Thị trường tiền ảo tuần qua: Bitcoin sụt về 42,000 USD
Sau 1 tuần hồi phục và vượt mốc vốn hóa 2,100 tỷ USD, thị trường tiền ảo lại quay đầu giảm mạnh.
Tính tới sáng ngày 09/04, Bitcoin giảm xuống 42,360 USD, lao dốc gần 9% so với cách đây 1 tuần. Ethereum – đồng tiền kỹ thuật số lớn thứ 2 – giảm 7.5% trong tuần qua và xuống mức 3,200 USD.
Các đồng tiền kỹ thuật số khác trong top 10 cũng lao dốc mạnh, với Soolana giảm gần 20%, Terra sụt hơn 13% và Avalanche lao dốc 14%.
Vốn hóa thị trường tiền dao động ở mức 1,950 tỷ USD vào sáng ngày 09/04, giảm mạnh so với mức 2,100 tỷ USD cách đây 1 tuần.
Thị trường tiền kỹ thuật số sụt giảm sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phát tín hiệu đẩy nhanh quá trình thắt chặt tiền tệ.
Các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã vạch ra một kế hoạch được chờ đợi từ lâu nhằm thu hẹp quy mô bảng cân đối kế toán khổng lồ. Theo đó, bên cạnh việc nâng lãi suất quyết liệt, Fed dự kiến sẽ cắt giảm khoảng 1 ngàn tỷ USD khỏi bảng cân đối kế toán trong vòng 1 năm, nhằm chống lại mức lạm phát đang cao nhất trong 4 thập kỷ.
Lộ trình cắt giảm nắm giữ số tài sản mà Fed mua vào trong thời gian đại dịch Covid-19 đã được ngân hàng trung ương này đưa ra vào ngày thứ 6/4, trong biên bản cuộc họp tháng 3 của Fed. Biên bản cho thấy các quan chức Fed đã tính tới việc cắt giảm quy mô bảng cân đối kế toán với tốc độ mạnh hơn, nhưng cuối cùng đã chọn thận trọng trong bối cảnh những bấp bênh liên quan đến chiến tranh Nga-Ukraine.
Ngoài ra, nhiều quan chức Fed xem việc nâng lãi suất với bước nhảy 0.5 điểm phần trăm ít nhất một lần trong năm nay là phù hợp nếu trong thời gian tới sức ép giá cả không giảm đi. Tháng 3 vừa qua, Fed đã có đợt nâng lãi suất đầu tiên kể từ năm 2018, với mức tăng 0.25 điểm phần trăm.
Ngày 07/04, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen kêu gọi chính phủ tăng cường giám sát tiền kỹ thuật số, sau khi Tổng thống Joe Biden tháng trước “bật đèn xanh” cho việc phát triển đồng USD kỹ thuật số.
Phát biểu tại Đại học Mỹ ở Washington, bà Yellen cho rằng Mỹ cần có những quy định chặt chẽ hơn đối với các loại tài sản kỹ thuật số để giúp bảo vệ người dùng trong khi vẫn cho phép sự đổi mới, sáng tạo về lĩnh vực công nghệ.
Bộ trưởng Tài chính nhấn mạnh: “Khi các ngân hàng và những tổ chức tài chính truyền thống khác tham gia nhiều hơn các thị trường tài sản kỹ thuật số, các khuôn khổ pháp lý sẽ trở nên cần thiết để phản ánh đúng những rủi ro của các hoạt động mới này.”
Bà Yellen cho rằng những kiểu trung gian mới như giao dịch tài sản kỹ thuật số cũng cần có những hình thức giám sát phù hợp.
Bộ trưởng Yellen cũng cho biết bộ này đang làm việc với Quốc hội để điều tiết stablecoin (đồng tiền kỹ thuật số này có giá trị ổn định, neo vào một tài sản ổn định khác như vàng hay tiền pháp định để quản lý nguồn cung).
Bên cạnh đó, bộ cũng sẽ đưa ra các khuyến nghị chính sách, trong đó có đánh giá về những sửa đổi luật và hành động pháp lý tiềm năng.
Ngày 09/03, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký sắc lệnh hành pháp, trong đó yêu cầu chính phủ đánh giá các rủi ro và lợi ích trong việc phát triển đồng USD kỹ thuật số cũng như các vấn đề khác của tiền điện tử.
Phản hồi