Quốc hội luôn đặt người dân và doanh nghiệp vào vị trí trung tâm
Nhân kỷ niệm Ngày doanh nhân Việt Nam (13/10), chiều ngày 7/10, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đến thăm và làm việc với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội nhắc lại, cách đây 17 năm, Thủ tướng Phan Văn Khải đã quyết định lấy 13/10 là ngày doanh nhân Việt Nam.
Trên thực tế, đội ngũ doanh nhân Việt Nam luôn là đội ngũ xung kích và đi đầu trong công cuộc phát triển đất nước.
Cách đây 10 năm, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 09 ngày 9/12/2011 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Điều đáng nói, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, hiện nay Bộ Chính trị yêu cầu tổng kết Nghị quyết quan trọng này. Tổng kết nhằm tìm ra các quyết sách mới để trình Bộ Chính trị ban hành một Nghị quyết mới hoặc là một quyết sách mới để có thể tiếp tục thực hiện Nghị quyết quan trọng này về đội ngũ doanh nhân Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội thông tin, Hội nghị Trung ương lần 4 vừa mới kết thúc sáng nay với 2 nhóm nhiệm vụ quan trọng là phát triển kinh tế xã hội năm nay và kế hoạch cho 3 năm tới với nhiều quyết sách quan trọng.
Quốc hội cũng đang chuẩn bị cho kỳ họp thứ 2 được dự kiến sẽ được khai mạc vào ngày 20/11 năm nay. Tuần sau, Quốc hội cũng sẽ có phiên họp thứ ba để chuẩn bị cho kỳ họp quan trọng này.
Để chuẩn bị cho kỳ họp cuối năm, tuần tới Quốc hội sẽ có buổi làm việc quan trọng với Uỷ ban Tài chính, Uỷ ban Ngân sách ngân sách của Quốc hội để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. VCCI là đơn vị sẽ được đặt hàng nhiều ý kiến quan trọng cho các vấn đề này.
Trong bối cảnh đó, theo Chủ tịch Quốc hội hiện nay còn một số việc lớn liên quan đến phát triển kinh tế xã hội. Vì vậy, ở kỳ họp Quốc hội lần tới, Quốc hội sẽ xem xét nhiều dự án luật quan trọng, liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp như Dự thảo Luật Điện ảnh, Dự thảo Luật Kinh doanh Bảo hiểm.
Cũng tại kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ lắng nghe các quyết sách lớn về kinh tế xã hội trong đó có việc đánh giá tác động của Covid-19 tới việc làm sinh kế người dân và tình hình hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp.
“Những vấn đề quan trọng đó rất cần tới tiếng nói, sự góp ý của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Trong thực tế, ở lần sửa các đạo luật quan trọng này, chúng ta đã lắng nghe rất nhiều ý kiến doanh nghiệp và trong mọi quyết sách của Quốc hội. Quốc hội luôn đặt người dân và doanh nghiệp vào vị trí trung tâm”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Báo cáo Chủ tịch Quốc hội, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI, cho rằng cuộc chiến chống Covid-19 đã làm nhiều doanh nghiệp kiệt sức, nhiều lĩnh vực kinh doanh kiệt quệ, tại các khu vực bị ảnh hưởng nặng bởi Covid-19, doanh nghiệp mất hợp đồng, mất dòng tiền, tương lai phía trước là tài chính suy kiệt, lực lượng lao động tan rã.
Việc khôi phục lại sản xuất sẽ là bài toán nan giải, nguy cơ nhiều doanh nghiệp đóng cửa, việc làm không được khôi phục, an sinh xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Do đó, tại cuộc gặp ngày 26/9 với Thủ tướng Chính phủ bàn về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19, VCCI thay mặt cộng đồng doanh nghiệp đã đề xuất hai chủ trương mới.
Thứ nhất, cần nhìn nhận các doanh nghiệp là một chủ thể trong ứng phó Covid-19, từ đó tin tưởng giao quyền và trang bị, nâng cao năng lực y tế tại chỗ cho các doanh nghiệp.
Trong cuộc chiến lâu dài chống Covid-19, chúng ta cần công nhận và cho doanh nghiệp chủ động về y tế tại chỗ, tự xét nghiệm, tự điều trị các ca F0 nhẹ tuỳ theo khả năng, điều kiện của doanh nghiệp, Nhà nước chỉ cần hỗ trợ, hướng dẫn và ban hành các quy định, chính sách phù hợp.
Thứ hai, mặt trận kinh tế vững chắc là nền tảng cho chiến thắng trên mặt trận y tế, do vậy cần có chủ trương kiên quyết bảo vệ, hỗ trợ duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn của doanh nghiệp trong điều kiện sống chung với dịch.
Tại cuộc gặp gỡ hôm nay (07/10), thay mặt giới doanh nhân Việt Nam, ông Công đề xuất thêm, lấy Covid-19 làm động lực thực hiện đột phá trong xây dựng và hoàn thiện thể chế.
Đặc biệt cần chủ động rà soát, kịp thời điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp lý và các quy định, chính sách cho phù hợp với điều kiện “bình thường mới”.
Mạnh dạn phá bỏ ngay những quy định cũ không còn phù hợp, xem xét ban hành các quy định pháp lý đặc biệt, trong thời hạn nhất định, để tạo cơ hội cho doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh, khôi phục tăng trưởng kinh tế và đưa Việt Nam bứt lên giành vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Phản hồi