Hồi tháng 7/2021, Nike thông báo hoạt động sản xuất tại Việt Nam đã bị tạm ngưng vì đợt bùng phát dịch Covid-19 và tới nay, các nhà máy vẫn chưa hoạt động trở lại. Điều này tạo thách thức lớn cho ông lớn sản xuất giày thể thao trước mùa mua sắm sắp tới.
Bên cạnh đó, các công ty khác như Yeti, Addidas và RH đều đề cập tới việc nhà máy Việt Nam đóng cửa như những thách thức về chuỗi cung ứng mà họ đối mặt khi sắp bước vào mùa mua sắm.
“Chúng tôi tin rằng tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng của Nike có thể kéo dài cho tới ít nhất là mùa xuân năm 2022”, các chuyên viên phân tích tại BTIG cho biết trong báo cáo. Các nhà máy sản xuất hàng cho Nike tại Việt Nam gần như không sản xuất trong ít nhất 2 tháng qua. Trong năm 2020, các nhà máy tại Việt Nam sản xuất 51% sản lượng giày và 30% sản lượng quần áo của Nike.
BTIG ước tính Nike đã mất 40 triệu đôi giày mỗi tháng vì tình trạng đóng cửa sản xuất tại Việt Nam, tức 80 triệu đôi trong 2 tháng qua.
Các chuyên viên phân tích này ước tính Nike có thể mất tổng cộng 160 triệu đôi giày trong năm nay. Trong năm 2020, các nhà máy tại Việt Nam sản xuất 350 triệu đôi cho Nike.
Các nhà máy này dự kiến hoạt động trở lại trong ngày 15/09 sau 9 tuần đóng cửa sản xuất, theo BTIG.
Thậm chí khi sản xuất trở lại, các chuyên viên phân tích hoạt động sản xuất sẽ khó trở lại 100% công suất vì giãn cách xã hội và cần thời gian để đẩy mạnh sản xuất. Các chuyên viên phân tích dự báo phải mất 5-6 tháng để nhà máy trở lại trạng thái bình thường.
“Theo ước tính, chúng tôi giả định tăng trưởng sản phẩm giày dép có thể giảm 13% và được bù đắp một phần nhờ mức tăng giá bán 3%. Xét tới sự phức tạp trong hoạt động sản xuất giày dép (không dễ dàng như sản xuất quần áo), chúng tôi không tin rằng Nike có thể chuyển sản xuất sang nơi khác”, các chuyên viên phân tích cho hay.
Cổ phiếu Nike nhuốm sắc đỏ trong hai phiên đầu tuần sau khi gã khổng lồ này bị hạ bậc khuyến nghị vì vấn đề chuỗi cung ứng tại Việt Nam.
“Trong quá khứ, cổ phiếu Nike có mối tương quan cao với tăng trưởng doanh số. Vì vậy khi xuất hiện bằng chứng doanh số Nike chững lại, chúng tôi tin rằng trong kịch bản tốt nhất, giá cổ phiếu Nike sẽ đi ngang cho tới khi rõ ràng hơn về vấn đề sản xuất, còn trong kịch bản tệ nhất, giá cổ phiếu sẽ giảm mạnh vì khả năng doanh số giảm mạnh”, BTIG viết trong báo cáo hạ khuyến nghị cổ phiếu Nike.
“Mặc dù Nike trước đây thường xoay sở khá tốt trong những lần bị gián đoạn chuỗi cung ứng, nhưng chúng tôi e rằng vấn đề hiện tại thật sự quá lớn để kiểm soát”, các chuyên viên phân tích tại BTIG cho hay.
Nhiều công ty chuyển sản xuất tới nơi an toàn hơn
Trong tháng 7/2021, Steve Madden đã chuyển 50% hoạt động sản xuất sang Mexico/Brazil và quyết định này đã giúp họ tránh được nhiều rắc rối về chuỗi cung ứng tại châu Á trong 3 tháng vừa qua, theo các chuyên viên phân tích tại BTIG.
Theo CNBC, hãng sản xuất quần áo thể thao Lululemon cũng đang chủ động tìm cách chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Việt Nam.
Ngoài ra, các công ty khác như Victoria’s Secret và Urban Outfitters áp dụng chiến lược đặt thêm hàng tồn kho dự trự trước mùa mua sắm để tránh các rủi ro về chuỗi cung ứng. Trong khi đó, nhiều công ty ứng dụng công nghệ robot trong kho hàng để tránh tiếp xúc trực tiếp giữa người với người.
Phản hồi