Giờ không thiếu vốn, cái thiếu là cơ chế cho thị trường vốn phát triển lành mạnh. Và khi thị trường vốn còn lạc hậu, các mối quan hệ lợi ích-bảo kê đan xen nhau, giới doanh nhân ưa mạo hiểm, nhiều tham vọng còn sẽ tiếp tục vào tù.
Nhiều người nói rằng chết vì tay không bắt giặc, chết vì tham. Điều đó không hoàn toàn đúng. Bởi kinh doanh giỏi thì phải dùng các đòn bẩy, trong đó có đòn bẩy tài chính. Doanh nhân ai cũng dùng vốn tự có thì kinh tế sẽ đi lùi, không phát triển nhanh được; sử dụng đòn bẩy càng hiệu quả, vòng quay tài sản càng nhanh thì càng tiến gần đến nấc thang thịnh vượng.
Một thị trường vốn phát triển là biểu hiện của nền kinh tế thị trường phát triển. Vốn ở đây không chỉ là tiền, mà còn là vốn trí tuệ, vốn mạng lưới (network) do tư nhân làm chủ (XHDS) có khả năng thương mại hoá, giá trị hoá, thúc đầy giao thương.
Thể chế là cơ hội, thể chế là vấn đề; thể chế là động lực, thể chế là trở lực.
Nhớ rằng, sự bất công trong một quốc gia không phải là kết quả liên quan đến chủ nghĩa tư bản hay không, mà là sự lựa chọn của quốc gia đó được thể hiện thông qua luật pháp và thể chế của quốc gia đó, như Douglass North từng đề cập: “Thể chế không nhất thiết được tạo ra để đạt hiệu quả xã hội; các thể chế, ít nhất là thể chế chính thức, được tạo ra nhằm phục vụ lợi ích của những kẻ có quyền mặc cả để đưa ra các quy tắc mới”.
Ở Việt Nam, cải cách thể chế thực chất là phải hướng tới việc tạo ra các qui tắc trò chơi bình đẳng cho mọi thành phần, mọi công dân, và chỉ khi nào được như vậy cải cách thể chế mới có hiệu quả.
Tự do hoá thị trường tài chính là cần thiết cho phát triển, nhưng tự do hoá cùng với pháp luật còn nhiều kẻ hở là sự kết hợp thảm họa. Vì vậy, một nền kinh tế thị trường đúng nghĩa không thể thiếu nền tảng pháp quyền công minh.
Phản hồi