Nguy cơ khan hiếm giả tạo bình oxy y tế
Trước tình hình dịch Covid-19 tăng cao tại một số địa phương, nhiều người dân đã đổ xô đi tìm mua các thiết bị y tế cung cấp khí ô xy để dự trữ nếu chẳng may mắc bệnh.
Bộ Y tế khuyến cáo, người dân không nên mua, tích trữ máy thở, bình khí ô xy vì vừa lãng phí do không thể tự sử dụng được mà còn có thể gây nên sự khan hiếm nguồn cung giả tạo trên thị trường.
Dịch bệnh diễn biến phức tạp, kể từ giữa tháng 7/2021, số ca mắc Covid-19 của cả nước đã đạt mốc trên 3000 ca/ngày, trong đó chỉ riêng TP. HCM chiếm hơn 90% số ca nhiễm. Những con số này vẫn không ngừng tăng lên, đỉnh điểm đạt ngưỡng hơn 7000 ca/ngày, phá vỡ kỉ lục về số ca mắc Covid-19 của nước ta từ đầu trận dịch. Sự nguy hiểm của biến thể Delta cùng với số lượng ca mắc không ngừng tăng lên đã tạo áp lực rất lớn cho khối điều trị, cùng với đó là sự lo lắng của người dân.
Kéo theo câu chuyện đại dịch, ở một số thành phố lớn của nước ta bắt đầu xuất hiện tình trạng người dân tìm mua, tích trữ các thiết bị y tế hỗ trợ hô hấp như: máy thở, thiết bị tạo oxy, đặc biệt là các bình oxy để phòng những tình huống cấp bách. Động thái tích trữ này của người dân đang tạo ra nguy cơ khan hiếm giả tạo nguồn oxy y tế trên thị trường. Bằng chứng là mặt hàng này bắt đầu bị đẩy lên cao, trong khi thực chất nguồn lực cung ứng vẫn rất rồi rào.
Ghi nhận tại phố Phương Mai, con phố chuyên trang biết bị y tế của Hà Nội. Câu trả lời chung nhất chúng tôi nhận được khi hỏi mua bình oxy y tế thời điểm này là hàng hiếm và tăng giá đột ngột.
Theo người này, đây là thời điểm bình oxy khan hiếm, giá bình 8 lít và 40 lít chưa kèm phụ kiện đều tăng dao động khoảng 200 nghìn/1 bình. Không chỉ bình oxy cháy hàng, mà phụ kiện đi kèm cũng tăng giá bất bình thường.Tuy vậy vẫn không thể nhập được hàng trong khi đa số khách hay mua số lượng lớn.
Để sử dụng trong y tế, một bộ bình oxy y tế sẽ bao gồm đồng hồ oxy và dây thở. Trong đó, Đồng hồ oxy là một phần cấu thành của hệ thống cung cấp oxy cho người bệnh. Bao gồm: Khung điều chỉnh, các phần kết nối, bộ đo áp suất, bộ đo lưu lượng, bộ đo độ ẩm và say nasal oxy. Đồng hồ Oxy thở được sử dụng với chức năng kiểm tra áp suất khí oxy trong bình oxy và điều chỉnh lưu lượng bằng thước đo lưu lượng. Bởi vậy, không thể sử dụng bình oxy y tế cho người bệnh nếu không có đồng hồ.
Tại một cửa hàng trang thiết bị y tế khác, ban đầu người bán này cho hay bình oxy không có nhiều, tuy nhiên sau khi ngỏ ý muốn mua số lượng lớn, ngay lập tức chúng tôi được dẫn đến một kho chứa có đủ các loại bình, chỉ sau một cuộc điện thoại, muốn bao nhiêu sẽ có bấy nhiêu, chỉ cần báo trước 1 ngày.
Có thể xuất kho cùng lúc số lượng lớn bình oxy, không rõ mục đích sử dụng, thế nhưng cơ sở này vẫn ép giá lên cao với lí do hàng khan hiếm. Đây cũng là phương thức tương tự chúng tôi ghi nhận được tại một kho cung cấp bình oxy khác ở Đống Đa. Người này cho biết, chỉ cần đặt cọc 50% số tiền hàng thì sẽ có vài trăm bình oxy như mong muốn.
Vấn đề ở chỗ, đầu cơ tích trữ từ người mua đến người bán, mục đích sử dụng không rõ ràng, chính điều này làm cho thị trường bình oxy y tế bị ép giá, rơi vào tình trạng khan hiếm giả tạo, rối loạn trong tiêu dùng.
Trước tình hình dịch căng thẳng, Bộ Y tế cũng đã tiến hành khảo sát và đánh giá năng lực sản xuất oxy tại nước ta, kết quả cho thấy khả năng cung ứng oxy từ các đơn vị sản xuất trong nước cao gấp 30 lần so với nhu cầu hiện nay tại các bệnh viện, do đó nguồn cung cấp khí oxy cho cả nước nói chung hay tại TP.HCM nói riêng đều không thiếu. Vì vậy, việc người dân tích trữ bình oxy không những gây lãng phí, hiệu quả sử dụng không cao mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ.
Oxy là một chất gây cháy nổ, do vậy, điều kiện bảo quản, vận chuyển, kho bãi là hết sức quan trọng. Tuy nhiên, sự chủ quan của nhữngcơ sở trên lại gây ra không ít lo ngại. Khu vực kho chứa tiếp xúc gần nguồn điện, tay không mở van bình oxy hay vận chuyển chất gây cháy nổ trên phương tiện thô sơ, không đảm bảo an toàn. Tai nạn, cháy nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Tích trữ oxy có lẽ là viễn cảnh người dân trông thấy từ bài học chống dịch của Ấn Độ. Tuy nhiên, với khả năng y tế hiện tại của Việt Nam, động thái trên của một bộ phận người dân có thực sự là cần thiết?
Theo tổng kết trên toàn cầu, trong 100 người bị nhiễm covid trên toàn cầu thì 80% sẽ không có triệu chứng gì, hoặc nếu có triệu chứng chỉ có sốt nhẹ, đau mình mẩy, những triệu chứng hết sức thô sơ, những người đó chắc chắn không cần thở oxi. Còn 20% còn lại thì có tổn thương tạng như viêm phổi, tổn thương thận hay một số cơ quan, nhưng trong 20% đó tính trong tổng số thì chỉ có 10% cần thở oxi. Vì vậy việc lưu trữ oxi là không cần thiết. Thậm chí các bạn lưu trữ oxi ở nhà sẽ gây tâm lí bất ổn cho người bệnh.
Trong y khoa, oxy là một loại thuốc, cần sử dụng đúng liều lượng, cách thức theo chỉ định của bác sĩ. Hiện nay, do tác động của môi trường, tại một số quốc gia và Việt Nam nói chung đã từng rộ lên trào lưu mua oxy về thở, với mong muốn cải thiện sức khỏe, tránh bụi mịn, tận hưởng nguồn oxy tinh khiết, kể cả đối với những người có thể trạng bình thường, không mắc các chứng bệnh về hô hấp.
Không dược thở oxy 100% quá 24 tiếng, sẽ gây ảnh hưởng đến mắt, liều lượng phải đảm bảo không gây ngạt cho trẻ, gây viêm nhiễm đường hô hấp do vệ sinh không đúng cách. Phòng bệnh tốt hơn chữa bệnh, vì vậy việc thở oxy hãy để cho ngành y tế giải quyết, chúng ta không nên tích trữ oxy.
Để tránh lãng phí và tích trữ không cần thiết, người dân cần theo dõi những thông tin do Chính phủ cập nhật. Không hoang mang, nóng vội, thực hiện tốt hướng dẫn phòng dịch, quy định 5K của Bộ Y tế, tự bảo vệ bản thân, gia đình và xã hội.
(Theo ANTV)
Phản hồi