Công ty CP FPT (HoSE: FPT) vừa tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 (ĐHĐCĐ 2022) với mục tiêu doanh thu tăng 19%, đạt 42.420 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế tăng 20,2%, đạt 7.618 tỷ đồng. FPT sẽ chi trả cổ tức tỷ lệ 40% (20% bằng tiền mặt và 20% bằng cổ phiếu, tỷ lệ 5:1).
Theo kế hoạch kinh doanh trong năm 2022, FPT dự kiến chi phí đầu tư là 4.000 tỷ đồng. Trong đó khối viễn thông có giá trị đầu tư lớn nhất 2.000 tỷ đồng.
Tại thị trường nước ngoài, FPT cho biết sẽ tập trung xây dựng năng lực tư vấn, phát triển các giải pháp công nghệ mới để hoàn thiện gói giải pháp số cho khách hàng toàn cầu. Đồng thời, tiếp tục theo đuổi chiến lược “Săn cá voi”, tập trung khai thác các khách hàng có quy mô doanh số lớn (large deal), nhất là khi năm 2021, số lượng dự án trên 5 triệu USD tăng gấp đôi và đầu năm 2022 có nhiều tín hiệu tích cực.
Tập đoàn ưu tiên phát triển nguồn nhân lực không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các trung tâm khu vực khác như Ấn Độ, Philippines, Slovakia, Czech, Canada, Costa Rica, Columbia, Nhật Bản…; mở rộng đầu tư tại các thị trường mới, đáp ứng nhu cầu tăng cao trên quy mô toàn cầu.
Tại ĐHĐCĐ 2022, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT cho biết: “Trong nhiều năm qua, chúng tôi đã tạo ra nhiều sản phẩm, giải pháp công nghệ đột phá, mang lại nhiều lợi ích cho hàng nghìn tổ chức, doanh nghiệp khắp toàn cầu, hàng triệu người dân. Tiếp theo, FPT sẽ đưa ra những giải pháp, sản phẩm công nghệ đột phá đáp ứng những giá trị cơ bản nhất của con người”.
Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình. Ảnh: FPT
Trong năm 2022 và những năm tiếp theo, hệ sinh thái công nghệ Made by FPT sẽ không ngừng được mở rộng và hoàn thiện, giúp doanh nghiệp, tổ chức ở mọi quy mô, lĩnh vực đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, gia tăng năng suất, tiết kiệm chi phí, tận dụng tối đa nguồn lực để vượt qua các thách thức. Với tốc độ tăng trưởng doanh thu 42,8% năm 2021, Hệ sinh thái Made by FPT được xem là một trong những động lực tăng trưởng mũi nhọn quan trọng của FPT trong dài hạn.
Bên cạnh đó, FPT định hướng sẽ trở thành một trong những nhà cung cấp dịch vụ Cloud top đầu thị trường. Trong 3 năm tiếp theo, dự kiến tổng mức đầu tư cho nghiên cứu công nghệ Cloud (bao gồm chi phí thiết bị hạ tầng, phát triển ứng dụng) của FPT là 2.300 tỷ đồng. Trong đó, tập trung xây dựng hạ tầng thiết bị Cloud (Data Center) đạt tiêu chuẩn Tier III Constructed facility; tiếp tục mở rộng hệ sinh thái Cloud của FPT với 100 dịch vụ, sản phẩm, giải pháp trong năm 2022.
Đáng chú ý, năm 2022, HĐQT FPT bổ nhiệm ba thành viên mới: Ông Hampapur Rangadore Binod, ông Hiroshi Yokotsuka; bà Trần Thị Hồng Lĩnh; đồng thời cũng sẽ chia tay ba thành viên bao gồm: ông Lê Song Lai (bổ nhiệm năm 2012), ông Tomokazu Hamaguchi và ông Dan E Khoo (đồng bổ nhiệm năm 2014).
Phát biểu tại đại hội, ông Nguyễn Văn Khoa – Tổng giám đốc FPT cho hay, COVID-19 đã làm cho FPT mạnh hơn.
Theo đó, năm 2021 FPT đạt doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt đạt 35.657 tỷ đồng và 6.335 tỷ đồng, tăng 19,5% và 20,4% so với năm trước. Trong đó, khối công nghệ vẫn là khối kinh doanh chủ lực của Tập đoàn khi đóng góp 58% doanh thu và 44% lợi nhuận trước thuế.
Doanh thu từ chuyển đổi số trong năm 2021 đạt 5.522 tỷ đồng, tăng 72% so với năm trước, tập trung vào các công nghệ số như Điện toán đám mây (Cloud), Trí tuệ nhân tạo (AI), Low code…
Theo ông Khoa, FPT đang đứng trước cơ hội rất lớn là dòng tiền đầu tư công. Gói đầu tư công của Chính phủ dồn dập sau COVID-19 và các gói đầu tư này đầu tư rất nhiều cho cơ sở hạ tầng, cơ hội phát triển quốc gia. Và đầu tư công gắn liền với công nghệ số và chuyển đổi số.
Ông Khoa thông tin, FPT đang tiếp cận khách hàng từ khâu tư vấn đến ký hợp đồng lớn và tiếp tục tham gia sâu và dài hạn trong nhiều năm, 1 đồng tiền tư vấn sẽ cần 10 đồng phát triển và 100 đồng vận hành.
“Chúng tôi sẵn sàng cạnh tranh với tất cả đối thủ trên toàn thế giới, dù là những tập đoàn lớn, không phải chỉ từ những quốc gia phát triển, mà còn phát triển vô cùng mạnh, như Accenture, như TCS. Và chúng tôi đã vượt qua họ ở một số dự án thắng thầu ở nước ngoài”, ông Khoa nhấn mạnh.
Phản hồi