Ông Trịnh Văn Quyết bị bắt, khối ngoại liên tục mua vào cổ phiếu FLC
Tính đến hết phiên giao dịch 31/3, cổ phiếu thuộc nhóm hệ sinh thái của Tập đoàn FLC gồm ROS, AMD, HAI, KLF… tiếp tục giảm sàn phiên thứ 3, tuy nhiên điểm sáng là cổ phiếu FLC lại được khối ngoại mua vào.
Điển hình phiên giao dịch ngày 29/3 khối ngoại mua vào 292.900 cổ phiếu với tổng giá trị giao dịch 3.705 tỷ đồng, chiếm 9% giao dịch mua trên toàn thị trường.
Phiên giao dịch ngày 30/3, khối ngoại tiếp tục mua vào 265.400 cổ phiếu với tổng giá trị giao dịch 3.313 tỷ đồng chiếm 15% giao dịch trên toàn thị trường.
Phiên giao dịch ngày 31/3, khối ngoại vẫn tiếp tục mua vào 370.300 cổ phiếu tổng giá trị giao dịch 4,1 nghìn tỷ đồng… Điều này cho thấy tài sản của Tập đoàn này vẫn hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư ngoại.
Tuy nhiên, theo chuyên gia tài chính – chứng khoán Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam, lại có lời khuyên thẳng thắn: “Tôi không nhận định nhóm FLC là xấu, nhưng nhóm này đang có những vấn đề tiêu cực, và lực chưa lường hết là những người đang nắm giữ FLC thế nào, tâm lý họ đang muốn gì. Đặc biệt, ở phía các công ty chứng khoán có bao nhiêu đơn vị đang “kẹt” hàng vì cho vay margin với FLC đang cần giải chấp, và lượng giải chấp, giá giải chấp là bao nhiêu?
Cổ phiếu FLC có phiên giảm kịch sàn thứ 5 liên tiếp. Ảnh: Quốc Hải
“Đi sâu vào thực tế, có những công ty họ dùng giá chặn. Ví dụ như cho vay không quá 3.000, nhưng cũng có công ty cho vay theo tỷ lệ margin bình thường, có nghĩa là giá càng tăng thì người ta càng được vay nhiều. Cho nên tỷ lệ giải chấp ở những công ty chứng khoán là khác nhau.
Và khi chưa đo lường được khối lượng giải chấp này nên nếu nhà đầu tư mua vào thì khi có thông tin bất lợi tiếp theo, các công ty chứng khoán theo nguyên tắc là phải bảo vệ tài sản của họ, bảo vệ nhà đầu tư của họ thì sẽ bán mạnh, lúc đó sẽ nguy hiểm cho nhà đầu tư”, ông Phương đúc kết.
Hệ sinh thái FLC có gì hấp dẫn?
FLC cũng được biết là chủ hàng trăm dự án bất động sản nổi bật trải dài từ Bắc đến Nam. Trước thời điểm ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố, bắt tạm giam, FLC vẫn liên tiếp công bố kế hoạch đầu tư vào loạt dự án mới và nghiên cứu đầu tư, xúc tiến pháp lý cho gần 300 dự án…
Về quy mô, theo số liệu cập nhật, Tập đoàn FLC có 15 công ty con, 2 công ty liên kết do ông Trịnh Văn Quyết làm Chủ tịch HĐQT.
Chỉ riêng hệ sinh thái của FLC đang niêm yết trên sàn chứng khoán gồm hệ sinh thái FLC và liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết, có thể kể đến những “đại diện” như: FLC (Tập đoàn FLC), ROS (Xây dựng FLC Faros), HAI (Nông dược H.A.I), AMD (Đầu tư và khoáng sản FLC Stone), KLF (Đầu tư thương mại và xuất nhập khẩu CFS), ART (Chứng khoán BOS) và GAB (Đầu tư khai khoáng và quản lý tài sản FLC)…
Đây là những mã chứng khoán thường có thanh khoản và có khối lượng giao dịch khủng trên thị trường. Riêng mã FLC phiên ngày 31/3 có tới 14 triệu cổ phiếu được giao dịch.
Trước lúc ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố, HĐQT FLC đã đặt ra mục tiêu năm 2022 với doanh thu là gần 27.000 tỷ đồng, với lợi nhuận ước tính 2.100 tỷ đồng. Con số này chưa tính thêm hàng không và đầu tư thi công – hai lĩnh vực liên quan mật thiết tới hệ sinh thái FLC.
Nếu bổ sung hai mảng này, kế hoạch doanh thu của Tập đoàn FLC cho toàn bộ hệ thống sẽ là 42.000 tỷ đồng.
Trong đó, cơ cấu doanh thu lớn nhất thuộc về lĩnh vực bất động sản, với mục tiêu hơn 18.000 tỷ đồng, chiếm hơn 67% tổng doanh thu. Các lĩnh vực thương mại, sản xuất, du lịch và các dịch vụ khác dự tính đóng góp gần 33% doanh thu.
Có thể, giới đầu tư vẫn hy vọng, cùng với việc công bố dàn lãnh đạo mới sau khi Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bị khởi tố, cổ phiếu FLC cùng hệ sinh thái của Tập đoàn này sẽ “lội ngược dòng” trở lại bởi tài sản đất đai và hàng loạt các lĩnh vực khác mà đơn vị này đang nắm giữ…
Phản hồi