Công ty CP Tập đoàn FLC (mã chứng khoán: FLC) vừa công bố Báo cáo tài chính, tại thời điểm 31/12/2021, Tập đoàn FLC có khoản vay dài hạn tăng lên mức 2.614 tỷ đồng, và nợ thuê tài chính dài hạn là 4,6 tỷ đồng. Chiếu theo danh sách trong báo cáo, Tập đoàn FLC đang vay tiền của nhiều Ngân hàng ở Việt Nam.
Cụ thể, trong khoản vay dài hạn, Tập đoàn FLC đang vay của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – CN Quy Nhơn 1.165 tỷ đồng. Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – CN ĐB Sông Cửu Long 34,5 tỷ đồng. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Agribank – Chi nhánh Đông Gia Lai là 29,3 tỷ đồng. Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – CN Quảng Bình 143,1 tỷ đồng. Ngân hàng TMCP Tiên Phong – CN Tây Hà Nội 2,08 tỷ đồng và Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín – CN Hà Nội là 1.240 tỷ đồng.
Ngày 28/3, theo nguồn tin của Tuổi Trẻ Online, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Trịnh Văn Quyết, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn FLC.
Cơ quan điều tra ban hành quyết định trên từ ngày 26/3, thời hạn tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Trịnh Văn Quyết là một tháng.
Cơ quan chức năng cũng đã mời ông Quyết lên để làm việc xác minh một số nội dung.
Tối qua (27/3) và sáng nay, trên một số trang mạng, diễn đàn lan truyền thông tin cho rằng chủ tịch FLC bị bắt tạm giam. Tuy nhiên theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, ông Quyết không bị tạm giam, các tin đồn liên quan về việc chủ tịch FLC bị bắt tạm giam, khởi tố là tin đồn thất thiệt.
Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ Online, đến nay cơ quan điều tra chưa có bất cứ quyết định tố tụng nào liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết.
Trước đó, vào tháng 1/2022, hành vi “bán chui” cổ phiếu của chủ tịch Tập đoàn FLC đã từng gây rúng động dư luận và làm chao đảo thị trường chứng khoán.
Cụ thể, sau nhiều ngày cổ phiếu FLC được “đánh lên” với giá rất cao thì ngày 10/1, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn FLC đã giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC nhưng không báo cáo, không công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch.
Đáng chú ý, chỉ trong một phiên giao dịch, có tới gần 135 triệu cổ phiếu FLC được khớp lệnh, cao bất thường. Trong khi lâu nay mỗi ngày cổ phiếu FLC chỉ giao dịch khối lượng trung bình 15-40 triệu cổ phiếu.
Cũng trong phiên này, nhiều nhà đầu tư mới vừa “đua lệnh” mua cổ phiếu FLC giá trần vào buổi sáng, đến chiều bị giảm sàn.
Sau khi sự việc người đứng đầu Tập đoàn FLC “bán chui” cổ phiếu, thị trường chứng khoán chao đảo, nhà đầu tư liên tục bán tháo cổ phiếu FLC và các cổ phiếu liên quan đến ông Quyết, đồng thời hàng chục mã cổ phiếu khác cũng bị vạ lây.
Ngay say đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có quyết định phong tỏa tài khoản chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết, nhằm ngăn ngừa, ngăn chặn các hành vi tiếp theo không đúng quy định.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng có văn bản chỉ đạo Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) hủy bỏ giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC ngày 10/1 của ông Trịnh Văn Quyết, nhiều nhà đầu tư được hoàn lại tiền đã mua.
Ngày 18/1, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành quyết định xử phạt hành chính ông Trịnh Văn Quyết 1,5 tỷ đồng, mức cao nhất theo quy định.
Chủ tịch Tập đoàn FLC cũng bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán 5 tháng.
Phản hồi