Tiền gửi tổ chức và dân cư giảm mạnh
Tại cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng vừa qua do Ngân hàng Nhà nước thực hiện cho thấy, nhu cầu gửi tiền ngân hàng giảm mạnh.
Theo đó, đại diện các tổ chức tín dụng cho biết, trong quý 3/2021, nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng tổng thể của khách hàng ở mức thấp, giảm so với quý trước. Trong đó, nhu cầu gửi tiền ngân hàng sụt giảm khá mạnh.
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến cuối tháng 7/2021 so với đầu năm 2021, tiền gửi khu vực dân cư đạt hơn 5,294 triệu tỷ đồng, tăng chỉ 2,97%; tiền gửi tổ chức kinh tế đạt 5,085 triệu tỷ đồng, tăng 4,25%.
Mức tăng trưởng này thấp hơn nhiều so với 5,2% tiền gửi của dân cư và 4,44% tiền gửi của các tổ chức kinh tế tại hệ thống ngân hàng trong 7 tháng đầu năm 2020. Thậm chí, nếu so với con số của cùng kỳ năm 2019 còn thấp hơn nhiều, tăng trưởng tiền gửi của 2 nhóm khách hàng trên lần lượt là 7,64% và 5,89%.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, thanh khoản hệ thống vẫn dồi dào vào ổn định. Bởi lẽ, hoạt động thị trường mở thường xuyên không phát sinh giao dịch mới, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng duy trì ở vùng thấp (qua đêm 0,71%).
Đồng thời, đến 20/9/2021, tín dụng toàn nền kinh tế và huy động vốn từ các tổ chức tín dụng lần lượt tăng 7,17% và 4,28% so với cuối năm 2020 (so với mức 4,99% và 7.35% năm 2020). Xét theo tháng, tín dụng đã chậm lại trong tháng 9 với mức giảm 0,23% so với tháng 8. Chênh lệch giữa tiền gửi – tín dụng đã được cải thiện và giúp giảm áp lực lên thanh khoản hệ thống
Tham khảo dữ liệu tại Công ty Chứng khoán SSI cho thấy, trong tuần này, một lượng lớn tiền đồng sẽ được bơm ra ngoài thị trường thông qua hợp đồng mua bán ngoại tệ kỳ hạn.
Do đó, nhóm nghiên cứu SSI cho rằng, nếu hoạt động thị trường mở tiếp tục không có giao dịch (Ngân hàng Nhà nước không hút ròng – NV) thì thanh khoản trên hệ thống duy trì trạng thái dồi dào.
Dù tiền dồi dào nhưng nhu cầu mua Trái phiếu Chính phủ của ngân hàng thương mại thường thấp trong giai đoạn cuối tháng. Do đó, tỷ lệ đăng ký và tỷ lệ trúng thầu tuần vừa qua giảm xuống mức thấp nhất trong tháng 9, ở các mức lần lượt là 160% và 58%.
Trong đó, không có khối lượng Trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 năm được phát hành thành công trong tuần qua khi mặt bằng lãi suất đăng ký thấp. Ở các kỳ hạn còn lại, lãi suất trúng thầu tăng 4 điểm cơ bản ở kỳ hạn 10 và 15 năm, không thay đổi ở kỳ hạn 20 năm.
Lũy kế, tổng khối lượng trái phiếu chính phủ trúng thầu trong Quý 3/2021 chỉ đạt 80% kế hoạch Quý và 9 tháng đầu năm hoàn thành 68% kế hoạch năm. Huy động vốn Trái phiếu Chính phủ chậm lại rõ rệt (giảm 5,9% so với quý trước và 32% so với cùng kỳ) do giải ngân vốn đầu tư công ở mức thấp (9 tháng đầu năm chỉ đạt 47% kế hoạch Chính phủ).
Trái lại, lợi tức Trái phiếu Chính phủ trên thị trường thứ cấp lại tăng 0,01-0,11 điểm phần trăm. Chốt tuần ở mức như sau: 1 năm (0,47%, tăng 0,09 điểm phần trăm); 3 năm (0,82%; tăng 0,01 điểm phần trăm); 5 năm (0,93%, tăng 0,01 điểm phần trăm); 10 năm (2,13%, tăng 0,01 điểm phần trăm); 15 năm (2,39%; tăng 0,02 điểm phần trăm); 20 năm (2,83%, không đổi); 30 năm (2,98%, không đổi).
Chi tiết đáng chú ý trong tuần qua là lợi suất Trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 năm đã xuống thấp hơn lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ cùng kỳ hạn, do thanh khoản trên hệ thống ngân hàng luôn duy trì dồi dào.
Giá trị giao dịch tiếp tục hồi phục trong tuần này, tăng 1,2% lên 73,2 nghìn tỷ đồng. Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 201 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm đến nay nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 9,7 nghìn tỷ đồng.
Phản hồi