏ. Thị trường hiện nay của công ty anh được phủ sóng toàn quốc, đặc biệt là một số thành phố lớn như: Hà Nội, TPHCM, Bình Dương…
Với 5 cơ sở hoạt động, ngoài việc đem về nguồn thu “khủng”, hiện công ty của anh Tư đang tạo việc làm cho 19 công nhân với mức lương cơ bản từ 10-12 triệu đồng/tháng.
Nói về công nghệ sấy thăng hoa, anh Tư cho biết, sấy thăng hoa được vận hành theo quá trình chuyển đổi từ dạng rắn sang dạng hơi nhưng không qua dạng lỏng. Các sản phẩm khi sấy thăng hoa sẽ giữ nguyên được hình dạng, màu sắc và đặc biệt là chất dinh dưỡng.
Do chi phí cao nên các mặt hàng sử dụng công nghệ này chủ yếu là các mặt hàng giá trị như: Đông trùng hạ thảo, yến sào, mít sấy, sầu riêng…
Bật mí về những dự định tương lai, anh Tư cho biết sẽ hướng công nghệ sấy thăng hoa đến các mặt hàng nông sản Việt Nam như sầu riêng, dưa lưới, vải thiều, thậm chí là củ, quả…
“Hiện tại chúng tôi đang mở thêm dịch vụ sấy thuê nông sản cho những khách hàng chưa có điều kiện đầu tư máy. Tôi thấy ở Việt Nam có nguồn nông sản hết sức dồi dào. Tuy nhiên giá thành bán ra rất thấp, nếu áp dụng công nghệ sấy thăng hoa thì đảm bảo chất lượng và giá thành nâng lên rõ rệt. Đây cũng là mục tiêu lớn mà tôi muốn hướng đến trong thời gian sắp tới”, anh Tư tâm sự.
Theo dantri.com.vn
Phản hồi