Người chơi Axie Infinity: ‘Tôi cảm thấy rất buồn’
Các nhà đầu tư (người chơi) là người chịu tổn hại nhiều nhất trong vụ trộm 600 triệu USD của Axie Infinity.
Sau sự việc blockchain của Ronin bị hack, lấy đi 600 triệu USD, cộng đồng người chơi Axie Infinity trở nên náo loạn và bất an. Hiện tài sản của họ đã bị đóng băng, ngừng giao dịch để chờ khắc phục sự cố.
Tại thị trường Philippines và Việt Nam, hàng loạt những bài đăng trên Twitter và Facebook đều tập trung vào sự kiện này, từ việc phàn nàn tình trạng đóng băng cầu nối và sàn giao dịch, khiến người dùng không thể mua bán các vật phẩm trong game.
“Tôi cảm thấy rất buồn vì những chuyện đã xảy ra”, Joni Watanabe, một người chơi của Axie chia sẻ trên Twitter ngay sau hôm vụ hack diễn ra. Ông đề xuất các lập trình viên của tựa game nên sử dụng đúng giao thức bảo mật và yêu cầu nhà phát hành đưa ra lời giải thích và khắc phục sự cố này.
Sau vụ hack, việc quy đổi số token kiếm được từ game sang các đồng mã hóa hoặc tiền pháp định khác đã bị vô hiệu hóa. Nhóm hacker đã tấn công vào cầu nối Ronin ( Ronin bridge), gây thiệt hại 173.600 Ether và 25,5 triệu USDC.
Ronin Network là vụ hack gây thiệt hại nhiều nhất trong lịch sử thị trường tiền số. |
Cầu nối Ronin là cơ chế phần mềm giúp chuyển token AXS và SLP người chơi kiếm được trong Axie Infinity sang đồng Ether hoặc USDC. Sau đó, họ hoàn toàn có thể chuyển tiền số này sang tiền pháp định.
Nói với chúng tôi, ông Văn Quyến, người chơi Axie Infinity cho biết hiện mạng Ronin đang được bảo trì sau vụ hack, người dùng không thể giao dịch. Do vậy, việc mua bán SLP và AXS trở nên khó khăn.
“Với cá nhân tôi, hiện không thể giao dịch được đồng AXS và SLP nên tôi thấy khá bất tiện. Về trò chơi thì vẫn bình thường. Đồng thời, thị trường đang đi ngang nên cũng không ảnh hưởng gì”, ông Quyến cho biết.
Trong quá trình điều tra vụ hack và khắc phục các lỗ hổng bảo mật, cầu nối Ronin sẽ tạm ngưng hoạt động. Công ty đứng sau Axie Infinity, Sky Mavis cam kết hoàn trả tiền cho người dùng liên quan đến hack. Tuy nhiên, phía nhà phát triển chưa đưa ra bất cứ thông tin cụ thể nào khác.
“Nói một cách dễ hiểu, cầu nối chính là ngân hàng tổng của mạng lưới Ronin. Và nhóm hacker đã cướp đi toàn bộ số đồng ETH và USDC, chưa được sao lưu trên bất kỳ hệ thống nào”, Aleksander Leonard Larsen, Giám đốc điều hành Sky Mavis, cho biết.
Tuy nhà phát triển không tiết lộ cụ thể số lượng người chơi bỏ game sau vụ hack, số liệu từ DappRadar cho thấy khối lượng giao dịch trên Axie Marketplace đã giảm 34% trong 24 giờ gần nhất và giảm 24% trong 7 ngày qua.
“Điều này không đồng nghĩa với việc tựa game sẽ bị gỡ bỏ. Người dùng vẫn có thể tham gia chơi Axie Infinity mà không cần đăng ký giao dịch trên hệ thống chuỗi khối”, Pedro Herrera, chuyên gia phân tích dữ liệu tại DappRadar khẳng định.
Axie Infinity từng hứa hẹn sẽ giúp nhóm người có thu nhập thấp kiếm sống bằng những hoạt động giao dịch trong game. Tuy nhiên, giờ đây, khi toàn bộ số tiền họ tích lũy được bị đánh cắp và ở yên trong thế giới “ảo”, viễn cảnh này trở nên mù mịt hơn bao giờ hết.
“Các nhà đầu tư mạo hiểm không phải là nhóm người chịu nhiều thiệt hại nhất”, Catherine Flick, Phó giáo sư ngành máy tính tại ĐH De Montfort nhận định.
Sau bài đăng thông báo vụ hack trên Twitter của dự án, nhiều người chơi Axie Infinity tại Philippines tỏ ra bức xúc khi số tài sản được lưu trữ trên Katana DEX hiện bị vô hiệu hoá.
Khi truy cập, người dùng sẽ nhận được thông báo nền tảng giao dịch Katana đang bảo trì. |
“Tất cả tài sản của tôi đang được lưu trữ trên Katana. Khi nào sàn mới hoạt động trở lại, liệu số tiền của tôi có an toàn không? Nếu đội ngũ phát hành không trả lời được các câu hỏi này, tôi e rằng Axie Infinity sẽ mất đi lượng lớn người dùng”, tài khoản Twitter có tên @FlyBearrr bình luận.
“Số token AXS, SLP của tôi đều đã bị hack hết. Làm sao các người có thể đền bù những tổn thất này? Sàn giao dịch này quá nhiều rủi ro”, một người dùng khác bức xúc.
Theo Bloomberg, vào tháng 10/2021, số người dùng đang hoạt động của Axie Infinity cán mốc 2,5 triệu người, tăng 1 triệu so với 3 tháng trước. Trong đó, thị trường Philippines chiếm đến 40% lượng người chơi.
Một số người chơi tại Philippines xem Axie Infinity là nguồn thu nhập chính của gia đình. Do vậy, 600 triệu USD bị đánh cắp là một con số quá lớn. Mặt khác, người chơi tại Philippines, thị trường lớn nhất của tựa game, còn phải đối mặt với việc bị thu thuế.
“Chừng nào sự cố trên cầu nối Ronin Bridge chưa khắc phục được thì chừng đó nhóm dân thường có nghĩa vụ phải chăm lo cho gia đình vẫn phải gánh chịu nhiều tổn thất sau vụ hack. Việc ảnh hưởng lên danh mục đầu tư của các tay chơi ‘sừng sỏ’ chẳng là gì so với những hậu quả đến cuộc sống của nhóm người này”, Phó giáo sư Flick khẳng định.
Dominic Lumabi (phải) đang chơi Axie Infinity, kiếm thêm thu nhập để hỗ trợ gia đình ở Manila, Philippines. Ảnh: AFP-JIJI. |
Chia sẻ với chúng tôi, ông Thái Văn An, người chơi Axie Infinity ngụ tại Hà Nội cho biết Katana, sàn giao dịch phi tập trung của Sky Mavis hiện chưa hoạt động, chức năng stake (khóa coin để nhận lãi) SLP và WETH vẫn khóa. Điều này khiến người chơi không thể lấy được WETH để mua thú Axie.
“Toàn bộ AXS, SLP và WETH đều bị khóa và chưa công bố ngày trả thưởng chính thức. Điều này gây tâm lý hoang mang cho người chơi. Tuy nhiên, hiện giá các loại tiền số nói trên chưa giảm sâu vì người dùng không thể rút tiền”, ông An cho biết.
Cộng đồng Axie Infinity cho rằng vụ hack sẽ khiến người chơi mất lòng tin vào tiềm năng kiếm tiền của trò chơi. Họ than phiền khi đội ngũ phát triển không đảm bảo quyền lợi cộng đồng. Cụ thể, việc hoàn trả tiền trên Ronin Bridge mất quá nhiều thời gian so với các vụ tấn công cầu nối trước đó.
Theo ông Văn Quyến, việc giá giảm chưa ảnh hưởng quá nhiều tới khoản đầu tư trước đó bởi giá AXS và SLP gần như chạm đáy suốt thời gian qua.
“Tôi chơi Axie lâu rồi, giá tiền số cũng xuống sâu nên giảm thêm cũng không thấy nghiêm trọng lắm. Hy vọng đội ngũ phát triển sẽ cải thiện cơ chế cung cầu của dự án trong bản cập nhật Axie Infinity: Origin. Theo tìm hiểu của tôi, dự án sẽ có cơ chế đốt đồng SLP hoàn toàn mới để cải thiện giá loại tiền số này trong thời gian tới”, ông Quyến cho biết.
Là một người chơi Axie Infinity, Mạnh Hùng (ngụ TP.HCM) cho biết các giao dịch gửi và rút tiền thông qua mạng lưới Ronin đã tạm ngừng hoạt động. Do đó, ông không thể nạp thêm Ether hay SLP vào game. Mặt khác, sau vụ hack, giá bán các nhân vật trong tựa game này đã giảm mạnh. Vì không thể giao dịch, ông Hùng khó “bắt đáy” thú Axie.
Tham gia vào các hội nhóm cộng đồng chơi Axie Infinity trên mạng xã hội, Mạnh Hùng còn cho biết người chơi đang lan truyền rất nhiều “thuyết âm mưu”. Cụ thể, họ cho rằng vụ trộm chỉ là chiêu trò của nhà phát triển nhằm thu hút sự chú ý của công chúng. Mặt khác, có người lại nói đây là cái cớ để công ty hoãn ngày ra mắt tựa game Axie Infinity: Origin sắp tới.
Bản Axie Infinity: Origin dự kiến ra mắt vào ngày 7/4. Ảnh: AXS. |
Theo nhà đồng sáng lập Sky Mavis, Aleksander Leonard Larsen, nguyên nhân của vụ đánh cắp 600 triệu USD là do hình thức tấn công phi kỹ thuật và sai sót đến từ yếu tố con người. Ông cho biết ưu tiên hàng đầu ở thời điểm hiện tại của Sky Mavis là đảm bảo độ an toàn và bảo mật của Ronin Bridge trước khi mở cổng giao dịch.
Nhưng dù nguyên nhân đằng sau vụ trộm trị giá hàng trăm triệu USD là gì, Hùng vẫn quyết định tiếp tục chơi game, đồng thời không thay đổi cách quản lý ví tiền điện tử của mình. “Tôi hy vọng nhà phát triển sẽ cải thiện bảo mật của mạng lưới Ronin”, Aleksander Leonard Larsen cho biết.
Phản hồi