Tháo gỡ khó khăn cho các dự án vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19

Bài viết nhìn lại thực trạng tháo gỡ khó khăn cho các dự án vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Trên cơ sở đánh giá tình hình trả nợ và cơ chế xử lý rủi ro được áp dụng đối với các dự án này, đặt trong mối tương quan với mặt bằng lãi suất cho vay trung, dài hạn và các biện pháp tháo gỡ khó khăn của các tổ chức tín dụng, tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm giảm bớt áp lực tài chính đối với các dự án vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước gặp khó khăn trong việc trả nợ do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

1. Đặt vấn đề

Tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước là một hình thức hỗ trợ vốn từ Chính phủ thông qua hoạt động cho vay trung và dài hạn của một định chế tài chính đặc thù là VDB để đầu tư vào các dự án thuộc một số lĩnh vực, ngành, nghề hoặc địa bàn do Chính phủ quy định.

Trong nhiều năm trước đây, tín dụng đầu tư phát triển thường hàm chứa khá nhiều ưu đãi của Nhà nước đối với các dự án vay vốn, trong đó, nổi bật nhất là lãi suất tín dụng đầu tư phát triển được quy định khá thấp so với lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng thông thường và được giữ ổn định bằng mức lãi suất ghi trên hợp đồng tín dụng trong suốt thời hạn cho vay. Tuy nhiên, theo thời gian, lãi suất tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước ngày càng giảm dần mức độ ưu đãi và tiến gần hơn tới mặt bằng lãi suất trên thị trường vốn. Cùng với đó, lãi suất cho vay đối với mỗi dự án cũng không được giữ cố định ở một mức duy nhất trong suốt thời hạn cho vay như trước đây mà có sự điều chỉnh từng bước, từ việc áp dụng các mức lãi suất khác nhau đối với số vốn vay được giải ngân ở các lần khác nhau (theo cơ chế lãi suất quy định tại Nghị định số 75/2011/NĐ-CP ngày 30/8/2011 của Chính phủ về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước), cho đến việc thả nổi hoàn toàn lãi suất cho vay đối với toàn bộ dư nợ của dự án (theo cơ chế lãi suất quy định tại Nghị định số 32/2017/NĐ-CP ngày 31/3/2017 của Chính phủ về tín dụng đầu tư của Nhà nước)1.

Giống như nhiều dự án được đầu tư bằng các nguồn vốn khác, từ đầu năm 2020 trở lại đây, các dự án vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước cũng gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh do tác động của đại dịch Covid-19. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều dự án phải chịu áp lực rất lớn trong việc thu xếp nguồn vốn để trả nợ vay cho VDB. Thậm chí, có những dự án đã bắt đầu phát sinh nợ quá hạn hoặc kéo dài tình trạng chậm thanh toán nợ gốc và lãi đã quá hạn từ trước đó.

Xuất phát từ những lý do trên đây, việc nghiên cứu áp dụng một số giải pháp đặc thù nhằm tháo gỡ khó khăn cho các dự án vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước chịu tác động bởi đại dịch Covid-19 là cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Việc làm này có tác dụng một mặt, giảm bớt áp lực về tài chính phát sinh từ số nợ tín dụng đầu tư phát triển nhằm hỗ trợ các chủ dự án vượt qua khó khăn, mặt khác, giảm thiểu nguy cơ mất vốn hoặc mất thu nhập cho VDB từ các dự án chịu tác động của đại dịch Covid-19 trong trường hợp chủ dự án không thể khắc phục được khó khăn về tài chính để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm tạo nguồn trả nợ.

Trong bài viết này, tác giả chỉ bàn về biện pháp tháo gỡ khó khăn liên quan đến việc trả nợ cho VDB của các dự án vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước. Nội dung bài viết không đề cập đến các biện pháp hỗ trợ đối với chủ dự án theo chính sách chung của Chính phủ về hỗ trợ người dân gặp khó khăn hoặc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh do đại dịch Covid-19 được ban hành theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19 (vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội để trả lương cho người lao động, tạm dừng đóng phí bảo hiểm xã hội vào quỹ hưu trí và tử tuất, giảm tiền thuê đất phải nộp của năm 2020, giảm lệ phí trước bạ và gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước…).

2. Thực trạng áp dụng biện pháp tháo gỡ khó khăn đối với các dự án vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước

Tại thời điểm 01/01/2020, có gần 700 dự án đang được vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước tại VDB với tổng dư nợ gần 100 nghìn tỷ đồng.

Trong năm 2020, mặc dù dư nợ tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước tại VDB không tăng thêm, song, số nợ tín dụng đầu tư phát triển quá hạn tại VDB lại gia tăng đáng kể. Đến hết tháng 9/2020, số nợ tín dụng đầu tư phát triển quá hạn tăng so với thời điểm đầu năm là 7.741 tỷ đồng, trong đó, nợ gốc quá hạn tăng thêm 3.309 tỷ đồng, nợ lãi quá hạn tăng thêm 4.432 tỷ đồng. Bên cạnh những dự án có nợ quá hạn từ các năm trước, trong năm 2020 đã có thêm 4 dự án phát sinh nợ gốc quá hạn và 22 dự án phát sinh nợ lãi quá hạn tại VDB.
Số nợ quá hạn tăng thêm phần lớn nằm ở các dự án được cho vay theo Nghị định số 75/2011/NĐ-CP ngày 30/8/2011 của Chính phủ về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước, trong đó chủ yếu là các dự án thuộc lĩnh vực giao thông vận tải, sản xuất điện, trồng rừng và một số dự án an sinh xã hội (giáo dục, y tế, nhà ở, sản xuất nước sạch…).

Ngoài các dự án nói trên, nhiều dự án còn lại tuy không phát sinh nợ quá hạn nhưng cũng đang chịu áp lực lớn về tài chính do phải trả lãi vay vốn tín dụng đầu tư phát triển với mức lãi suất được áp dụng từ lúc giải ngân vốn vay trong các năm trước đây, chẳng hạn: Các khoản nợ được giải ngân trong khoảng thời gian từ 01/02/2011 đến 14/02/2012 và trong khoảng thời gian từ 04/6/2013 đến 13/11/2013 phải chịu mức lãi suất 11,4%/năm, các khoản nợ được giải ngân trong khoảng thời gian từ 15/02/2012 đến 24/6/2012 phải chịu mức lãi suất 14,4%/năm, các khoản nợ được giải ngân trong khoảng từ 25/6/2012 đến 03/6/2013 phải chịu mức lãi suất 12,0%/năm… Đến hết tháng 9/2020, trong tổng dư nợ tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước tại VDB có đến hơn 60.000 tỷ đồng dư nợ chịu lãi suất từ 8,55%/năm trở lên, trong đó, có gần 34.000 tỷ đồng dư nợ phải chịu lãi suất từ 10%/năm trở lên. Cơ cấu dư nợ tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước theo lãi suất cho vay tại thời điểm 30/9/2020 được thể hiện trên Hình 1.

Theo cơ chế xử lý rủi ro vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước được quy định tại Nghị định số 75/2011/NĐ-CP, các dự án vay vốn tín dụng đầu tư phát triển gặp khó khăn trong việc trả nợ có thể được xem xét để gia hạn nợ, khoanh nợ hoặc xóa nợ (gốc, lãi). Trong đó, việc gia hạn nợ do VDB tự quyết định, các biện pháp xử lý rủi ro còn lại thuộc thẩm quyền quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính hoặc Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở đề nghị của VDB.

Bên cạnh cơ chế xử lý rủi ro được quy định tại Nghị định số 75/2011/NĐ-CP, việc tháo gỡ khó khăn đối với các dự án vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước còn có thể áp dụng cơ chế điều chỉnh lãi suất cho vay quy định tại Nghị định số 32/2017/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, các dự án có số vốn vay đã được giải ngân theo các hợp đồng tín dụng ký trước ngày Nghị định số 32/2017/NĐ-CP có hiệu lực có thể được Thủ tướng Chính phủ quyết định giảm lãi suất cho vay trên cơ sở đề nghị của VDB, ý kiến của Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước.

Với thẩm quyền được quy định như trên, trong năm 2020, VDB chỉ thực hiện được việc điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, mức trả nợ của từng kỳ hạn trả nợ hoặc kéo dài thời gian trả nợ cho một số dự án gặp khó khăn trong việc trả nợ; còn lại, các biện pháp khác như khoanh nợ, xóa nợ gốc, xóa nợ lãi theo Nghị định số 75/2011/NĐ-CP hoặc giảm lãi suất cho vay theo Nghị định số 32/2017/NĐ-CP đều chưa được thực hiện do vượt quá thẩm quyền của VDB…

Như vậy, có thể thấy rằng, mặc dù gặp nhiều khó khăn trong việc trả nợ do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, song, các dự án vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước tại VDB chưa được áp dụng cơ chế đặc thù nào nhằm hỗ trợ chủ dự án giảm gánh nặng tài chính. Giải pháp mà VDB đã áp dụng đối với những dự án này, về cơ bản, vẫn là các biện pháp xử lý rủi ro thông thường được quy định theo chính sách chung của Chính phủ về tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, thậm chí, nhiều giải pháp vẫn chưa được VDB thực hiện vì vượt quá thẩm quyền quyết định của VDB.

3. Một số đề xuất nhằm tháo gỡ khó khăn cho các dự án vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19

Thời gian qua, Việt Nam đã có những thành công đáng kể trong việc chống dịch Covid-19, tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, đại dịch này vẫn đang diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu và chưa có cơ sở chắc chắn để xác định thời điểm có thể khống chế và kiểm soát được dịch. Trong bối cảnh đó, giống như nhiều doanh nghiệp khác trong nền kinh tế, các chủ dự án vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước chưa thể khắc phục được ngay tình trạng khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh mà đại dịch Covid-19 gây ra để có thể thực hiện đầy đủ và đúng hạn nghĩa vụ trả nợ cho VDB. Chính bởi thế, việc áp dụng các biện pháp xử lý có tính đặc thù nhằm giảm bớt áp lực về tài chính cho các doanh nghiệp này là rất cần thiết ở giai đoạn hiện tại.

Tuy nhiên, với hành lang pháp lý hiện có, việc áp dụng các biện pháp xử lý đặc thù để tháo gỡ khó khăn đối với các dự án vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 đang gặp một số khó khăn, vướng mắc sau đây:
Một là, đến thời điểm hiện tại, quy chế xử lý rủi ro tín dụng của VDB vẫn chưa được ban hành2, vì vậy, VDB chưa có cơ sở để đề xuất việc áp dụng các biện pháp xử lý rủi ro khác ngoài việc gia hạn nợ đối với các dự án vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước gặp khó khăn trong việc trả nợ do bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 (như khoanh nợ, xóa nợ gốc, xóa nợ lãi).

Hai là, việc xóa nợ lãi theo quy định tại Nghị định số 75/2011/NĐ-CP hoặc giảm lãi suất theo quy định tại Nghị định số 32/2017/NĐ-CP đối với các dự án vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước sẽ làm tình hình tài chính của VDB thêm căng thẳng, đặc biệt là trong bối cảnh ngân sách Nhà nước thường xuyên không bố trí đủ dự toán để thanh toán kịp thời phần chênh lệch lãi suất và phí quản lý phát sinh cho VDB3.

Chính vì vậy, để có thể triển khai được các biện pháp này, các cơ quan quản lý Nhà nước và VDB có thể nghiên cứu, triển khai thực hiện một số công việc sau đây:

Thứ nhất, đối với các cơ quan quản lý Nhà nước:

– Bộ Tài chính sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế xử lý rủi ro tín dụng tại VDB, tạo cơ sở pháp lý để VDB có thể đề xuất áp dụng các biện pháp xử lý rủi ro khác đối với các dự án vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước ngoài biện pháp gia hạn nợ.

– Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu đề xuất Chính phủ phương án bố trí ngân sách Nhà nước để thanh toán các khoản cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý mà ngân sách Nhà nước chưa thanh toán đủ cho VDB, cũng như số cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý sẽ phát sinh sau khi thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho các dự án vay vốn tín dụng đầu tư phát triển bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 (gia hạn nợ, khoanh nợ, xóa nợ lãi, giảm lãi suất cho vay…).
Thứ hai, đối với VDB:

– Rà soát lại các dự án gặp khó khăn trong việc trả nợ do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 và đề xuất biện pháp tháo gỡ khó khăn cần áp dụng đối với từng dự án, báo cáo Bộ Tài chính hoặc Thủ tướng Chính phủ quyết định theo thẩm quyền.

– Triệt để thực hiện các giải pháp tiết kiệm chi phí nhằm giảm bớt áp lực về tài chính, tạo tiền đề thuận lợi cho việc áp dụng các biện pháp tháo gỡ khó khăn đối với các dự án vay vốn tín dụng đầu tư phát triển bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

1 Nghị định số 75/2011/NĐ-CP quy định mức lãi suất cho vay được điều chỉnh theo từng lần giải ngân theo lãi suất cho vay được công bố. Còn Nghị định số 32/2017/NĐ-CP lại quy định, mức lãi suất cho vay đối với mỗi dự án được điều chỉnh hằng quý và được áp dụng cho toàn bộ dư nợ của dự án từ thời điểm điều chỉnh.

2  Nghị định số 75/2011/NĐ-CP quy định, việc xử lý rủi ro tín dụng tại VDB được thực hiện theo Quy chế xử lý rủi ro tín dụng do Thủ tướng Chính phủ ban hành, trong đó, các trường hợp khoanh nợ là do Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định, còn các trường hợp xóa nợ (gốc, lãi) là do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Nghị định số 32/2020/NĐ-CP cũng quy định, thẩm quyền xử lý rủi ro đối với các dự án vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước được thực hiện theo Quy chế xử lý rủi ro tín dụng do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

3 Theo Quy chế quản lý tài chính đối với VDB hiện hành, VDB được ngân sách Nhà nước cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý khi thực hiện nhiệm vụ tín dụng đầu tư phát triển và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước, trong đó, phí quản lý hằng năm được xác định bằng 25% trên số thu nợ lãi cho vay tín dụng đầu tư phát triển và tín dụng xuất khẩu. Trong nhiều năm trở lại đây, số tiền cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý hằng năm của VDB thường không được ngân sách Nhà nước cấp đủ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nghị định số 32/2017/NĐ-CP ngày 31/3/2017 của Chính phủ về tín dụng đầu tư của Nhà nước.
2. Nghị định số 75/2011/NĐ-CP ngày 30/8/2011 của Chính phủ về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước.
3. Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
4. Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
5. Nguyễn Cảnh Hiệp (2017), “Khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước: nhìn từ yếu tố lãi suất”, Tạp chí Nghiên cứu kinh tế, Số 8 (471), tháng 8/2017, Tr.49-55.
6. Quyết định số 44/2007/QĐ-TTg ngày 30/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý tài chính đối với VDB.
TS. Nguyễn Cảnh Hiệp – Ngân hàng Phát triển Việt Nam

Chia sẻ :


Bài viết liên quan

Bộ Tài chính tìm cách tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện giảm thuế GTGT xuống 8%

Để tháo gỡ các vướng mắc trong việc lập hóa đơn đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm thuế GTGT xuống 8%, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Nghị định sửa đổi khoản 4 Điều 1 Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 quy định chính sách miễn, giảm thuế GTGT.

Chia sẻ :


Năm 2022 và 2023 sẽ giảm 1% lãi vay ngân hàng?

Trả lời kiến nghị cử tri, Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh: năm 2022 và 2023 sẽ giảm lãi vay khoảng 1% nhưng không thay…

Chia sẻ :


Ba “đại gia” cho vay tiêu dùng ồ ạt cơ cấu lại nợ cho khách hàng

Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 14 sửa đổi, bổ sung Thông tư 01 quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, các công ty tài chính đã mạnh dạn hỗ trợ người vay hơn…

Chia sẻ :


8 giải pháp điều hành chính sách tiền tệ những tháng cuối năm 2021

Trong báo cáo cập nhật hoạt động ngân hàng mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra 8 giải pháp điều hành chính sách tiền tệ những tháng cuối năm 2021.

Chia sẻ :


Các doanh nghiệp tại Bình Dương đã được vay ưu đãi 223.000 tỷ đồng

Với gói vay ưu đãi 223.000 tỷ đồng, người dân, doanh nghiệp có điều kiện phục hồi sản xuất kinh doanh góp phần quan trọng trong việc ổn định vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế…

Chia sẻ :


“Bỏ quên” nhà ở cho người thu nhập thấp

Trong thời gian qua, thị trường nhà ở tại Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, nhiều loại hình nhà ở mới cũng đã xuất hiện, giá bán liên tục tăng cao. Tuy nhiên, phân khúc nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội thì ngày càng thiếu hụt.

Chia sẻ :


KienlongBank triển khai chương trình giảm lãi suất cho vay lên đến 2%

KienlongBank ưu đãi giảm lãi vay cho KHDN và KHCN Với mong muốn đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp vượt khó, khôi phục sản…

Chia sẻ :


Các ngân hàng nói sẽ đưa lãi suất huy động về dưới 9,5%

Trước việc một số đơn vị đẩy lãi suất huy động lên 11-12% một năm, Hiệp hội ngân hàng đề xuất mức lãi (gồm cả…

Chia sẻ :


Sắp chấm dứt mua nhà ở xã hội vay ưu đãi tại ngân hàng thương mại?

Muốn vay mua nhà ở xã hội, chỉ còn phương án tìm đến Ngân hàng Chính sách xã hội nhưng phải gửi tiền ở đó tối thiểu 12 tháng mới được vay…

Chia sẻ :


Vướng đủ thứ khi xây nhà ở cho công nhân

Trong giai đoạn 2016-2021, cả nước đã đầu tư 7,3 triệu m2 nhà ở xã hội, trong đó nhà ở cho công nhân đã thực hiện 122 dự án với quy mô khoảng 2,7 triệu m2. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu nhà ở cho công nhân trên cả nước…

Chia sẻ :


Phản hồi

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *