Thao túng, làm giá cổ phiếu “ngáng chân” dòng tiền nội đổ cuồn cuộn vào thị trường chứng khoán?
Thế nhưng, một mặt doanh nghiệp muốn gây dựng uy tín, mặt khác nhiều doanh nghiệp, lãnh đạo doanh nghiệp như kẻ phá bĩnh, vi phạm công bố thông tin, công khai làm giá, thao túng cổ phiếu khiến thị trường chứng khoán “xấu” hơn trong con mắt nhà đầu tư nội lẫn ngoại.
NGHỊCH LÝ TRÊN THỊ TRƯỜNG CỔ PHIẾU
Thị trường chứng khoán sôi động suốt từ đầu năm 2021 đến nay với những pha phá kỷ lục cũ, lập kỷ lục mới của chỉ số VN-Index, thanh khoản tính theo giá trị tỷ đô, trong đó, chủ yếu là nhờ dòng tiền cuồn cuộn của nhà đầu tư cá nhân trong nước đổ dồn vào thị trường. Nhờ đó, các doanh nghiệp niêm yết cũng có một năm phát hành cổ phiếu tăng vốn thành công rực rỡ, điển hình là các nhà băng, chứng khoán, bất động sản.
Thống kê cho thấy, nếu như khối ngoại tiếp tục bán ròng hơn 5.000 tỷ đồng trong tháng 10/2021 vừa qua thì nhà đầu tư trong nước tiếp tục duy trì trạng thái mua ròng kể từ đầu năm đến nay. Nhà đầu tư cá nhân trong nước mua ròng gần 2,3 nghìn tỷ đồng trong tháng 10, lũy kế mua ròng gần 69 nghìn tỷ đồng từ đầu năm. Đáng chú ý, trong tháng 10, nhà đầu tư tổ chức trong nước mua ròng gần 3 nghìn tỷ đồng trong tháng sau nhiều tháng bán ròng.
Chứng khoán là kênh sinh lời hiệu quả cho nhà đầu tư đồng thời là kênh huy động vốn tiềm năng cho doanh nghiệp. Do đó, uy tín của doanh nghiệp niêm yết là một trong những điều kiện tiên quyết để phát hành cổ phiếu, huy động vốn thành công, mang lại nguồn lực dồi dào cho doanh nghiệp.
Thế nhưng, có một nghịch lý đang diễn ra trên thị trường chứng khoán hiện nay là: Một mặt có những doanh nghiệp muốn gây dựng uy tín, phát hành cổ phiếu, tăng vốn đầu tư, mặt khác nhiều doanh nghiệp, lãnh đạo doanh nghiệp như kẻ phá bĩnh, vi phạm công bố thông tin, công khai làm giá, thao túng cổ phiếu khiến thị trường chứng khoán “xấu” hơn trong con mắt nhà đầu tư nội lẫn ngoại.
Ghi nhận của VnEconomy cho thấy, thời gian gần đây, tần suất vi phạm công bố thông tin của các doanh nghiệp niêm yết ngày một dày đặc so với thời điểm cách đây 1-2 năm. Trung bình, một ngày có đến 5-6 công văn xử phạt của Uỷ ban chứng khoán Nhà nước, trong khi trước đó chỉ khoảng 1-2 công văn đưa ra mỗi ngày. Hầu hết các vụ việc xử phạt đều liên quan đến hành vi vi phạm công bố thông tin. Riêng trong ngày 2/11 vừa rồi, Uỷ ban chứng khoán Nhà nước ra quyết định xử phạt 5 cá nhân, đều là những người có liên quan đến nội bộ, hay cổ đông lớn, lãnh đạo của doanh nghiệp.
Ví dụ, Ủy ban chứng khoán Nhà nước xử phạt ông Lê Hữu Lý – người có liên quan của bà Trần Thị Vân Loan – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xuất nhập khẩu Thuỷ sản Cửu Long An Giang (ACL) với số tiền 110 triệu đồng do ông Lý đã bán 679 nghìn cổ phiếu ACL nhưng không công bố thông tin giao dịch.
Một số doanh nghiệp, nhà băng lớn trước đó cũng bị xử phạt do vi phạm công bố thông tin như: ThaiHoldings, VPB…
Theo đó, Công ty cổ phần ThaiHoldings, tổ chức liên quan của ông Nguyễn Đức Thụy – Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LPB) đã mua 145.600 cổ phiếu LPB, tương ứng 1.456.000.000 đồng mệnh giá cổ phiếu LPB vào ngày 6/5/2021 và đã bán 719.400 cổ phiếu LPB tương ứng 7.194.000.000 đồng mệnh giá cổ phiếu LPB vào ngày 16/6/2021 nhưng không công bố thông tin về việc dự kiến giao dịch. Do đó, Thaiholdings bị phạt tiền 260 triệu đồng (mức trung bình của khung phạt từ 220 triệu đồng đến 300 triệu đồng) theo quy định tại Điểm G Khoản 2 và Khoản 5 Điều 33 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP.
Hay tại VPBank, trước đó, ông Trần Ngọc Bê (Hà Nội) – người có liên quan đến Chủ tịch VPBank cũng bị xử phạt về giao dịch cổ phiếu. Trong tháng 1/2021, ông Bê đã mua hơn 1,48 triệu và bán 59 nghìn cổ phiếu VPB; sau đó trong tháng 2/2021, ông tiếp tục mua hơn 1,88 triệu cổ phiếu VPB; sang ngày 3/3/2021, ông Bê mua thêm 59.000 cổ phiếu VPB. Toàn bộ những giao dịch trên đều không được công bố thông tin về việc dự kiến giao dịch.
Thậm chí, thời gian gần đây còn xuất hiện tình trạng lãnh đạo doanh nghiệp hô hào giá cổ phiếu trên các diễn đàn, mạng xã hội. Như trường hợp của hệ sinh thái Louis của ông Đỗ Thành Nhân. Trước khi Louis đi thâu tóm hàng loạt doanh nghiệp “xác chết”, ông Đỗ Thành Nhân đã chia sẻ trên Facebook cá nhân về triển vọng nhóm cổ phiếu của nhóm Louis, thậm chí, còn có riêng một nhóm “Louis Family” để cập nhật cho nhà đầu tư, cổ đông nhỏ lẻ về động thái tiếp theo của Louis. Hễ Louis thâu tóm doanh nghiệp nào, cổ phiếu “xác chết” đó “đội mồ sống dậy”, làm mưa làm gió thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên, chẳng bao lâu, cổ phiếu nhóm này quay đầu lao dốc cùng với những tiếng khóc “ai oán” của cổ đông do chót tin theo lời lãnh đạo mà đu đỉnh cổ phiếu. Những chia sẻ của ông Đỗ Thành Nhân trên mạng xã hội cũng bốc hơi, nhóm Louis Family gần như đã dừng hoạt động.
PHẢI GIỮ THỊ TRƯỜNG MINH BẠCH, TĂNG NIỀM TIN VỚI NHÀ ĐẦU TƯ
Hầu hết các hành vi vi phạm công bố thông tin đều được Uỷ ban chứng khoán Nhà nước xử phạt theo Điều 33, Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 với khung phạt dao động từ 25 triệu đồng đến 500 triệu đồng.
Đối với hành vi thao túng cổ phiếu, mức phạt được áp dụng theo Điều 36, Phạt tiền 10 lần khoản thu trái pháp luật nhưng không thấp hơn mức phạt tiền tối đa quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định này đối với hành vi thao túng thị trường chứng khoán mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bên cạnh việc phạt tiền, các biện pháp khác còn được áp dụng bổ sung như đình chỉ giao dịch chứng khoán từ 1 tháng đến 5 tháng, tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề chứng khoán, buộc nộp lại khoản thu trái pháp luật có được…
“Tôi là nhà đầu tư F0, tham gia thị trường chứng khoán từ cuối tháng 3/2021. Thời gian đầu, với vốn ít ỏi gần 500 triệu, tôi cũng lãi được 20%. Nhưng sau đó, tài khoản của tôi dần bốc hơi chỉ vì đầu tư theo những cổ phiếu đầu cơ, những cổ phiếu nghe nói là có game lớn. Thị trường ngày càng khó lường, có lẽ tôi sẽ rút tiền, gửi ngân hàng, và không quay lại thị trường chứng khoán nữa”.
Bà Mai Hạnh, một nhà đầu cư cá nhân tại Hoàng Mai, Hà Nội.
Tuy nhiên, những hình thức phạt bổ sung gần như không được áp dụng hầu hết trong các quyết định xử phạt trong khi khoản tiền phạt cũng không thấm so với số tiền thu được từ hành vi vi phạm chứng khoán. Điều này dẫn đến ngày càng xuất hiện dày đặc vụ việc vi phạm công bố thông tin, thậm chí, trên thị trường nhiều lãnh đạo doanh nghiệp ngang nhiên hô hào giá cổ phiếu của doanh nghiệp, gây bức xúc cho nhiều cổ đông.
Những hành vi vi phạm của doanh nghiệp và lãnh đạo không chỉ ảnh hưởng uy tín của doanh nghiệp mà còn làm mất niềm tin nhà đầu tư cá nhân với thị trường chứng khoán. Điều này có thể sẽ phá đà dòng tiền nội cuồn cuộn đổ vào thị trường, thậm chí vỡ mục tiêu của số lượng nhà đầu tư đạt 5% dân số vào năm 2025.
Chia sẻ trên trang cá nhân mới đây, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Chứng khoán SSI nhấn mạnh: “Trong 10 tháng đầu năm người dân đã chuyền thêm 68.000 tỷ đồng đầu tư chứng khoán. Khi niềm tin cùa người dân tăng cao thì cơ quan quản lý cần có những biện pháp giữ gìn thị trường minh bạch để bảo vệ nhà đầu tư. Nhà đầu tư trong nước là nhân tố quan trọng nhất của mọi thị trường chứng khoán trên thế giới!”. Trước đó, ông Nguyễn Duy Hưng cũng cho rằng, cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra xử lý các quỹ ma có dấu hiệu thao túng cổ phiếu các công ty thua lỗ vẫn tăng mạnh.
ẢNH HƯỞNG CẢ VỐN NGOẠI
Thị trường không minh bạch không những làm vốn nội chùn bước mà còn khiến nhà đầu tư nước ngoài dè dặt vào thị trường chứng khoán Việt Nam, bên cạnh lý do ảnh hưởng của Covid-19.
Thống kê cho thấy, tháng 10, khối ngoại bán ròng 5.325 tỷ đồng, dù đã giảm mạnh so với con số bán ròng của tháng 9 là hơn 9.000 tỷ đồng nhưng tổng thể, 10 tháng, khối ngoại vẫn bán ròng 46.402 tỷ đồng trên sàn chứng khoán Việt Nam. Kỷ lục chưa từng có trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Dù vốn ngoại chiếm tỷ trọng giao dịch chỉ còn 5-6% trong cơ cấu giao dịch nhưng động thái mua bán của khối ngoại vẫn được xem là chỉ báo thông minh trước mỗi quyết định mua bán của nhà đầu tư trong nước.
Thực tế cho thấy, khi vốn ngoại quay đầu mua ròng trong những phiên cuối tháng 10, đầu tháng 11, thì dòng tiền nhà đầu tư trong nước cũng dồn dập đổ vào thị trường, thanh khoản cải thiện đáng kể. Do đó, để thu hút dòng vốn nội thì đồng thời cũng phải thu hút được vốn ngoại trong thời gian tới.
Trao đổi với báo chí mới đây, ông Louis Nguyễn, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Saigon Asset Management (SAM) cho rằng, phần lớn các công ty niêm yết vẫn chưa thực hiện tốt về các công tác quản trị doanh nghiệp, vẫn còn tồn tại mâu thuẫn lợi ích của cổ đông lớn và cổ đông nhỏ, giữa cổ đông và ban điều hành, thì cái đó gây ra sự e ngại đối với nhà đầu tư nước ngoài. Các nhà quản lý thị trường cần siết chặt hơn công tác quản trị doanh nghiệp và bảo vệ quyền lợi của cổ đông nói chung chứ không phải là cổ đông lớn là nắm quyền quyết định hết.
Về một chuyện khác là mức phạt đối với các hành vi như làm giá cổ phiếu, giao dịch nội gián và vi phạm công bố thông tin… cần nâng cao mức phạt đối với các vi phạm để thu hút dòng vốn ngoại trong thời gian tới.
“Khi mình chơi đá banh, nếu mình tự đá banh trong nước mình thì không thể đi vào đá banh World Cup được, mà cần phải đá với đội nước ngoài. Trên thị trường chứng khoán cũng vậy, dòng tiền trong nước dồi dào, nhưng vẫn cần nhà đầu tư nước ngoài xác nhận là Việt Nam là một nước đang phát triển minh bạch, rõ ràng và thị trường chứng khoán là nơi minh chứng dễ nhất vì có sự quản lý của nhà nước, sự minh bạch các doanh nghiệp, có kiểm toán, có độ ổn định cao… Vì vậy, dù có dòng tiền trong nước vào thị trường là tốt nhưng vẫn cần thêm dòng tiền đầu tư nước ngoài để có sự quốc tế hóa của thị trường chứng khoán này”, ông Louis Nguyễn nhấn mạnh.
Phản hồi