Ngành thuế hối hả áp hóa đơn điện tử trước mốc 1/7/2022
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 78/2021/TT-BTC về việc hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ.
Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Thuế lập kế hoạch triển khai hóa đơn điện tử theo 2 giai đoạn và đã ban hành các Quyết định về việc triển khai hóa đơn điện tử giai đoạn 1 tại 6 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Phú Thọ, Quảng Ninh, Bình Định.
Nội dung Thông tư số 78/2021/TT-BTC quy định một số nội dung về hóa đơn điện tử gồm ủy nhiệm lập hóa đơn điện tử; mẫu hiển thị các loại hóa đơn điện tử; ký hiệu mẫu số hóa đơn điện tử, ký hiệu hóa đơn điện tử; chuyển đổi áp dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế; áp dụng hóa đơn điện tử đối với một số trường hợp khác.
Đáng chú ý, Thông tư số 78 quy định về hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế.
Ngoài ra, Thông tư cũng nêu rõ tiêu chí lựa chọn tổ chức cung cấp dịch vụ về hóa đơn điện tử để ký hợp đồng cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế và dịch vụ nhận, truyền, lưu trữ dữ liệu hóa đơn và các dịch vụ khác có liên quan.
Dù các quy định mới từ ngày 1/7/2022 mới có hiệu lực, song Tổng cục Thuế khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân đáp ứng điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin áp dụng quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử theo hướng dẫn tại Thông tư này và của Nghị định số 123/2020/NĐ-CP trước ngày 1/7/2022.
Đối với các trường hợp không thực hiện giao dịch với cơ quan thuế bằng phương tiện điện tử, không có hạ tầng công nghệ thông tin, không có hệ thống phần mềm kế toán, không có phần mềm lập hóa đơn điện tử để sử dụng hóa đơn điện tử và để truyền dữ liệu điện tử đến người mua và đến cơ quan thuế, thì sử dụng hóa đơn giấy của cơ quan thuế trong thời gian tối đa 12 tháng, đồng thời, cơ quan thuế sẽ có giải pháp chuyển đổi dần sang áp dụng hóa đơn điện tử.
Để triển khai hóa đơn điện tử theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 quy định về hóa đơn, chứng từ và Thông tư số 78, Tổng cục Thuế yêu cầu: “Cục Thuế các tỉnh, thành phố cần tập trung rà soát, phân loại người nộp thuế là doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh trên địa bàn là đối tượng sử dụng các loại hoá đơn điện tử theo quy định”.
Cục Thuế cần thông báo đến từng doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh về kế hoạch triển khai áp dụng hoá đơn điện tử và sẵn sàng chuẩn bị điều kiện về cơ sở hạ tầng và giải pháp công nghệ thông tin để thực hiện việc lập, chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử đến cơ quan thuế, gửi hóa đơn điện tử cho người mua và các nội dung khác về quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử.
Đồng thời, rà soát và thông báo đến các tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử trên địa bàn về việc triển khai hóa đơn điện tử để các tổ chức chuẩn bị các giải pháp và cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng được việc cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử cho khách hàng theo quy định tại Luật Quản lý thuế, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và Thông tư số 78/2021/TT-BTC.
Cục Thuế các tỉnh, thành phố tổ chức tập huấn cho người nộp thuế và cán bộ thuế các quy định về hóa đơn điện tử tại Luật Quản lý thuế, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và Thông tư số 78/2021/TT-BTC và tổ chức triển khai thực hiện hóa đơn điện tử có kết quả.
Tổng Cục Thuế cũng đã yêu cầu Cục Thuế các tỉnh, thành phố cần công bố đường dây nóng tại Cục và Chi cục thuế. Thường xuyên rà soát, nắm bắt các vướng mắc trong quá trình chuẩn bị và trong thời gian đầu thực hiện hóa đơn điện tử để xử lý ngay các vướng mắc phát sinh tại địa phương.
Nghị định số 123 và Thông tư 78 được đánh giá có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc chuyển đổi phương thức quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử và giúp tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, cho xã hội.
Đối với doanh nghiệp, việc sử dụng hóa đơn điện tử giúp doanh nghiệp giảm chi phí như giấy in, mực in, vận chuyển, lưu trữ hóa đơn… so với sử dụng hóa đơn giấy, giúp doanh nghiệp giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính thuế. Việc sử dụng hóa đơn điện tử tạo sự yên tâm cho người mua hàng hóa, dịch vụ.
Đối với cơ quan thuế và cơ quan khác của nhà nước, việc sử dụng hóa đơn điện tử giúp cơ quan thuế xây dựng cơ sở dữ liệu về hóa đơn. Đồng thời, ngăn chặn tình trạng gian lận thuế, trốn thuế.
Vối với xã hội, việc sử dụng hóa đơn điện tử góp phần khắc phục được tình trạng gian lận sử dụng bất hợp pháp hóa đơn và tình trạng làm giả hóa đơn.
Phản hồi