Shark Hưng khuyên khởi nghiệp ‘cứ làm đi’, tỷ phú Nguyễn Đăng Quang kịch liệt phản đối tư duy này, người trẻ biết nghe ai bây giờ?
Khi nào nên khởi nghiệp?
“Lúc nào là thời điểm thích hợp để khởi nghiệp?” là câu hỏi được nhiều người trẻ ấp ủ ước mơ startup đặt ra với những doanh nhân thành công. Với những doanh nhân tham gia Shark Tank và trở thành KOL như Phó chủ tịch Cengroup – Shark Phạm Thanh Hưng, câu hỏi này còn được gửi tới với tần suất lớn.
Ông Hưng khởi nghiệp năm 30 tuổi. Thời điểm này khi làm ở Bộ KH&CN, ông Hưng đảm trách công việc chuyên về tư vấn và chuyển giao công nghệ quản lý từ nước ngoài để ứng dụng cho các doanh nghiệp Việt Nam. Do đó ông có cơ hội tiếp cận được nhiều chương trình đào tạo, huấn luyện, tiếp xúc các chuyên gia đến từ các nước phát triển. Đây là quãng thời gian ông tích lũy nhiều kiến thức về quản trị kinh doanh, vi mô và vĩ mô. Tuy nhiên, khi khởi nghiệp ông Hưng cũng chưa dễ dàng đạt được thành công ngay từ ban đầu.
“Tôi đã từng mở ra công ty rồi phải đóng lại, tôi từng đầu tư bất động sản, dùng đòn bẩy ngân hàng, rồi sau đó là trắng tay, tiền trả lãi nuốt luôn cả vốn gốc của mình”, ông Hưng cho biết. Từ những thất bại này, ông học được nhiều bài học đau đớn từ việc phân tích thị trường, lựa chọn quyết định đầu tư.
“Chia sẻ với các bạn trẻ về khởi nghiệp, tôi thường nhấn mạnh các bạn cứ làm đi, trải nghiệm thực tế lớn hơn tất cả các thứ khác. Quan trọng nhất là hành động. Nghĩ thì rất nhiều người nghĩ, chỉ một số người nói ra, nhưng hành động thì lại vô cùng ít, huống hồ hành động để thành công được càng ít hơn.
Gần như ngày nào tôi cũng nhận được rất nhiều email, tin nhắn, hỏi làm thế nào để khởi nghiệp thành công, tôi chỉ trả lời là phải làm thôi. Các bạn cần phải làm, phải có trách nhiệm với chính bản thân của mình, sống chết với quyết định của mình thì mới thành công được”, ông Hưng chia sẻ.
Tuy nhiên, quan điểm “cứ làm đi” của shark Hưng không phải đều được các doanh nhân khác tán thành! Trong bài phỏng vấn hồi đầu năm 2021, Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang cho rằng, khái niệm khởi nghiệp hiện hơi bị đẩy lên quá, do gần đây chúng ta nói nhiều tới điều này, thực ra, nó là tinh thần kinh doanh.
“Masan chúng tôi hay nói tới khởi nghiệp theo cách bạn tạo ra giá trị bằng việc kiến tạo ra các sản phẩm đột phá, và biết cách thành công. Trong quá trình đấy, bạn phải phải chấp nhận trong khả năng của mình về việc kiểm soát rủi ro”.
Chữ khởi nghiệp, tôi nghĩ, nó hơi bao gồm một vế là ‘cứ làm đi rồi tính’, nhưng nhiều khi bạn không có lần thứ hai, do vậy, bạn vẫn phải tối đa hóa cơ hội và kiểm soát được rủi ro”, chủ tịch tập đoàn Masan chia sẻ.
Theo ông Quang, cần phải tránh cách nghĩ “cứ làm đi rồi tính”, vì điều này sẽ dẫn đến tình trạng “mỗi buổi sáng mình khởi nghiệp một lần và cuối giờ mình đóng sổ, xong hôm sau lại khởi nghiệp”.
“Khởi nghiệp là quá trình tạo ra giá trị bằng cách hiểu, ở Masan chúng tôi hay gọi là những nhu cầu lớn chưa được thỏa mãn, hoặc hiểu rõ cái gọi là không hiệu quả. Bạn chưa thể bắt đầu, nếu bạn chưa hình dung ra được những cách để giải quyết vấn đề đó. Bạn nếu vội ‘làm đi’ sẽ không bao giờ thắng. Có vấn đề, có cơ hội, bạn cần nhìn ra cách, đó có thể là sản phẩm, có thể là giải pháp để giải quyết câu chuyện đó, và sau khi mình tìm ra được thì mới bắt đầu làm”, tỷ phú đô la này nhấn mạnh.
Tự biết và chịu trách nhiệm với chính mình
Rõ ràng quan điểm của shark Hưng và tỷ phú Nguyễn Đăng Quang khá đối lập, người trẻ nên làm theo lời khuyên của ai?
Trên thực tế, tất cả những lời khuyên đều mang tính tham khảo, chủ kiến của bản thân mỗi người mới là điều quan trọng nhất. Mặc dù chủ kiến của chúng không hẳn là đúng nhưng sai lầm là điều tất yếu trong quá trình học cách trưởng thành.
Ernest Rutherford đoạt giải Nobel Hóa học về nghiên cứu phân tử nguyên tử. Ông từng khẳng định: “Việc sản sinh năng lượng bằng cách phân chia các nguyên tử là vô nghĩa. Mọi nỗ lực để thu được năng lượng từ sự chuyển đổi nguyên tử là điều hoang tưởng”. Nhưng một vài năm sau đó, năng lượng nguyên tử đã ra đời và được sử dụng để sản xuất điện.
Lịch sử đã chứng minh cho chúng ta thấy rằng, đừng “quá tin” người khác, tại sao lại không thể quá tin” vào bản thân mình chứ? Nếu bạn không kiên định, không tin tưởng chính mình thì rất dễ lạc lối giữa những ý kiến và sự nghi ngờ của đám đông.
Giả sử bạn cùng với một vài người bạn đi tới một nơi xa lạ, trên đường gặp một ngã rẽ, mọi người đều không rõ phải rẽ trái hay rẽ phải nên mở bản đồ ra. Mọi người đều cho rằng nên rẽ trái, nhưng phán đoán của bạn lại là nên rẽ phải. Lúc này bạn có dám nói ý kiến của mình với mọi người không?
Đa số mọi người nhiều lúc, nhiều việc cũng có ý kiến của riêng mình. Nhưng vấn đề ở chỗ, khi bạn đưa ra một quyết định nào đó, nếu người bên cạnh bạn không ủng hộ, thậm chí phủ định, nghi ngờ, lúc này bạn vẫn sẽ kiên trì với quyết định của mình chứ? Bạn vẫn dũng cảm và quyết tâm tiếp tục chứ?
Một nhà kinh tế học tại Đại học California sau khi quan sát số đông đã đưa ra kết luận: Cho dù bạn có phán đoán của riêng mình, có chủ kiến, nhưng giả sử mười người bạn của bạn có cái nhìn không giống bạn, bạn sẽ rất dễ bị lung lay, rất khó kiên trì ý kiến của mình.
Vì sao vậy? Có lẽ bởi vì chúng ta không đủ tin tưởng vào bản thân, có lẽ chúng ta sợ phải gánh trách nhiệm, và có lẽ vì chúng ta đều sợ bị cô lập. Nhưng bất luận nguyên do thế nào, khi bạn từ bỏ chủ kiến thì trong tiềm thức của bạn nhất định sẽ có một tiếng nói vang lên: “Tôi rất thất vọng về cậu, cậu là một kẻ nhu nhược”. Bạn có muốn nghe thấy âm thanh này không? Hãy nhớ rằng, trong cuộc sống của chúng ta, có chủ kiến là một việc rất quan trọng.
Theo Doanh nghiệp và tiếp thị/CafeF
Phản hồi