Nhìn lại câu chuyện Shark Phú ‘chơi’ chứng khoán: Vì sao ‘với chứng khoán, còn dịch bệnh thì còn cơ hội’?
Một yếu tố hiện càng càng trở nên rõ ràng: cuộc khủng hoảng đã ảnh hưởng đến các doanh nghiệp nhỏ và người làm dịch vụ có thu nhập thấp một cách không đồng đều. Vậy sự khác biệt này có thể giải thích khi đây là khu vực có đóng góp quan trọng cho nền kinh tế thực, nhưng lại không ảnh hưởng quá nhiều đối với thị trường chứng khoán.
Ví dụ, vì thị trường chứng khoán là hướng tới kỳ vọng trong tương lai, nên giá cổ phiếu hiện tại có thể phản ánh sự lạc quan về hiệu quả của vaccine Covid-19 và các thuốc điều trị. Nhiều nhà đầu tư cũng tin rằng thời gian giãn cách sẽ sớm kết thúc. Triển vọng này có thể được xem là hợp lý, hoặc có thể nhà đầu tư vẫn chưa đánh giá đúng tác động nghiêm trọng của đợt dịch lần này, hay kỳ vọng nhiều về hiệu quả vaccine.
Lời giải thích thứ hai có thể là trong thời gian qua, hầu hết chính phủ các nước trên thế giới đều bơm tiền ra rất nhiều để cứu nền kinh tế bị tác động bởi Covid-19. Hầu hết, những chính sách này đều chưa từng diễn ra trước đây. Đặc biệt là ở Hoa Kỳ, chính sách tài khóa và tiền tệ nới lỏng đã được áp dụng mạnh mẽ và xuyên suốt kể từ khi đại dịch bùng nổ.
Lượng tiền được đưa vào nền kinh tế để kích thích tiêu dùng nhưng với tâm lý lo sợ dịch bệnh, phần lớn dòng vốn đưa lại vào thị trường đầu tư. Dòng tiền đó mạo hiểm hơn, tìm kiếm những tài sản mang tính rủi ro cao hơn. Dòng vốn ngoại đổ vào Việt Nam tạo cơ hội cho Ngân hàng Nhà nước mua ngoại tệ, tăng dự trữ. Cộng với lượng nhà đầu tư mới trong nước khi lãi suất ở mức thấp nên dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán rất mạnh, đẩy giá nhiều cổ phiếu tăng vọt.
Một cách giải thích khác mà TS Cấn Văn Lực, Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV nhấn mạnh đó là, lãi suất ngân hàng liên tục xuống thấp cũng khiến nhà đầu tư bỏ tiền vào cổ phiếu hơn là gửi tiết kiệm hoặc đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, nhiều cổ phiếu của các ngành hưởng lợi từ dịch bệnh như công nghệ thông tin, viễn thông, thương mại điện tử, xây dựng… đã tăng giá mạnh.
Thậm chí, việc giãn cách xã hội cũng khiến nhiều người quan tâm đến thị trường chứng khoán hơn, nhất là lợi nhuận từ kênh này hiện hấp dẫn hơn các kênh đầu tư hợp pháp khác.
Mặc dù 3 lời giải thích trên đã lý giải phần nào nguyên nhân giá cổ phiếu tăng vào thời điểm nền kinh tế thực đang bị tác động đáng kể, song xu hướng này cũng đã bỏ lỡ một yếu tố quan trọng: “nỗi đau” kinh tế do Covid-19 gây ra không thể hiện từ các giao dịch chứng khoán.
Những ảnh hưởng này rơi vào các doanh nghiệp nhỏ và chủ sở hữu dịch vụ cá nhân, từ hàng giặt khô đến nhà hàng, quán ăn nhỏ… – khu vực không được niêm yết trên thị trường chứng khoán và nghiêng nhiều hơn về sản xuất.
Theo TS Cấn Văn Lực, hiện nay, tại các quốc gia thế giới, hay cả ở Việt Nam, tính kết nối giữa thị trường chứng khoán và nền kinh tế thực có vẻ lỏng lẻo (thậm chí ngược chiều), khi kinh tế suy thoái hoặc tăng trưởng thấp nhưng chỉ số chứng khoán tăng cao. Điều này tiềm ẩn rủi ro và thiếu bền vững.
Một số doanh nghiệp nhỏ rời khỏi thị trường có thể được xem là một phần trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại thì nhiều doanh nghiệp có năng lực cũng sẽ phải rời thị trường. Điều này có thể tác động phần nào đến các doanh nghiệp lớn, giúp đẩy mạnh vị thế của họ hơn khi thị trường không còn quá cạnh tranh.
Nhìn chung, cho đến khi định giá của thị trường chứng khoán được củng cố bởi sự phục hồi trên diện rộng của nền kinh tế chung, các nhà đầu tư không nên quá “thoải mái” với lợi nhuận ở thời điểm hiện tại. Tương tự như câu thành ngữ những năm 1800 về lực hấp dẫn: “Cái gì được đẩy lên cao, rồi cũng sẽ có lúc đi xuống”.
Phản hồi