Thanh khoản lại thấp đột biến, dòng tiền vẫn chạy quanh
Thanh khoản chiều nay không tăng lên nổi, giao dịch chủ đạo trồi sụt ở biên độ hẹp, nhưng vẫn có nhiều cổ phiếu “tỏa sáng”. Với tổng sức mua quá kém, không phải cổ phiếu nào cũng đủ lực nâng để tăng giá.
Tiếp đà từ phiên sáng, nhóm cổ phiếu thép vẫn giao dịch sôi động và giá rất mạnh. HPG tiếp tục dẫn đầu, nhưng NKG đã bị STB, POW, DXG vượt mặt về thanh khoản trên bảng xếp hạng, chủ yếu do người bán không xả hàng.
Tăng 2,74% lúc đóng cửa, HPG tiếp tục là cổ phiếu trụ mạnh nhất của VN-Index, thanh khoản vọt lên gần 27 triệu cổ tương đương 915,8 tỷ đồng. Thực tế HPG đã suy yếu nhẹ trong buổi chiều, giá tụt 0,59% so với thời điểm cuối phiên sáng. Chiều nay HPG chủ yếu là cầm cự đi ngang, nhưng việc dao động trên vùng giá tăng cao cũng cho thấy lực bán không đủ để ép giá thêm.
NKG tăng 6,95%, HSG tăng 6,19% đều là các cổ phiếu thép nổi bật. Tuy vậy hai mã này vốn hóa hơi nhỏ để có thể tham gia nhóm trụ. Thực tế là HSG đứng “bét” trong Top 10 mã kéo chỉ số VN-Index, còn NKG đứng thứ 15. Các cổ phiếu thép còn lại thì càng không đáng kể, dù giá vẫn tăng rất khá.
Việc các cổ phiếu tăng giá tốt nhất không nhất thiết phải là các cổ phiếu kéo chỉ số nhiều nhất cho thấy thị trường đang có tính chọn lựa cao. Nhà đầu tư ưu tiên cổ phiếu có khả năng sinh lời, hơn là câu chuyện chỉ số “bùng nổ” như thế nào.
Ngoài nhóm cổ phiếu thép, khá nhiều đại diện từ các nhóm cổ phiếu khác cũng tăng giá ấn tượng. VGC tăng kịch trần với giao dịch 116,5 tỷ đồng, mức cao nhất từ đầu tháng 4 vừa qua. NT2 tăng hết biên độ, có một phiên vượt đỉnh cao lịch sử, đồng thời thanh khoản 182,5 tỷ đồng cũng là cao chưa từng thấy. DXG, AAA cũng kịch trần với thanh khoản cao hàng trăm tỷ đồng.
Nhìn chung thì thanh khoản thị trường phiên này thấp, nhưng vẫn có không ít cổ phiếu giao dịch hàng chục tới cả trăm tỷ đồng, giá tăng 3-5% như POW, STB, PC1, VSC, SCR, ANV…
Sàn HoSE kết thúc phiên với 219 mã tăng/214 mã giảm, một trạng thái phân hóa tích cực. Phía tăng có 60 mã tăng trên 2%, 45 mã tăng trên 1%. Phía giảm có 35 mã giảm trên 2% và 46 mã giảm trên 1%. Thanh khoản của số giảm trên 2% chỉ chiếm 3% tổng giá trị khớp lệnh của sàn này, trong khi thanh khoản của số tăng trên 2% chiếm tới 31%. Các tỷ lệ này thể hiện xác suất thiệt hại của nhà đầu tư sau phiên hôm nay là khá thấp và cơ hội có lời còn lớn hơn.
VN-Index đóng cửa giảm không đáng kể, chỉ mất 0,11 điểm và đứng mức 1.307,8 điểm. Như vậy hôm nay chỉ là một phiên đi ngang của thị trường và diễn biến ở cổ phiếu cụ thể có nhiều nét tích cực hơn. Điều này giúp thanh khoản chung của HoSE giảm 24% so với hôm qua lại không hẳn là xấu. Tổng giá trị khớp ở sàn này đạt 11.876 tỷ đồng là thấp nhất kể từ đầu tuần.
Với dòng tiền đang chưa thể hiện quan điểm rõ ràng, việc thị trường đi ngang, cổ phiếu nào được nhà đầu tư chú ý thì tăng giá tốt. Đây là biểu hiện của phân hóa tích cực. Việc của nhà đầu tư là chọn lựa được các cổ phiếu có triển vọng ngắn hạn mạnh hơn các biến động chung, nếu muốn thực hiện đầu cơ.
Khi VN-Index vượt qua ngưỡng 1.300 điểm, thị trường chưa thể bùng nổ được mà trái lại, lình xình như để chờ đợi áp lực chốt lời. Hôm nay phần lớn thời gian VN-Index chìm dưới tham chiếu. Trừ nhịp tăng duy nhất giữa phiên sáng khi VN-Index tăng đạt đỉnh là độ rộng nghiêng về phía tăng, còn lại số lượng mã giảm luôn lớn hơn.
Nhóm vốn hóa lớn không gia tốc tăng cho chỉ số cũng là một nguyên nhân quan trọng, Hôm nay cả VCB, SAB, VNM, VPB, MSN lẫn GAS, VHM đều giảm, tức là gần như tất cả nhóm vốn hóa lớn nhất của chỉ số. Các mã này giảm đà đi lên nhưng cũng không gây áp lực quá nhiều, tạo điều kiện thị trường cân bằng, chỉ số dao động hẹp và có lợi cho dòng tiền giao dịch ở các cổ phiếu riêng biệt.
Phản hồi