Triển khai trong nhiều năm qua, đến nay, toàn ngành Ngân hàng đã đạt được những kết quả khá toàn diện trên nhiều phương diện về tái cơ cấu các tổ chức tín dụng (TCTD) Việt Nam.
Hệ thống TCTD Việt Nam đã được nâng lên cả về chất lượng, quy mô và uy tín, tạo tiền đề cho quá trình tiếp tục hội nhập kinh tế quốc tế của hệ thống ngân hàng.
Quyết liệt xử lý nợ xấu
Trong hơn 2 năm qua, toàn ngành Ngân hàng đã triển khai thực hiện quyết liệt Nghị quyết 42/2017/QH14 về xử lý nợ xấu của Quốc hội. Tính từ năm 2012 đến hết năm 2019, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 1.064 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Lũy kế từ ngày 15/8/2017 đến cuối tháng 12/2019, toàn hệ thống TCTD xử lý được 305,7 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42, không bao gồm sử dụng dự phòng rủi ro và khoản bán nợ cho VAMC thông qua phát hành trái phiếu đặc biệt. Như vậy, trung bình mỗi tháng toàn hệ thống TCTD xử lý được khoảng 10,5 nghìn tỷ đồng, cao hơn 4,9 nghìn tỷ đồng so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình từ 2012-2017 trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực. Đồng thời cũng là dấu hiệu tích cực cho thấy, Nghị quyết số 42 đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD. Kết quả xử lý nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 cho thấy ý thức trả nợ của khách hàng đã được cải thiện một bước quan trọng. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy, Nghị quyết 42 đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD.
NHTM TNHH 1 thành viên Xây dựng (NCB) được NHNN mua lại với giá 0 đồng là một trong số NHTM điển hình về thu hồi nợ xấu. Số liệu luỹ kế tính đến 30/11/2019, NCB đã thu hồi nợ xấu đạt trên 5.500 tỷ đồng đối với nhóm nợ thu hồi theo bản án và trên 800 tỷ đồng thu hồi từ nhóm nợ nhỏ lẻ.
Tỷ lệ nợ xấu của các TCTD cuối năm 2019 bao gồm cả nợ tiềm ẩn là 4,59%, thấp hơn rất nhiều so với con số báo cáo Quốc hội đầu nhiệm kỳ (năm 2016) là 10,8%. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các TCTD đến hết năm 2019 còn 1,89%. Các NHTM Nhà nước có quy mô lớn, vốn có tỷ lệ nợ xấu cao thì đến hết năm 2019 đã giảm xuống mức thấp hơn tỷ lệ nợ xấu chung của toàn hệ thống TCTD; cụ thể, Agribank giảm xuống còn 1,46%, Vietcombank có tỷ lệ nợ xấu dưới 0,8%, Vietinbank cũng có tỷ lệ nợ xấu dưới 1,2%.
Mở rộng tất toán nợ xấu đã bán cho VAMC
Việc tất toán nợ xấu tại VAMC trước hết là do năng lực tài chính của nhiều NHTM ngày càng được tăng cường cùng với việc chủ động xử lý nợ xấu có kết quả cao. NHTM có thể mua lại toàn bộ nợ xấu và trích lập toàn bộ dự phòng rủi ro còn lại cho số nợ xấu đó. Đây là nợ xấu đã bán đủ 5 năm và đã trích lập đủ 100 % dự phòng rủi ro nay nhận lại. Bên cạnh đó, NHTM nhận thấy việc mua lại nợ xấu đã bán cho VAMC về tự xử lý có hiệu quả hơn. Tính đến hết năm 2019, đã có 11 NHTM đã tất toán toàn bộ số nợ xấu đã bán cho VAMC (Vietcombank, Techcombank, MB, VIB, OCB, Nam A Bank, TPBank, VPBank, Agribank, Kienlongbank và SeABank).
Năm 2019 cũng là thời điểm mà phần lớn lượng trái phiếu VAMC phát hành năm 2014 đã đến hạn, mỗi năm, các NHTM phải trích lập dự phòng rủi ro 20% cho số nợ xấu đã bán, do đó, việc các TCTD phải tất toán với VAMC theo đúng thời hạn quy định cũng là điều bình thường. Vì vậy, trong 2 năm qua, số lượng NHTM tất toán nợ xấu với VAMC ngày càng tăng lên. Với việc tất toán nợ đã bán cho VAMC đến hạn và sử dụng luôn dự phòng đã trích lập cho trái phiếu đặc biệt từ trước đến nay để xử lý rủi ro, thì đây được xem là nguồn lực tài chính dự phòng của các NHTM.
Tỷ lệ nợ xấu của các TCTD cuối năm 2019 bao gồm cả nợ tiềm ẩn là 4,59%,
thấp hơn rất nhiều so với con số báo cáo Quốc hội đầu nhiệm kỳ (năm 2016) là 10,8%
Bên cạnh đó, việc mua lại trước hạn nợ xấu đã bán cho VAMC mang lại nhiều lợi ích hơn cho các NHTM. Thứ nhất, nếu vẫn để nợ xấu tại VAMC, định kỳ mỗi năm, các NHTM phải trích lập chi phí dự phòng 20% giá trị trái phiếu đặc biệt đối với kỳ hạn 5 năm và 10% đối với kỳ hạn 10 năm. Áp lực chi phí trích lập như trên là khá lớn đối với một số NHTM đang có lợi nhuận khiêm tốn. Vì vậy, việc mua lại hay tất toán trước hạn nợ xấu bán cho VAMC sẽ giúp các NHTM có điều kiện đánh giá, xem xét lại chất lượng khoản vay để đưa về nhóm phù hợp hơn. Thứ hai, việc mua lại nợ xấu đã bán trước đây cũng tạo cơ hội cho các NHTM định giá lại tài sản bảo đảm theo giá thị trường mới nhất. Phần lớn các khoản vay bán cho VAMC trước đây đều có tài sản bảo đảm là bất động sản. Với diễn biến thị trường nhà đất đã tăng mạnh trong 3 năm qua, việc định giá lại có thể giúp nhiều NHTM giảm được chi phí trích lập dự phòng đáng kể. Thứ ba, với thực tế tình trạng xử lý nợ của VAMC đang khá chậm do nguồn lực bị hạn chế, thì việc mua lại nợ xấu đã bán cho VAMC trước đây sẽ giúp các NHTM có thể chủ động xử lý các khoản nợ xấu này nhanh hơn, nhất là khi hàng loạt quy định về giải pháp xử lý nợ xấu đột phá đã được chính thức ban hành qua Nghị quyết 42 của Quốc hội từ tháng 7/2017.
Nâng cao quy mô vốn pháp định
Với sự tham mưu của NHNN, để đảm bảo phù hợp với thực tiễn Việt Nam và yêu cầu nâng cao chất lượng hoạt động của các TCTD, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 86/2019/NĐ-CP, ngày 14/11/2019, quy định mức vốn pháp định của TCTD, chi nhánh NH nước ngoài. Theo đó, mức vốn pháp định đối với các loại hình NH, TCTD được quy định như sau: NHTM: 3.000 tỷ đồng; Ngân hàng Chính sách và xã hội: 5.000 tỷ đồng; NH Hợp tác xã: 3.000 tỷ đồng; Chi nhánh NH nước ngoài: 15 triệu đô la Mỹ (USD); Công ty tài chính: 500 tỷ đồng; Công ty cho thuê tài chính: 150 tỷ đồng; Tổ chức tài chính vi mô: 05 tỷ đồng; Quỹ tín dụng nhân dân hoạt động trên địa bàn một xã, một thị trấn: 0,5 tỷ đồng; Quỹ tín dụng nhân dân hoạt động trên địa bàn một phường; quỹ tín dụng nhân dân hoạt động trên địa bàn liên xã, liên xã phường, liên phường: 1 tỷ đồng..
Tính đến cuối tháng 8/2019, vốn điều lệ của toàn hệ thống TCTD Việt Nam đạt 591.800 tỷ đồng, tăng gần 3% so với cuối năm 2018 và tăng 15,5% so với cuối năm 2017. Vốn chủ sở hữu của toàn hệ thống TCTD đạt 856.100 tỷ đồng, tăng hơn 12% so với cuối năm 2018 và gần 30% so với cuối năm 2017. Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) ở mức 11,9%.
Tính đến hết tháng 9/2019, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) toàn hệ thống TCTD là 12%. Đứng đầu là nhóm NH liên doanh nước ngoài 24,84% theo sau là NH Hợp tác xã gần 18,7% và công ty tài chính, cho thuê là 17,93%. Với nhóm NHTM Nhà nước, CAR là 9,78% trong khi nhóm NHTM cổ phần là 10,81%. Đây cũng là 2 nhóm có CAR thấp nhất trong hệ thống (loại trừ NH Chính sách xã hội Việt Nam và hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân).
Tính đến hết tháng 9/2019, tính chung toàn hệ thống TCTD, tổng tài sản có đạt hơn 12 triệu tỷ đồng, tăng 8,5% so với cuối năm trước. Trong đó, các NHTM Nhà nước là 5,2 triệu tỷ đồng, tăng 7% so với cuối năm trước. Khối NHTM cổ phần có tổng tài sản 4,96 triệu tỷ đồng, tăng hơn 9% so với cuối năm trước. Khối ngân hàng liên doanh, nước ngoài sở hữu gần 1,3 triệu tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2018.
Vốn điều lệ toàn hệ thống TCTD là 597.521 tỷ đồng, tăng 3,7% so với cuối 2018. Dẫn đầu là nhóm NHTM cổ phần với 276.098 tỷ đồng, tăng 3,32% so với cuối năm trước. Nhóm NHTM Nhà nước có vốn điều lệ 149.096 tỷ đồng, chỉ tăng 0,82% so với cuối năm trước. Ngân hàng liên doanh nước ngoài là 120.773 tỷ đồng, tăng 6,42% so với cuối năm trước.
Về thực hiện tỷ lệ an toàn: tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của toàn hệ thống TCTD là 27,34%. Tính riêng các NHTM Nhà nước, tỷ lệ này là 29,96%, trong khi nhóm NHTM cổ phần là 30,89%. Theo lộ trình giảm tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn, từ 1/1/2020 đến 30/9/2020, tỷ lệ trên với các TCTD là 40%. Giai đoạn 1/10/2020 – 30/9/2021, tỷ lệ tối đa là 37%, từ 1/10/2021 đến 30/9/2022 là 34%, sau 1/10/2022 là 30%.
Hiện nay, có 9 NH 100% vốn nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam đều xuất phát từ những tập đoàn tài chính lớn mạnh, uy tín hàng đầu thế giới. Trong môi trường kinh doanh đang hội nhập quốc tế mạnh mẽ như Việt Nam cùng với sự hậu thuẫn của tổ chức mẹ, các ngân hàng đó đang cạnh tranh với các NH trong nước, góp phần đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư và các dịch vụ NH tiện ích cho nền kinh tế, với kết quả kinh doanh không ngừng được nâng cao.
Việc phát triển của các NH 100% vốn nước ngoài và NH liên doanh, thúc đẩy môi trường cạnh tranh hoạt động NH trong nước, thúc đẩy các NH Việt Nam nâng cao sức mạnh cạnh tranh vì sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế.
Đảm bảo tiêu chuẩn an toàn của Basel II
Tỷ lệ CAR là một trong những yếu tố quan trọng liên quan đến chuẩn Basel II. Tính đến giữa tháng 12/2019, NHNN đã có quyết định công nhận 18 NH đáp ứng được áp dụng Thông tư 41/2016 quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với NH, chi nhánh NH theo chuẩn Basel II; bao gồm: Vietcombank, VIB, OCB, TPBank, ACB, Techcombank, VPBank, MB, HDBank, VietBank, VietCapitalBank, MSB, SeABank, Nam A Bank, LienVietPostBank và BIDV, cùng với hai NH nước ngoài gồm Shinhan Bank và Standard Chartered Bank Việt Nam.
Trụ cột 2 về đánh giá nội bộ mức độ đủ vốn là một nội dung quan trọng của Basel II. VIB đã phối hợp với Công ty tư vấn PWC, tiếp cận các phương pháp tính toán ICAAP đã triển khai tại các NH có quy mô tương tự trong khu vực Đông Nam Á. VIB tiếp tục phát triển Basel II theo phương pháp nâng cao và hướng tới áp dụng các chuẩn mực của Basel III vào công tác quản trị rủi ro. VIB sẽ cần khoảng 10 năm từ lúc khởi động để hoàn thành áp dụng Basel II theo phương pháp đánh giá nội bộ nâng cao (AIRB) vào năm 2025.
Nền tảng quản trị rủi ro của VIB được chuyển giao từ cổ đông chiến lược CommonWealth Bank of Australia (CBA). VIB đặt ra một lộ trình rõ ràng khi triển khai Basel II sớm hơn thời hạn do NHNN quy định và coi việc hoàn thành 3 trụ cột Basel II là một trong các đầu việc quan trọng nằm trong tầm nhìn dài hạn về quản trị rủi ro của NH.
Tại Việt Nam, chuẩn mực vốn Basel II được quy định một phần theo Thông tư 41 và Thông tư 13 (ban hành năm 2018) của NHNN, trong đó, Thông tư 41 quy định về phần lớn nội dung của hai trong ba trụ cột Basel II là tỷ lệ an toàn vốn và công bố thông tin.
Basel II là phiên bản thứ 2 của Hiệp ước vốn Basel, quy định các nguyên tắc chung mà NHTM phải tuân thủ và được hầu hết các NH trên thế giới áp dụng. Tuân thủ theo Basel II sẽ giúp ngân hàng đáp ứng được những nguyên tắc quản trị rủi ro cao hơn, hoạt động an toàn và bền vững hơn. Đây là những nguyên tắc mà các ngân hàng trên thế giới tuân thủ nhằm nâng cao năng lực quản lý rủi ro và chuẩn mực an toàn trong hoạt động NH theo thông lệ quốc tế. Basel II là bộ tiêu chuẩn quốc tế không chỉ bao gồm việc lượng hóa rủi ro thông qua các chỉ số và mô hình, mà còn bao gồm yêu cầu hoàn thiện cơ cấu tổ chức quản trị, chính sách, nâng cao văn hóa rủi ro và tăng cường tính minh bạch của thị trường.
Mô hình Basel II gồm 3 trụ cột chính là tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, quy trình rà soát giám sát và việc công khai thông tin. Về góc độ pháp lý, hiện nay NHNN đã ban hành đầy đủ các văn bản quy định cho cả 3 trụ cột, cụ thể đối với trụ cột thứ nhất là Thông tư 41/2016/TT/NHNN, trụ cột thứ hai là Thông tư 13/2018/TT/NHNN, trong đó thể hiện phần quản lý rủi ro và ICAAP (Internal Capital Adequacy Assessment Process – Quy trình đánh giá tính đầy đủ vốn nội bộ), trụ cột thứ ba cũng được quy định trong Thông tư 41 qua phần công bố thông tin. Như vậy, qua hai Thông tư 41 và Thông tư 13, toàn bộ khuôn khổ pháp lý hướng dẫn việc triển khai Basel II đã hoàn chỉnh.
Gia tăng quy mô lợi nhuận và nâng cao hiệu quả kinh doanh
Vietcombank tiếp tục dẫn đầu về quy mô lợi nhuận của toàn bộ hệ thống TCTD ở Việt Nam trong năm 2019. Lợi nhuân hợp nhất trước thuế năm 2019 của Vietcombank tăng 26% so với năm 2018 và vượt gần 13% kế hoạch đề ra. Với quy mô đó, lợi nhuận đã chính thức cán mốc 1 tỷ USD, sớm trước 1 năm so với dự kiến. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử hệ thống ngân hàng Việt Nam có thành viên đạt mốc 1 tỷ USD lợi nhuận.
Quy mô lợi nhuận đứng hàng thứ hai là Agribank, tiếp theo là, Vietinbank.
Quy mô lợi nhuận, tăng trưởng tổng tài sản và các chỉ tiêu khác là kết quả tổng hợp của quá trình tái cơ cấu các TCTD Việt Nam đạt được trong năm 2019, làm tiền đề cho tái cơ cấu năm tiếp theo.
Thu hút cổ đông chiến lược nước ngoài
Trong thời gian qua, nhiều NHTM cổ phần Việt Nam đang tích cực thực hiện nhiều biện pháp thu hút cổ đông chiến lược nói chung và cổ đông chiến lược nước ngoài nói riêng, nhằm nâng cao năng lực quản trị rủi ro, đầu tư hiện đại hóa công nghệ, tái cơ cấu hiệu quả hơn.
Tính đến nay, ở nhóm NHTM Nhà nước đã có 3 NH có cổ đông chiến lược nước ngoài. Cụ thể, Vietcombank với Mizuho Bank hiện sở hữu 15%; tại thời điểm đầu năm 2019 Vietcombank đã phát hành riêng lẻ hơn 111 triệu cổ phiếu VCB (trị giá khoảng 310 triệu USD) cho GIC Private Limited của Singapore và Mizuho Bank Ltd của Nhật Bản. Vietinbank với Bank of Tokyo – Mitsubishi UFJ và Quỹ Đầu tư cấp vốn IFC sở hữu lần lượt 19,73% và 5,4%. BIDV bên cạnh việc bán 15% vốn cho KEB Hana Bank, thì cũng sẽ bán tối đa 12% vốn điều lệ cho nhà đầu tư tài chính nước ngoài, vốn nhà nước còn tương đương 65%. Giai đoạn kế tiếp, từ năm 2021, sẽ tiếp tục giảm vốn nhà nước từ 65% xuống còn 51% cùng kế hoạch niêm yết cổ phiếu lên sàn chứng khoán quốc tế.
Một số NHTM cổ phần khác cũng đang thực hiện các bước tìm kiếm, đàm phán bán cổ phần cho cổ đông lớn, nếu không bán được và không tự tìm nguồn tiền nâng được quy mô vốn pháp định theo lộ trình thì buộc phải sáp nhập hay bán lại cho
NHTM khác.
Niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán
Việc niêm yết cổ phiếu của các NHTM cổ phần Việt Nam trên thị trường chứng khoán không chỉ là thực hiện lộ trình theo yêu cầu của Chính phủ, mà còn là vì chính lợi ích của các NHTM này. Bởi vì, việc niêm yết yêu cầu minh bạch thông tin, đánh giá khách quan của các nhà đầu tư cũng như của thị trường tài chính về năng lực cạnh tranh và tiềm năng kinh doanh của NHTM, thu hút nhiều nhà đầu tư mới,…
Thực hiện lộ trình và mục tiêu đó, trong các năm 2017 và 2018, nhiều NHTM cổ phần quy mô lớn đã niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam, như: VPBank, Techcombank, TPBank, HDBank. VietBank là NHTM duy nhất lên UPCoM.
Giải quyết dứt điểm tình trạng sở hữu chéo giữa các tổ chức tín dụng
Tính đến hết tháng 6/2019, không còn tình trạng sở hữu chéo giữa các TCTD. Trong khi đó, số cặp TCTD sở hữu chéo trực tiếp lẫn nhau đã được khắc phục hết.
Cạnh tranh sôi động phát triển ngân hàng số và Fintech
Trong thời gian qua, các NHTM đẩy mạnh đổi mới, ứng dụng công nghệ của cuộc cách mạng 4.0 vào nghiệp vụ và hoạt động tín dụng, thanh toán và các dịch vụ khác. Việc chuyển đổi thẻ chip, kết hợp với phát triển các ứng dụng di động, hướng đến thanh toán không dùng tiền mặt được đẩy mạnh. Sự phát triển bùng nổ công nghệ kéo theo sự phát triển của doanh nghiệp fintech tham gia vào lĩnh vực tài chính như trung gian thanh toán, cho vay trực tuyến… Nhiều ví điện tử xuất hiện, như: Smartnet, Moca, PAYTECH, Monpay, Momo, Zalopay…
Đối với các NHTM, nhiều dịch vụ phân tán đặt ra thách thức phải tối đa hóa hiệu quả và giữ chi phí càng thấp càng tốt trong khi yêu cầu bảo mật ngày càng nghiêm ngặt. Giải pháp các NHTM Việt Nam đang thực hiện chuyển đổi số là tự đổi mới, bắt tay với công ty công nghệ hoặc tăng cường hợp tác với fintech để nhanh chóng tận dụng thế mạnh của đôi bên. Ba trong số những lợi ích vượt trội mà chuyển đổi số mang tới cho các NHTM là nâng cao trải nghiệm của khách hàng; thúc đẩy phát triển các sản phẩm mới; nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
www.sbv.gov.vn
www.ssc.gov.vn
www.ssi.com.vn
www.hsx.vn
www.hnx.vn
TS. Lê Đình Hạc
Theo TCNH số 11/2020
Phản hồi