Sáu tháng đầu năm 2021, Vietjet đạt doanh thu cao hơn so với cùng kỳ, lợi nhuận 127 tỉ đồng
Kết thúc quý II, Vietjet ghi nhận doanh thu vận tải hàng không đạt 2.973 tỉ đồng, tăng 51% so với cùng kỳ nhờ nhu cầu đi lại tăng cao trong tháng 4. Mặc dù bị ảnh hưởng của làn sóng COVID-19 lần 4 nhưng Vietjet đã nỗ lực tăng cường vận tải hàng hoá.
Kết quả hợp nhất, Vietjet đạt doanh thu 4.337 tỉ đồng trong quý II.
Trong sáu tháng đầu năm, Vietjet đạt doanh thu kinh doanh vận tải hành khách là 5.818 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 13,7 tỉ đồng; doanh thu và lợi nhuận sau thuế hợp nhất lần lượt đạt 8.386 tỉ đồng và 127 tỉ đồng, cao hơn so với cùng kỳ năm 2020.
Tiếp tục mở mang hoạt động kinh doanh, hỗ trợ hàng không, tối ưu sử dụng nguồn vốn chủ sở hữu trong giai đoạn hàng không giảm khai thác, Vietjet thực hiện tái cấu trúc danh mục đầu tư, mở ra mảng kinh doanh tài chính, đầu tư dự án, tương ứng đạt được doanh thu hoạt động đầu tư, tài chính hơn 1.756 tỉ đồng.
Tính đến hết tháng 6/2021, Vietjet có tổng tài sản 44.000 tỷ đồng. Báo cáo tài chính hợp nhất cho thấy chỉ số nợ vay/vốn chủ sở hữu 0,73 lần và chỉ số thanh khoản 1,5 lần, nằm ở mức an toàn và chỉ số thuộc nhóm tốt trong ngành hàng không thế giới.
Vietjet đã vận chuyển hơn 4,8 triệu lượt hành khách trên toàn mạng bay và thực hiện 34.000 chuyến bay trong 6 tháng đầu năm 2021. Bên cạnh đó, Vietjet tập trung hoàn thiện các quy trình khai thác và tăng cường hoạt động khai thác hàng hóa. Kết quả trong kỳ, hãng đã vận chuyển hơn 37.000 tấn hàng hóa, tăng hơn 40% – 45% so với cùng kỳ.
Hãng cũng tiếp tục duy trì các chuyến bay hồi hương công dân.
Cùng với các đối tác chiến lược trong Tập đoàn Sovico, Vietjet đã tham gia tích cực vào chiến dịch phòng chống COVID-19 như ủng hộ kinh phí cho Quỹ vaccine; trao tặng xe cứu thương cho sở y tế các địa phương; tài trợ trang thiết bị cho các khu chăm sóc tích cực bệnh nhân nặng; vận chuyển cán bộ y tế, trang thiết bị chống dịch; nấu cơm từ thiện phát cho người dân…
Vietjet tiếp tục chiến lược xác định khách hàng là trọng tâm, nỗ lực đổi mới, sáng tạo; tối ưu hóa chi phí giờ bay; ứng dụng công nghệ vào tất cả các dịch vụ và công tác vận hành, mở rộng hoạt động kinh doanh nhằm nâng cao năng suất, chất lượng phục vụ khách hàng.
Với những chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với các hãng hàng không, chiến dịch tiêm chủng vaccine được triển khai trên toàn quốc, việc ứng dụng công nghệ tích hợp chứng nhận tiêm vaccine, các chuyên gia cho rằng ngành hàng không sẽ khôi phục mạnh mẽ trở lại trong thời gian tới.
Phản hồi