TP.HCM đã thu hồi hơn 2.242ha đất
Theo dự thảo Báo cáo Tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013, đề xuất sửa đổi, bổ sung của UBND TP.HCM, giai đoạn 2014-2020, thành phố đã đã thu hồi hơn 2.242ha đất theo Nghị định 167; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất với tổng diện tích 2.800ha. Tuy nhiên, vẫn còn có nhiều trường hợp chậm đưa đất vào sử dụng, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng đất.
ĐÃ THU HỒI HÀNG NGHÌN HA ĐẤT
Công tác thu hồi đất được triển khai thực hiện đảm bảo các quy định theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP của Chính phủ.
Theo đó, các quận, huyện và TP. Thủ Đức đã thu hồi đất 275 dự án, với diện tích 1.700ha. Trong đó, đất nông nghiệp 750ha, đất phi nông nghiệp 850ha và chưa sử dụng khoảng 100ha. Thu hồi đất 80 khu, tổng diện tích hơn 470ha; đồng thời cũng đã thu hồi đất do vi phạm pháp luật đất đai 05 khu đất với diện tích hơn 6,1ha; thu hồi theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP là 124 khu, tổng diện tích hơn 66,4ha.
Cũng trong giai đoạn 2014-2020, UBND TP.HCM đã ban hành 750 quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất với tổng diện tích 2.800ha. Tình hình giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất được thực hiện trên cơ sở phù hợp quy hoạch kế hoạch sử dụng đất được duyệt.
Việc giao đất cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất chủ yếu từ nguồn tài sản công đã được sắp xếp lại xử lý theo dự án được phê duyệt cho bán đấu giá.
Từ nguồn thu hồi nhà đất có nguồn gốc của Nhà nước góp vốn trong các liên doanh đã hết thời hạn sử dụng đất mà không được gia hạn. Do đó, việc giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá bị hạn chế nguồn quỹ đất sạch.
Việc giao đất cho thuê đất thông qua đấu thầu dự án có sử dụng đất chưa được thực hiện nhiều, mặc dù công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được quan tâm thực hiện nghiêm túc.
Đối với giao đất cho thuê đất không thông qua đấu giá tại TP. HCM chủ yếu từ việc Nhà nước thực hiện thu hồi đất và tổ chức bồi thường giải tỏa để giao đất thực hiện các dự án đầu tư công xây dựng các công trình công ích, công cộng của các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, giao thông và các công trình hạ tầng kỹ thuật khác.
Việc chuyển mục đích sử dụng đất đối với các trường hợp tổ chức cá nhân có sẵn quyền sử dụng đất hoặc nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp để sử dụng vào mục đích đất phi nông nghiệp, đất ở gặp khó khăn khi các quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng và quy hoạch nông thôn chưa tích hợp.
Có thể thấy, việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất ngoài đáp ứng nhu cầu chính đáng, hợp pháp của của doanh nghiệp và người dân còn góp phần cho công tác quản lý đất đai, đáp ứng đô thị hóa, chỉnh trang tạo mỹ quan đô thị, tạo việc làm (các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp), tăng thu ngân sách, đảm bảo vệ sinh môi trường (di dời các cơ sở sản xuất ra ngoại thành)…
Tuy nhiên, kết quả này vẫn chưa đạt như kế hoạch sử dụng đất, vẫn còn có nhiều trường hợp chậm đưa đất vào sử dụng, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng đất.
GIÁ BỒI THƯỜNG CHƯA TIẾP CẬN GIÁ THỊ TRƯỜNG
Theo Luật Đất đai 2013, các dự án đã chi trả xong, đã phê duyệt hoặc đang thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trước ngày Luật đất đai 2013 có hiệu lực, thì thực hiện theo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được phê duyệt.
Thêm vào đó, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thường xuyên điều chỉnh, bổ sung theo hướng có lợi hơn cho người dân, nhưng không áp dụng cho các dự án đã phê duyệt phương án theo chính sách trước (không hồi tố) đó nên rất khó khăn trong việc tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận để bàn giao mặt bằng, dễ dẫn đến phát sinh khiếu nại, khởi kiện vụ án hành chính về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Thực tế tại TP.HCM, nhiều khu vực do kéo dài thời gian thực hiện quy hoạch hoặc dự án chậm triển khai nên có khá nhiều trường hợp tự ý chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp hoặc lấn chiếm đất có nguồn gốc lấn chiếm sông, kênh, rạch hoặc lấn, chiếm đất do cơ quan nhà nước quản lý và xây dựng không phép để làm nhà ở thì không được bồi thường, chỉ được hỗ trợ nhưng mức hỗ trợ còn thấp (30%-40%) không đủ để tự lo nơi ở mới hoặc đủ tiền thanh toán giá trị nhà, đất tái định cư.
Do đó, chính quyền các cấp phải tăng cường vận động người dân hoặc phải áp dụng biện pháp cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất đối với các hộ không chấp hành, dẫn đến một số dự án chưa hoàn thành bàn giao mặt bằng theo tiến độ.
Giá bồi thường cho người bị thu hồi đất chưa tiếp cận với giá thị trường nên nhiều trường hợp người bị thu hồi đất không đồng thuận, dẫn đến khiếu kiện kèo dài.
Phản hồi