Phó Thống đốc: Ngân hàng cũng đang ‘đi trên dây’
Trong 9 tháng đầu năm 2021, số doanh nghiệp thành lập mới là 85.000 doanh nghiệp, trong khi số doanh nghiệp giải thể, tạm dừng hoạt động là hơn 90.000 doanh nghiệp. Theo TS. Vũ Tiến Lộc, nguyên Chủ tịch VCCI, đây là lần đầu tiên trong lịch sử thống kê ghi nhận số doanh rời khỏi thị trường lớn hơn số doanh nghiệp thành lập mới. Ý kiến của nhiều chuyên gia cho rằng, gói cứu trợ tốt nhất với doanh nghiệp hiện tại là gói hỗ trợ đến nhanh nhất và giải quyết được vấn đề dòng tiền, nguồn vốn ngắn hạn để doanh nghiệp sống sót qua đại dịch. Hơn lúc nào hết, doanh nghiệp cần được tiếp sức, “hà hơi thổi ngạt” để bật dậy sau quãng thời gian dài gần 2 năm chống chọi với dịch bệnh.
Để làm rõ hơn vai trò của chính sách trong hỗ trợ nền kinh tế vượt qua đại dịch, cũng như quan điểm của cơ quan điều hành chính sách, vận hành mạch máu nền kinh tế trước những đề xuất về giảm lãi suất, phối hợp nhuần nhuyễn giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá để có những gói hỗ hiệu quả cho doanh nghiệp/ nền kinh tế, Nhadautu.vn đã có cuộc trao đổi trực tiếp với Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú.
Thời gian gần đây, có những đề xuất cần phối hợp nhuần nhuyễn và hiệu quả hơn nữa công cụ tài khoá và tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua đại dịch COVID-19. Cũng có ý kiến đề xuất một gói hỗ trợ bằng “tiền tươi thóc thật” khoảng 100 tỷ USD (khoảng 1/4 GDP). Xin ông cho biết ý kiến về vấn đề này?
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú. Ảnh: NHNN
Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Tôi chưa nghe đến đề xuất một gói hỗ trợ lên tới 100 tỷ USD nhưng quan điểm phối hợp nhuần nhuyễn giữa chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ đúng là rất cần thiết. Trong thời gian vừa qua, chính sách tài khoá và tiền tệ cũng đã phối hợp rất chặt chẽ.
Về một gói hỗ trợ lên tới 1/4 GDP, đây là vấn đề rất đại sự quốc gia, vì nó tương đương với dự trữ ngoại hối cả nước hiện nay, dùng để phục vụ công tác điều hành tỷ giá, hoạt động ngoại tệ và chúng ta đã tích luỹ trong nhiều năm mới có được.
Còn quan điểm cần “tiền tươi, thóc thật” bằng cách ngân sách hoặc Bộ Tài chính vay của NHNN thì phải tính toán rất kỹ, cân đối tất cả các nguồn lực trong ngắn hạn hay trung hạn. Riêng về điều hành chính sách tiền tệ, thời gian qua NHNN đã ý thức rất cao về vai trò của chính sách tiền tệ trong hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế. NHNN cũng đã dùng hết dư địa có thể, còn nếu vượt quá khả năng thì cần phải có sự vào cuộc của chính sách tài khoá. Được biết, Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT cũng đang nghiên cứu gói hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế bằng “tiền tươi thóc thật” trong thời gian tới.
Vậy còn về phản hồi của Uỷ ban Kinh tế Quốc hội mới đây cho rằng, năm 2021, giảm lãi suất cho vay còn quá thấp (khoảng 0,5%) so với khả năng của hệ thống ngân hàng, theo ông có còn dư địa cho việc giảm lãi suất trong thời gian tới?
Theo Tổng cục Thống kê, lạm phát 9 tháng năm 2021 là 1,82%. Tuy nhiên, các tổ chức quốc tế, ngay cả Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây đánh giá, năm 2021, lạm phát của Việt Nam sẽ khoảng từ 2,8 – 3,5%.
Hiện lãi suất đầu vào bình quân khoảng 5,5%, trừ lạm phát khoảng 3% thì người gửi tiền mới thực dương được 2,5%. Trong 9 tháng đầu năm, huy động tiền gửi chỉ tăng 4,28% trong khi năm ngoái là 7,35%, tín dụng 9 tháng đầu năm tăng 7,42% cho thấy do giảm lãi suất đầu vào người gửi tiền đã chuyển sang lĩnh vực đầu tư khác. Vì vậy, quan điểm của NHNN là không thể tiếp tục đặt vấn đề giảm lãi suất đầu vào để hạ lãi suất đầu ra. Lãi suất huy động quá thấp có thể dẫn tới việc người gửi tiền rút tiền để mua nhà, vàng, ngoại tệ, tạo sự bất ổn hệ thống. Các NHTM cũng là doanh nghiệp, họ kinh doanh chủ yếu dựa vào huy động tiền gửi của người dân để cho vay ra nền kinh tế, nếu người dân không gửi tiền họ sẽ mất thanh khoản.
Về lãi suất cho vay, với mức lãi suất huy động bình quân 5,5% cộng với 2 – 2,5% các chi phí, lợi nhuận ngân hàng thì lãi suất cho vay ra bình quân khoảng 8%. Hiện lãi suất cho vay theo tính toán của NHNN khoảng 7,5 – 8% là mức lãi suất hợp lý, hài hoà. Dư địa giảm lãi suất hiện chỉ còn ở khả năng các ngân hàng tiết giảm chi phí và cắt giảm lợi nhuận. Với vai trò cơ quan quản lý NHNN chỉ có thể kêu gọi các ngân hàng nỗ lực tiết giảm chi phí, giảm lợi nhuận để hỗ trợ giảm thêm lãi suất cho vay.
Trên thực tế, trong 6 tháng đầu năm nhiều ngân hàng báo lãi lớn nhưng chưa hẳn phản ánh đúng thực tế. Đó mới chỉ là những con số được tính toán trước khi trích lập dự phòng đầy đủ, một phần là dự thu. Đến khi siết lại các quy định về trích lập dự phòng rủi ro thì con số thực sẽ giảm xuống. Cùng với đó, tỷ suất sinh lời 10-12% của ngành ngân hàng không phải là cao so với số vốn mà các nhà đầu tư phải bỏ ra lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng.
Người dân, doanh nghiệp rất ghi nhận nỗ lực giảm lãi suất từ phía ngân hàng trong khoảng gần 2 năm trở lại đây. Tuy nhiên, một bài toán có thể coi là nan giải với doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ là câu chuyện tiếp cận vốn. Trong bối cảnh dịch bệnh, dòng tiền ngưng trệ, vấn đề này càng trở nên khó khăn hơn. Xin ông cho biết, làm sao để có thể vừa hỗ trợ được doanh nghiệp vừa không hạ chuẩn cho vay của ngân hàng như thông điệp của NHNN đưa ra trong thời gian gần đây?
Đặc thù của nền kinh tế Việt Nam là doanh nghiệp kinh doanh 10 đồng như vốn tự có chỉ 1-2 đồng, còn lại là vốn vay ngân hàng, rất khác với các nước phát triển là vốn tự có 70 đồng, vốn lưu động, vay ngân hàng chỉ 30%. Điều này gây áp lực rất lớn cho hệ thống tín dụng Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, doanh nghiệp vốn đã yếu càng trở nên khó khăn, trách nhiệm ngân hàng càng lớn.
Có thể nói hiện các NHTM như đang “đi trên dây”, nghiêng về bên nào quá cũng “chết”. Nếu nghiêng về chiều hướng cứ mở cửa, cấp vốn cho bất kỳ doanh nghiệp nào tới vay thì sau này không thu hồi được nợ, mất vốn, ai sẽ là người chịu trách nhiệm trả tiền cho người gửi? Dẫn tới mất thanh khoản hệ thống, rối loạn nền kinh tế. Còn nếu nghiêng về phía đóng cửa, quy định vay chặt chẽ, để doanh nghiệp chết hàng loạt thì ngân hàng “chơi” với ai? Trong khi theo quy định thì ngân hàng không có quyền từ chối tiền gửi của người dân, vậy huy động tiền về rồi cất vào két hay sao? Vì vậy, vẫn phải cho vay.
Nói vậy để thấy rằng, các NHTM cũng đang rất khó khăn, họ phải giải quyết đồng thời 2 vấn đề. Một là tiền huy động về không thể để yên một chỗ được nhưng ngược lại cho vay không cẩn thận nếu sai phạm có tính chất chủ quan là phải chịu trách nhiệm. Vì vậy, rất cần bài toán tổng thể cho các ngân hàng, cần có những quan điểm, quyết định từ cấp cao hơn cả NHNN. Thậm chí với gói hỗ trợ lãi suất đang được bàn, cần phải đặt ra đối tượng rất cụ thể, là ai, lĩnh vực nào, địa phương nào để ngân hàng hỗ trợ đúng và trúng.
Ngoài ra, cần làm rõ quan điểm, nên hỗ trợ tất cả các doanh nghiệp hay chỉ lựa chọn những doanh nghiệp có khả năng phục hồi, có sức lan toả, nhiều lao động hay hỗ trợ cả những doanh nghiệp đang hấp hối, có thể cấp vốn cho họ vẫn sẽ không tồn tại được, để ngân hàng mất vốn trước rồi mất cả vốn sau? Đây là những vấn đề rất quan trọng để gói hỗ trợ thực thi có hiệu quả và đi đúng hướng.
Xin cảm ơn ông!
Phản hồi