Startup công nghệ Việt có thể cạnh tranh “sòng phẳng” với nước ngoài
Theo đánh giá của các chuyên gia tại hội thảo “Kết nối và phát huy nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam” diễn ra mới đây, kể từ năm “Quốc gia khởi nghiệp” 2016 đến nay, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam đã từng bước hình thành và phát triển mạnh.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho hay, hiện nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam đã có sản phẩm, giải pháp bước ra sân chơi quốc tế, chứng minh năng lực và được cộng đồng quốc tế công nhận.
Đồng thời, một số doanh nghiệp, chuyên gia Việt ở nước ngoài cũng đã về nước hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo và tạo được những tác động đáng ghi nhận, như nền tảng quản trị, giải pháp kết nối trực tuyến, các ứng dụng AI (trí tuệ nhân tạo), robot, IoT (Internet kết nối vạn vật) hỗ trợ phòng chống COVID-19.
Bà Lê Diệp Kiều Trang, Giám đốc tài chính AREVO cho rằng, hiện Việt Nam rất có lợi thế về nguồn nhân lực trình độ kỹ thuật cao, không hề thua kém các nước, là cơ hội để các startup có thể vươn ra thị trường thế giới.
Đưa ra ví dụ với startup y khoa Harrison AI, bà Trang cho biết, đây là startup được sáng lập bởi hai du học sinh người Việt tại Australia. Hiện mô hình AI chẩn đoán bệnh qua hình ảnh X-quang của startup đã được đưa vào một số bệnh viện tại Australia, có thể chẩn đoán 124 loại bệnh khác nhau.
Trong khi đó, Genetica là công ty xét nghiệm gen ứng dụng trí tuệ nhân tạo có trụ sở chính tại San Francisco (Mỹ) được sáng lập bởi ông Cao Anh Tuấn. Startup hiện đã được cấp phép hoạt động ở 10 quốc gia. Tại Việt Nam, hiện đang triển khai dự án kết hợp với Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đánh giá nguy cơ nhiễm COVID-19 dựa trên các đặc điểm di truyền của người Việt Nam.
Trường hợp khác, startup Rens Original (Phần Lan) của doanh nhân trẻ Trần Bảo Khánh là doanh nghiệp chuyên sản xuất “giày môi trường” chống nước từ bã cà phê và nhựa tái chế được cộng đồng quốc tế rất ủng hộ. Doanh nhân này cho biết hiện doanh nghiệp đã chuyển toàn bộ dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc về Việt Nam, 100% sản xuất tại Việt Nam để xuất khẩu sang các thị trường như Đức, Phần Lan, Bắc Âu.
Tại hội thảo, một số chuyên gia cho rằng để nguồn nhân lực Việt thực sự tạo lợi thế trong nước và quốc tế, cần có hệ thống mentor (cố vấn) đưa ra định hướng và tận dụng cơ hội phát triển. Đồng thời nhà nước cần có cơ chế chính sách đồng bộ, tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp do người Việt sáng lập tại Việt Nam và quốc tế.
Trong báo cáo đổi mới sáng tạo và đầu tư công nghệ Việt Nam 2020 được Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia công bố tháng 6/2021, tổng số vốn đầu tư vào các startup công nghệ Việt Nam đạt 451 triệu USD. Một số ngành như HRTech (công nghệ nhân sự), PropTech (công nghệ bất động sản) tiếp tục thu hút vốn đầu tư, trong khi các ngành như EdTech (công nghệ giáo dục), MedTech (công nghệ y tế)… đang tăng dần lên do sự thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng và các doanh nghiệp sau COVID-19.
Báo cáo cũng nhận định, với những nỗ lực từ phía Chính phủ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế số và tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, các startup Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để bứt phá khi hoạt động đầu tư dần phục hồi.
Bà Lê Diệp Kiều Trang cũng nhấn mạnh, nhà nước cần có những chính sách thông thoáng để việc sản xuất mặt hàng công nghệ cao sớm thực thi.
Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng, bên cạnh việc xây dựng chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước, Bộ cùng các cơ quan đang kết nối mạng lưới chuyên gia, trí thức, doanh nhân người Việt Nam tại nước ngoài.
Mạng lưới này sẽ góp phần thúc đẩy liên kết giữa cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mở rộng thị trường kinh doanh, thị trường vốn, tiếp cận vốn nguồn lực và nguồn trí tuệ toàn cầu.
https://doanhnghiepvn.vn/cong-nghe/startup-cong-nghe-viet-co-the-canh-tranh-song-phang-voi-nuoc-ngoai/20210720064500933
Phản hồi