Nhân tố mới nhập cuộc chơi xe điện, chưa mơ ngay lợi nhuận
Trong khi doanh số bán xe máy xăng có xu hướng giảm từ đầu năm thì thị trường xe máy, xe đạp điện lại bắt đầu sôi động khi có thêm nhân tố mới gia nhập cuộc chơi.
Doanh nghiệp bồn nước nóng, dược phẩm đổ vốn làm xe điện
Thị trường xe điện hai bánh đang trở nên hấp dẫn các nhà đầu tư mới bất chấp dịch Covid-19 tác động không nhỏ đến sức mua đối với xe xăng truyền thống.
Mới đây, tập đoàn Sơn Hà- một đơn vị chuyên sản xuất thiết bị gia dụng công nghiệp, nước sạch gây bất ngờ với giới kinh doanh xe khi cho ra mắt hai mẫu xe máy điện thương hiệu EVgo made in Vietnam. Nhà máy sản xuất đặt tại Bắc Ninh.
Hai mẫu xe máy điện EVgo C có giá 20,9 triệu đồng và EVgo D giá 21,9 triệu đồng đều dùng ắc-quy, có kiểu dáng khá thời trang, khoẻ khoắn như xe xăng. Về công nghệ, Sơn Hà bước đầu hợp tác sử dụng động cơ không chổi than của Bosch cho hai mẫu xe này.
Hai mẫu xe máy điện EVgo D (giá 21,9 triệu đồng) và EVgo C (giá 20,9 triệu đồng) |
Năm 2020, Master Tran- một doanh nghiệp chuyên phân phối dược phẩm của Đức cũng lấn sân lĩnh vực xe điện 2 bánh khi quyết định rót vốn mở nhà máy cơ điện Thái Hưng. Công ty cũng hợp tác với đơn vị có kinh nghiệm trong lĩnh vực cơ khí ô tô với pháp nhân mới (Công tyThái Bình Hưng Thịnh) nhằm nghiên cứu sản xuất 2 sản phẩm là xe điện Gióng và ô tô điện Gobus. Dự án có tổng vốn lên tới hơn 200 tỷ đồng được đặt tại KCN An Bài, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình.
Tuy nhiên, nếu nói đến doanh nghiệp trái ngành đầu tư xe điện thành công nhất phải kể đến là Vingroup. Năm 2017, tập đoàn chuyên về bất động sản nghỉ dưỡng này đã thành lập VinFast để phát triển công nghiệp ô tô và xe máy điện. Một năm sau, Tập đoàn đã trình làng phiên bản xe máy điện đầu tiên mang thương hiệu Klara, tạo nên đợt sóng mới trên thị trường.
Đến nay Vinfast đã có 4 mẫu xe máy điện bán tới người Việt, trong đó 2 mẫu xe Feliz (giá 25 triệu đồng) và Theon (giá 81,1 triệu đồng) ra mắt đầu năm nay đã chính thức bước chân vào phân khúc xe máy điện bánh lớn, cạnh tranh với mẫu Pega-S.
Nhìn lại 4 năm trở lại đây, xe điện 2 bánh nở rộ và sôi động gấp bội so với lĩnh vực xe máy xăng truyền thông. Những cái tên mới gia nhập thị trường, từ start-up trẻ tuổi đến các thương hiệu xe điện lâu năm cũng tung ra các mẫu xe với nhiều cải tiến kỹ thuật như quãng đường đi trong 1 lần sạc dài hơn, cho phép đạt tốc độ cao hơn.
Năm 2019 là sự góp mặt của xe máy điện Dat Bike, được sản xuất tại nhà máy Weaver ở Bình Dương. Mẫu xe được nghiên cứu bởi một CEO 9x du học từ Mỹ. Hay quen thuộc hơn là Pega với những mẫu xe máy điện có kiểu dáng tương tự như xe SH kèm tuyên bố sẽ cạnh tranh với hai ông lớn Honda, Yamaha.
Cuộc chơi dài hơi
Trong lĩnh vực xe 2 bánh, tiêu thụ xe máy xăng ở Việt Nam đang có xu hướng giảm mạnh theo các năm và dần trở nên bão hòa.
Năm 2020, sản lượng xe máy ở Việt Nam chỉ còn 2,7 triệu xe, giảm tới 16,6% so với năm trước. Sáu tháng đầu năm nay, cả nước tiêu thụ hơn 1,3 triệu xe, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, dự báo dài hạn, đến năm 2024, quy mô thị trường xe máy Việt Nam có thể lùi về mức 2,5 triệu xe/năm thay vì mức 3,2 triệu xe/năm như kỳ vọng trước đây.
Trong phân khúc 2 bánh, nhu cầu về xe điện vẫn phát triển mạnh và được các doanh nghiệp quan tâm đầu tư mạnh.
Ông Hoàng Mạnh Tân, Phó tổng giám đốc Sơn Hà cho biết: “Thị trường xe máy điện chưa lớn nhưng sẽ là cuộc chơi lâu dài của doanh nghiệp. Đây là bước đi tiềm năng vì Việt Nam đang có lộ trình cấm xe máy xăng đi vào nội thành từ 2030.
Ông Tân khẳng định, không dám mơ lợi nhuận lúc này nhưng kỳ vọng sau 5 năm, sản lượng tiêu thụ của xe máy điện EVgo sẽ đạt từ 150 ngàn đến 200 ngàn xe, tới lúc đó mới có lợi nhuận.
Hai mẫu xe máy điện bánh lớn của Vinfast ra mắt đầu năm 2021 |
Theo hãng xe Vinfast, nhu cầu lớn của người dân và chính phủ về việc cải thiện không gian xanh đã tạo động lực cho VinFast tham gia vào lĩnh vực xe máy điện.
Để mở rộng thị trường, thay đổi nhận thức về xe điện của người tiêu dùng Việt, VinFast là thương hiệu đầu tiên chủ động thiết lập hàng nghìn trạm sạc và hoán đổi pin, cùng chính sách thuê pin linh hoạt. Đây có thể coi là bước đi mang tính lâu dài của một doanh nghiệp có lợi thế về vốn.
Thực tế hiện nay thị trường xe máy điện vẫn còn rất nhỏ bé, ước tính chưa bằng 10% thị phần xe máy xăng và cũng chịu ảnh hưởng chung từ khó khăn bởi dịch bệnh.
Anh Nguyễn Trung Hiệp, chủ đại lý xe máy, xe điện có tiếng trên phố Bà Triệu (Hà Nội) nhận định: “Dòng xe máy điện ở Việt Nam đang tập trung ở phân khúc dưới 20 triệu đồng, phù hợp đại đa số người dân. Nhưng hiện nay sức mua đang giảm do tình hình dịch bệnh phức tạp”.
“Tại đại lý của tôi, lượng bán từ đầu năm đến nay cũng đã giảm tới 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này ảnh hưởng mạnh tới các nhà sản xuất nhỏ lẻ”, anh Hiệp nói.
Theo anh Hiệp, thị trường sẽ “tự thanh lọc”, chỉ những “ông lớn” có tiềm lực tài chính mới đủ lực duy trì, phát triển đợi đến giai đoạn bùng nổ dự kiến diễn ra vào cuối thập niên này.
Số liệu thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, năm 2018, cả nước có 39 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe máy điện với tổng sản lượng 212.924 xe. Sang năm 2019, con số tăng lên 40 với sản lượng sản xuất trong cả năm là 237.742 xe.
Nhưng tính đến hết tháng 8/2020, chỉ còn 28 doanh nghiệp còn sản xuất với tổng số 152.710 xe, giảm đáng kể so với năm 2019. Có thể thấy sự sụt giảm liên quan tới dịch Covid-19 nhưng niềm tin vào thị trường vẫn còn, trong đó có cả những doanh nghiệp đầu tư trái ngành.
Đình Quý
Phản hồi