Sập bẫy sàn ảo mùa dịch: Các chủ sàn ảo thách thức cơ quan pháp luật
Mặc dù các đường dây sàn ảo hoạt động từ nhiều năm nay khiến cả trăm ngàn nạn nhân sập bẫy với số tiền bị lừa hàng ngàn tỉ đồng, nhưng đến nay vẫn hoành hành như thách thức cơ quan thực thi pháp luật.
Thời gian qua, báo chí liên tục phản ánh về thực trạng này và cơ quan chức năng nhiều lần vào cuộc xử lý các sàn ảo này, tuy nhiên việc xử lý chỉ đếm trên đầu ngón tay, rồi đâu lại vào đó.
Theo luật sư (LS) Trương Anh Tú (Đoàn LS TP.Hà Nội), những người tham gia sàn giao dịch đã bỏ tiền thật mua tiền ảo. Tuy nhiên, hiện Việt Nam chưa có khái niệm hay định nghĩa về tiền ảo, hay nói đúng hơn tiền ảo tại Việt Nam không được công nhận, và chưa có văn bản nào chỉ đích danh hành vi mua bán “tiền ảo” là vi phạm pháp luật. Hơn nữa, những kẻ tạo ra “bánh vẽ”, giăng bẫy nạn nhân thường sử dụng công nghệ điện toán đám mây nên rất khó xác định ai lập ra, lập ra ở đâu. “Từ việc chưa có cơ sở pháp lý lẫn cơ sở khoa học về tiền ảo nên hiện cơ quan chức năng mới dừng lại ở cảnh báo. Tuy nhiên, nếu tìm ra đối tượng vi phạm và có căn cứ chứng minh hành vi phạm tội lừa đảo hoặc “sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” thì cơ quan chức năng có thể xử lý hành vi vi phạm của người phạm tội”, LS Tú nêu.
Vậy nạn nhân cần có những chứng cứ, tài liệu gì để tố cáo chủ sàn ảo? LS Hoàng Tư Lượng (thuộc Đoàn LS TP.HCM) cho rằng, người tố cáo cần phải chuẩn bị thu thập các bằng chứng rõ ràng, càng cụ thể càng tốt, đặc biệt nhất là cần đầy đủ thông tin giao dịch như: những tin nhắn trao đổi, biên lai chuyển tiền, thông tin của đối tượng lừa đảo như tài khoản, số điện thoại… và các tin nhắn của nhân viên môi giới mời chào lôi kéo, thu hút người chơi qua hình thức chào mời đầu tư qua điện thoại, liên hệ qua Zalo, Facebook… các thư mời tham gia hội thảo bán hàng (theo mô hình đa cấp) giới thiệu các kênh đầu tư tiền ảo, các app về kênh đầu tư tiền ảo để cho nhà đầu tư cài vào điện thoại…
Ngoài ra, theo LS Lượng, nhà đầu tư (người bị hại) có căn cứ chứng minh được các cá nhân thuộc công ty tổ chức hoạt động mua bán tiền ảo… đã có hành vi gian dối chiếm đoạt tiền của mình bằng hình thức hợp đồng hoặc hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp theo quy định của pháp luật thì có quyền làm đơn tố cáo đến cơ quan cảnh sát điều tra yêu cầu khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”… cùng với yêu cầu trả lại tài sản bị chiếm đoạt bất hợp pháp từ các bị can đã có hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp chiếm đoạt bất hợp pháp tiền hoặc tài sản của mình.
Theo lãnh đạo Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm về sử dụng công nghệ cao (A05) Bộ Công an, các hành vi đầu tư mua bán ngoại hối qua sàn ảo, tiền ảo… đều vi phạm pháp luật tại Việt Nam. Quy định tại khoản 6, điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng thì các hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính mức từ 50 – 100 triệu đồng. Ngoài ra, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điều 174 hoặc tội “vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” theo bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Theo vị này, lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, các đối tượng gia tăng hoạt động với nhiều thủ đoạn, trong đó có kêu gọi, lôi kéo các nhà đầu tư tham gia mua bán tiền ảo… Người tham gia đầu tư tiền ảo không được bảo vệ bởi chính sách pháp luật Việt Nam. Vì vậy, người dân cần cảnh giác, không tham gia vào các hoạt động đầu tư tiền ảo, tránh tâm lý hám lợi, làm giàu nhanh bằng các hình thức đầu tư tiền ảo, bỏ vốn ít, lợi nhuận cao nhưng không được pháp luật bảo hộ nên rủi ro rất lớn, mất tiền bất cứ lúc nào. Bộ Công an cũng đã cảnh báo rất nhiều về hình thức đầu tư này, cơ quan công an sẽ xử lý nghiêm với người kêu gọi và nhà đầu tư tiền ảo. Hiện có rất nhiều sàn đầu tư tiền ảo kêu gọi, hoạt động rầm rộ trên mạng, Bộ Công an đã cảnh báo rất nhiều để người dân không phải mất tiền khi đầu tư.
Về pháp luật thì chưa có gì rõ ràng về tiền điện tử, tiền ảo để làm căn cứ xử lý tại Việt Nam. Vì vậy cần có quy định cụ thể để kiểm soát quản lý các hoạt động liên quan đến tiền điện tử. Chỉ có quy định chặt chẽ về hoạt động tiền ảo mới có thể kiểm soát được loại hình này cũng như loại tội phạm trên. “Bộ Công an cũng kêu gọi ai đã tham gia đầu tư tiền ảo, bị lừa mất tiền có thể đến cơ quan công an nơi gần nhất hoặc liên hệ với A05 để trình báo, cung cấp thông tin để cơ quan công an vào cuộc”, vị này nhấn mạnh.
Phản hồi