Ocean Group (OGC) chấp nhận mất hơn 2.500 tỷ nợ khó đòi vì khả năng thu hồi gần như không có
Mới đây, CTCP Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group – mã CK: OGC) công bố tờ trình gửi Đại hội đồng cổ đông công ty liên quan đến phương án xử lý các khoản nợ phải thu khó đòi của công ty.
Theo HĐQT OGC, các khoản nợ phải thu khó đòi của công ty và các công ty con đã tồn tại từ năm 2014 đến nay, các khoản nợ này đều liên quan đến thời kỳ của các lãnh đạo cũ với tính pháp lý phức tạp, hầu hết các khoản nợ không có tài sản đảm bảo, khó có khả năng thu hồi. Công ty đã thực hiện nhiều biện pháp khác nhau để thu hồi các khoản nợ phải thu khó đòi nhưng không hiệu quả.
Năm 2020, ĐHCĐ đã thông qua ủy quyền cho HĐQT xem xét và quyết định việc xoá nợ, bán các khoản nợ phải thu khó đòi đã lập dự phòng và có tuổi nợ trên 3 năm theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán tại ngày 31/12/2019. Trong đó, các khoản nợ phải thu ngắn hạn đã lập dự phòng khoảng 2.158 tỷ đồng và các khoản phải thu dài hạn đã lập dự phòng khoảng 525 tỷ đồng. Tuy nhiên, công ty chỉ bán được 1 khoản nợ hỗ trợ vốn với giá trị thu hồi 10% trên giá trị nợ gốc 40 tỷ đồng.
Đến năm 2022, công ty đã thực hiện thủ tục chào bán công khai 1 số khoản nợ phải thu khó đòi với tổng giá trị nợ gốc khoảng 1.072 tỷ đồng nhưng không có đối tác quan tâm mua nợ.
Nhận định và đánh giá về khả năng thu hồi nợ, HĐQT OGC cho rằng các khoản phải thu khó đòi đã được trải qua quá trình thu hồi kéo dài nhiều năm, khó có khả năng thu hồi và cũng không có đối tác quan tâm mua nơ.
Về trích lập dự phòng rủi ro, các khoản nợ phải thu khó đòi của công ty đều đã được trích lập dự phòng 100% từ khi phát sinh năm 2014 đến nay.
OGC cho biết để thông tin về các khoản nợ phải thu khó đòi được phản ánh một các phù hợp hơn, công ty cần thực hiện việc phân loại và trình bày lại các thông tin này.
Bên cạnh đó, theo thông tư của Bộ Tài chính về hướng dẫn trích lập và xử lý các khoản dự phòng nợ phải thu khó đòi làm cơ sở xác định các chi phí hợp lý hợp lệ cho mục tiêu tính toán nghĩa vụ thuế thu nhập phải nộp thì các khoản nợ phải thu khó đòi của công ty có đủ điều kiện để xử lý như các khoản nợ không có khả năng thu hồi.
Do đó, HĐQT kinh trình ĐHĐCĐ xem xét và phê duyệt đồng ý điều chỉnh đưa ra theo dõi ngoại bảng trên báo cáo tài chính kết thúc ngày 31/12/2021 đối với các khoản nợ phải thu khó đòi đã được trích lập dự phòng 100% với tổng số tiền là 2.553 tỷ đồng, bao gồm:
“Phải thu ngắn hạn của khách hàng” 82 tỷ đồng
“Phải thu ngắn hạn khác” 869 tỷ đồng
“Trả trước cho người bán ngắn hạn” 168 tỷ đồng
“Tài sản thiếu chờ xử lý” 3,5 tỷ đồng
“Trả trước cho người bán dài hạn” 277 tỷ đồng
Việc điều chỉnh theo dõi ngoại bảng sẽ ghi nhận giảm các khoản phải thu trên đây và ghi nhận giảm các khoản “dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi” và “dự phòng phải thu dài hạn khó đòi” tương ứng trên bảng cân đối kế toán tại ngày 31/12/2021. Do các khoản phải thu đã lập dự phòng 100% nên tổng tài sản ngắn hạn, tài sản dài hạn, tổng tài sản, vốn chủ sở hữu của công ty sẽ không bị ảnh hưởng.
Và việc các khoản công nợ được theo dõi ở tài khoản ngoại bảng trên báo cáo tài chính không ảnh hưởng đến việc thực hiện thu hồi công nợ và quyền lợi của công ty đối với các khoản công nợ này.
HĐQT công ty trình ĐHĐCĐ giao và ủy quyền cho HĐQT căn cứ trên tình hình thực tế các khoản công nợ khó đòi trên để điều chỉnh đưa ra theo dõi ngoại bảng trong năm và các năm tiếp theo làm cơ sở lập và trình bày báo cáo tài chính hàng năm của công ty.
Đồng thời, giao cho HĐQT và người đại diện phần vốn của công ty tại các đơn vị thành viên xem xét, phê duyệt việc điều chỉnh đưa ra theo dõi ngoại bảng các khoản nợ phải thu khó đòi đã trích lập dự phòng 100% tại các đơn vị thành viên để lập và trình bày báo cáo tài chính hợp nhất.
Phản hồi