Số ca Covid-19 toàn cầu vượt 200 triệu người, Đông Nam Á trở thành điểm nóng
Theo dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins, ngày 4/8, số ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu đã vượt 200 triệu người trong bối cảnh biến thể Delta đang đe dọa những khu vực có tỷ lệ tiêm vaccine thấp và gây áp lực lên hệ thống y tế.
Làn sóng bùng phát dịch bệnh mới trên thế giới cho thấy khoảng cách ngày càng lớn về tỷ lệ tiêm vaccine giữa các quốc gia giàu và nghèo. Khoảng 1/5 quốc gia trên thế giới đang chứng kiến số ca nhiễm Covid-19 tăng nhanh, trong đó hầu hết là những nước chưa tiêm được mũi vaccine đầu tiên cho 50% dân số.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 4/8 kêu gọi các quốc gia tạm ngưng kế hoạch tiêm mũi bổ sung thứ ba cho tới khi tỷ lệ tiêm chủng tại tất cả các nước trên thế giới đạt ít nhất 10%. Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO cho rằng giờ đây, phần lớn vaccine nên được đưa tới các quốc gia thu nhập thấp, thay vì tới những nước thu nhập cao.
Biến thể Delta đang làm thay đổi nhiều nhận định về Covid-19, làm đảo lộn kế hoạch phục hồi của các nền kinh tế.
Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát đến nay, ít nhất 2,6% dân số toàn cầu đã nhiễm virus. Con số thực tế có thể cao hơn do hạn chế trong khâu xét nghiệm tại một số nơi.
Theo phân tích của Reuters, nếu số người nhiễm Covid-19 nằm ở một quốc gia, đây sẽ là quốc gia đông dân thứ 8 trên thế giới, sau Nigeria. Thế giới mất 1 năm để cán mốc 100 triệu ca nhiễm Covid-19 nhưng chỉ mất 6 tháng để vượt qua mốc 100 triệu tiếp theo. Đến nay, đại dịch đã khiến 4,4 triệu người tử vong.
Hiện tại, các quốc gia ghi nhận số ca nhiễm trung bình 7 ngày cao nhất thế giới là Mỹ, Brazil, Indonesia, India và Iran – chiếm khoảng 38% tổng số ca nhiễm toàn cầu mỗi ngày.
Trên thế giới, cứ 7 người nhiễm Covid-19 thì có một người ở Mỹ. Các bang có tỷ lệ tiêm vaccine tại Mỹ như Florida và Louisiana đang chứng kiến số lượng bệnh nhân Covid-19 nhập viện cao kỷ lục, dù tính trên toàn quốc, Mỹ đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine cho 70% người trưởng thành. Người đứng đầu một bệnh viện ở Louisiana cảnh báo rằng đây “chưa phải là những ngày đen tối nhất”.
Theo Đội ứng phó Covid-19 của Nhà Trắng, 97% các trường hợp Covid-19 nặng tại nước này là những người chưa tiêm vaccine.
Trong khi đó, Đông Nam Á đang là một trong những điểm nóng Covid-19. Chỉ chiếm 8% dân số toàn cầu, Đông Nam Á hiện ghi nhận gần 15% tổng số ca nhiễm mới trên thế giới mỗi ngày, theo phân tích của Reuters.
Thế giới mất 1 năm để cán mốc 100 triệu ca nhiễm Covid-19 nhưng chỉ mất 6 tháng để vượt qua mốc 100 triệu tiếp theo. Đến nay, đại dịch đã khiến 4,4 triệu người tử vong.
Kể từ tháng 7, Indonesia chứng kiến số ca nhiễm mỗi ngày tăng theo cấp số nhân. Ngày 4/8, nước này ghi nhận số ca tử vong lớn nhất từ trước tới nay, đưa tổng số ca tử vong từ khi dịch bùng phát lên 100.000 người. Nước này hiện chiếm 1/5 ca tử vong vì Covid-19 trên thế giới mỗi ngày.
Trước đó, ngày 2/8, Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin cho biết nước này đặt mục tiêu dần mở cửa nền kinh tế vào tháng 9 tới. Ông Sadikin cho rằng làn sóng dịch bệnh hiện tại đã qua đỉnh với số ca nhiễm hàng ngày bắt đầu giảm.
Còn tại Thái Lan, số ca nhiễm mới cũng không ngừng lập kỷ lục. Ngày 4/8, nước này ghi nhận 20.200 ca nhiễm mới và 188 ca tử vong, đều là những con số kỷ lục. Bộ Y tế Thái Lan cho biết từ đầu đại dịch, nước này đã có 672.385 ca nhiễm và 5.503 ca tử vong.
Trong khi đó, Ấn Độ, quốc gia đợt bùng dịch tồi tệ nhất trong tháng 4-5, lại một lần nữa ghi nhận số ca nhiễm tăng trở lại. Thứ Sáu tuần trước, nước này có 44.230 ca nhiễm mới – mức cao nhất trong 3 tuần, làm dấy lên lo ngại rằng làn sóng dịch bệnh thứ 3 có thể khiến nước này phải tái áp dụng phong tỏa.
Còn tại Trung Quốc, nhiều thành phố đã triển khai xét nghiệm trên diện rộng với hàng chục triệu người sau khi phát hiện nhiều ca nhiễm biến thể Delta trong cộng đồng. Trong đó, Vũ Hán, nơi phát hiện ca Covid-19 đầu tiên vào cuối năm 2019, phát hiện những ca nhiễm mới trong cộng đầu đầu tiên kể từ tháng 5/2020. Thành phố này dự kiến xét nghiệm toàn bộ 12 triệu dân để phát hiện ca nhiễm và khoanh vùng.
Phản hồi