VPBank lãi hơn 11.000 tỷ đồng quý I/2022, gấp gần 3 lần cùng kỳ
Một nguồn tin từ lãnh đạo VPBank cho hay, lợi nhuận hợp nhất trước thuế quý I/2022 của ngân hàng tăng rất mạnh, có thể đạt hơn 11.000 tỷ đồng, tăng gần gấp 3 lần cùng kỳ năm ngoái (4.000 tỷ đồng). Sự tăng trưởng lợi nhuận này đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi lẫn khoản thu nhập bất thường.
Đây là là mức lợi nhuận cao kỷ lục mà một ngân hàng nói chung và VPBank nói riêng đạt được trong vòng một quý. Với kết quả này, khả năng, lợi nhuận cả năm của VPBank sẽ có sự bứt phá rất mạnh, đứng trong nhóm ngân hàng có lợi nhuận cao nhất thị trường năm nay.
Trong báo cáo về ngân hàng mới đây, Công ty Chứng khoán SSI cũng dự báo, VPBank là một trong 5 ngân hàng có mức tăng trưởng lợi nhuận tốt nhất quý I/2022, nếu tính cả khoản phí trả trước từ hợp đồng bảo hiểm.
Trước đó, trong buổi trao đổi trực tuyến với các nhà đầu tư đầu năm, ban lãnh đạo ngân hàng cũng đã khẳng định sẽ tạo ra những động lực tăng trưởng mới về cả lợi nhuận, quy mô vốn chủ sở hữu và cả quy mô khách hàng trong năm nay.
Một trong những bước đi hiện thực hóa mục tiêu kể trên được VPBank thực hiện đầu tháng Ba vừa qua là gia hạn thỏa thuận hợp tác phân phối bảo hiểm độc quyền với AIA từ 15 năm theo dự định ban đầu thành 19 năm. Nhiều chuyên gia dự đoán VPBank có thể thu về một khoản tài chính đáng kể từ thỏa thuận này, cùng với những lợi ích khác về sau này.
Đầu năm nay, VPBank cũng đã mua lại 97% cổ phần tại Công ty Chứng khoán ASC và đổi tên thành VPBank Securities, đánh dấu sự trở lại của ngân hàng trong lĩnh vực cung cấp các dịch vụ liên quan đến thị trường chứng khoán.
Trong một báo cáo phân tích gần đây, Công ty Chứng khoán MB đã dự báo rằng VPBank sẽ có một năm đột biến về tăng trưởng lợi nhuận.
Theo MBS, khả năng sinh lợi của VPBank có thể đến từ 3 yếu tố. Thứ nhất, tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ giúp gia tăng nhanh chóng lợi nhuận của ngân hàng. Thứ hai, chi phí thấp, minh chứng bởi tỷ lệ chi phí trên thu nhập thấp nhất ngành. Thứ ba, thu nhập ngoài lãi sẽ góp phần vào tăng trưởng nhờ các hợp đồng bancassurance được đàm phán lại và hệ sinh thái phong phú các công ty con.
Tính đến cuối năm 2021, VPBank là một trong những ngân hàng có số vốn chủ sở hữu trong nhóm đầu hệ thống, đạt hơn 86.000 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu tăng đã cải thiện đáng kể độ an toàn vốn và củng cố nền tảng vững chắc cho VPBank. Hệ số an toàn vốn theo chuẩn Basel II của VPBank đạt hơn 14,3%, cao hơn nhiều so với mức 11,7% trong năm 2020
Hiện VPBank đang chuẩn bị bán 15% vốn cho đối tác chiến lược nước ngoài. Thương vụ thành công sẽ giúp ngân hàng có thêm nguồn vốn lớn dồi dào, tạo điều kiện tiếp tục tăng vốn, mở rộng dư địa tăng trưởng.
CEO OCB: Khoản cho vay với FLC không đáng ngại, không có ý định giải chấp cổ phiếu
Việc ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC bị bắt giữ khiến cổ đông nhiều ngân hàng lo lắng, vì một số ngân hàng hiện đang là “chủ nợ” lớn của FLC. Hiện OCB là một trong ba ngân hàng cho vay lớn nhất với FLC, số dư 1.392 tỷ đồng đến cuối năm 2021.
Trao đổi với Báo điện tử Đầu tư – Baodautu.vn, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho hay, các khoản vay của FLC tại OCB chủ yếu là vay đầu tư vào dự án, ngoài ra có một phần cho vay ngắn hạn vốn lưu động với Bamboo Airways, nhưng không nhiều.
|
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc OCB |
Liên quan đến khoản vay được thế chấp bằng cổ phiếu của Bamboo Airways, ông Tùng cho hay, hiện tổng giá trị tài sản đảm bảo bằng bất động sản mà ngân hàng nắm giữ khoảng hơn 2.000 tỷ đồng, lớn hơn rất nhiều so với khoản vay của FLC tại OCB (thông thường ngân hàng chỉ cho vay 70-80% tổng giá trị tài sản đảm bảo). Chính vì vậy, nếu có rủi ro xảy ra, chỉ riêng xử lý tài sản đảm bảo là ngân hàng đã đảm bảo khả năng thu hồi nợ.
Tổng số tài sản thế chấp bằng cổ phần BAV (Bamboo Airways) mà OCB nhận về đảm bảo cho khoản vay chỉ khoảng 100 tỷ đồng – chủ yếu bổ sung thêm tài sản đảm bảo cho khoản vay vốn lưu động và làm tăng trách nhiệm ràng buộc của doanh nghiệp. Quan điểm của ngân hàng luôn luôn là: bất động sản luôn là tài sản đảm bảo chủ chốt, cổ phần chỉ là tài sản bổ sung.
Nhận xét về khách hàng FLC, ông Tùng cho hay, từ trước đến nay, FLC luôn trả nợ đúng hạn, chưa bao giờ xảy ra nợ xấu. Mặc dù lãnh đạo chủ chốt của doanh nghiệp bị bắt là thông tin xấu, song CEO ngân hàng OCB cho rằng, hoạt động của FLC hiện đang khá ổn, giai đoạn khó khăn nhất đã qua.
“FLC có hai lĩnh vực kinh doanh chủ chốt là du lịch nghỉ dưỡng và hàng không. Giai đoạn đáng lo nhất của FLC là năm 2020 và 2021, khi dịch bệnh diễn biến căng thẳng, cả du lịch nghỉ dưỡng và hàng không đều tê liệt. Tuy nhiên, giai đoạn này các hoạt động hàng không và du lịch đều đã khởi sắc. Mặc dù Chủ tịch FLC bị bắt, nhưng doanh nghiệp cũng đã có lãnh đạo mới. Các bộ phận khác của FLC cũng hoạt động bình thường, bao gồm cả Bamboo Airways”, ông Tùng cho hay.
Riêng với cổ phần BAV, theo lãnh đạo OCB, Bamboo Airways là hãng hàng không tốt. Trong bối cảnh nền kinh tế nói chung và ngành du lịch, hàng không nói riêng hồi phục, cổ phiếu BAV không phải là không có giá trị. Vì vậy, đến thời điểm này, OCB không có ý định bán giải chấp cổ phiếu.
“Nói chung, với ngân hàng, thông tin lãnh đạo doanh nghiệp bị bắt là thông tin xấu, chúng tôi sẽ theo dõi sát sao để đảm bảo an toàn vốn cho ngân hàng. Tuy vậy, đến thời khắc này, chung tôi tương đối yên tâm về khoản cho vay với FLC, do tài sản đảm bảo lớn và doanh nghiệp vẫn hoạt động ổn định”, CEO OCB khẳng định.
Trước đó, liên quan tới khoản cho vay với FLC, Sacombank khẳng định, các khoản vay của FLC Group đảm bảo tuân thủ pháp luật và an toàn.
Trong năm 2021, Sacombank đã tham gia tài trợ vốn cho FLC Group, bao gồm Hãng hàng không Bamboo Airways để đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động kinh doanh của khách hàng.
Việc cho vay này cũng phù hợp với chủ trương của Chính phủ đối với việc kích cầu du lịch và hỗ trợ các hãng hàng không sau đại dịch Covid-19.
Hoạt động cấp tín dụng của Sacombank cho nhóm khách hàng FLC Group được thực hiện đúng quy định pháp luật và quy định nội bộ của Sacombank. Các khoản vay có đầy đủ tài sản đảm bảo.
Sacombank cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, FLC Group đang hoạt động bình thường và thực hiện đầy đủ, đúng hạn nghĩa vụ trả nợ theo hợp đồng tín dụng đã ký với Sacombank.
Và như nguyên tắc thông thường trong hoạt động cấp tín dụng đối với các khoản vay có tài sản đảm bảo, trường hợp có phát sinh rủi ro, Sacombank sẽ chủ động áp dụng các biện pháp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định pháp luật để thu hồi nợ, đảm bảo an toàn cho hoạt động của Sacombank.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2021, Tập đoàn FLC có 24.065 tỷ đồng nợ phải trả tại thời điểm 31/12/2021, chiếm 71% và tổng nguồn vốn. Riêng nợ vay và thuê tài chính là hơn 7.205 tỷ đồng, tăng hơn 685 tỷ đồng.
Nợ xấu ngân hàng có nguy cơ bùng lên từ cuối quý III/2022
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 45/NQ-CP thông qua đề nghị xây dựng nghị quyết kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu.
Trước đó, từ giữa năm 2021, Ngân hàng Nhà nước đã báo cáo tác động của Nghị quyết 42/2017/QH14, đồng thời đề nghị xây dựng Luật Xử lý nợ xấu. Tuy vậy, cho đến nay, dự luật xử lý nợ xấu vẫn chưa thành hình, trong khi thời hạn của Nghị quyết 42/2017/QH14 sắp kết thúc. Tình thế cấp bách khiến Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước khẩn trương xây dựng Dự thảo Nghị quyết kéo dài Nghị quyết 42/2017/QH14 để kịp trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp tháng 5 tới.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho hay, năm 2017 (thời điểm Nghị quyết 42/2017/QH14 có hiệu lực), nợ xấu và nợ xấu tiềm ẩn là 7,4%. Sau khi Nghị quyết 42/2017/QH14 ra đời, con số này giảm nhanh về mức 4,4% năm 2019. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 bùng phát khiến tỷ lệ này tăng vọt trở lại mức 7,31% vào cuối năm 2021.
Theo TS. Cấn Văn Lực, nếu Nghị quyết 42/2017/QH14 không được gia hạn, thì nợ xấu có thể dềnh lên từ cuối quý III/2021.
Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định, nếu không gia hạn Nghị quyết 42/2017/QH14 sẽ xảy ra tình trạng nợ xấu mới chồng nợ xấu cũ. Tổ chức tín dụng nếu không có Nghị quyết 42/2017/QH14 sẽ phải đối mặt với khó khăn lớn vì khách hàng chây ỳ trả nợ, quá trình xử lý nợ kéo dài (vì không còn được thực hiện quyền thu giữ tài sản đảm bảo, không được áp dụng thủ tục tố tụng rút gọn tại tòa, khó chuyển nhượng các dự án chưa có giấy chứng nhận…).
Ông Phan Thanh Hải, Phó tổng giám đốc BIDV cũng lo lắng cho hay, chỉ trong 4 năm (2018-2021), hiệu quả xử lý nợ xấu của BIDV tăng vọt kể từ khi Nghị quyết 42/2017/QH14 có hiệu lực, số thu nợ đã chiếm 67% tổng thu nợ 10 năm trở lại đây. Tuy nhiên, nếu nghị quyết này không tiếp tục được gia hạn, thì nguy cơ nợ xấu tăng lên của các ngân hàng là rất lớn, ảnh hưởng đến cung ứng vốn cho nền kinh tế.
Theo Dự thảo Nghị quyết về kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu mà Ngân hàng Nhà nước công bố, thời hạn nghị quyết này sẽ được kéo dài thêm 3 năm (đến năm 2025). Tuy nhiên, nhiều ngân hàng thương mại cho rằng, đây chỉ là giải pháp tạm thời. Về lâu dài, các ngân hàng thương mại cổ phần kỳ vọng, Chính phủ và Quốc hội sẽ sớm xây dựng Luật Xử lý nợ xấu. Nguyên nhân là, bản thân Nghị quyết 42/2017/QH14 còn rất nhiều vướng mắc, nếu chỉ gia hạn thì vẫn chưa giải quyết triệt để khó khăn của các tổ chức tín dụng.
Luật hóa Nghị quyết 42/2017/QH14 cần quan tâm về khung pháp lý thị trường mua bán nợ, xem xét quy định hoán đổi nợ thành cổ phần và hướng đến xử lý nợ gắn liền tái cơ cấu chủ thể đi vay. Điều này sẽ giúp các nhà đầu tư (trong và ngoài nước) an tâm mua, bán các khoản nợ xấu và tài sản bảo đảm, đồng thời nâng cao ý thức trả nợ của các khách hàng.
“Việc ban hành Luật Xử lý nợ xấu là rất cần thiết vì sẽ bổ sung nhiều quy định còn thiếu và giải quyết được xung đột của nhiều luật khác nhau”, ông Hải kiến nghị.
Tuy vậy, bên cạnh xây dựng Luật Xử lý nợ xấu, các chuyên gia cũng cho rằng, cần sớm có giải pháp thúc đẩy thị trường mua bán nợ phát triển và coi đây là kênh chính để xử lý nợ xấu, chứ không cần các cơ chế đặc thù.
Theo số liệu của TS. Cấn Văn Lực, trong 2 năm Covid-19, nợ xấu của một số ngân hàng châu Âu thậm chí còn giảm do hoạt động bán nợ được đẩy mạnh. Trong khi đó, ở Việt Nam, thị trường nợ vẫn trong giai đoạn sơ khai.
“Cần hướng tới xem nợ xấu là hàng hóa có chiết khấu hấp dẫn và được định giá. Mọi hoạt động xử lý nợ có thể chuyển thành mua bán nợ, theo đó, tổ chức mua nợ sẽ tiếp nhận vấn đề thu hồi nợ, xử lý tài sản đảm bảo, hoặc tham gia tái cơ cấu”,TS. Châu Đình Linh nêu ý kiến.
Tín dụng vọt tăng, tiền chảy vào bất động sản
Tín dụng tháng 3/2022 đột ngột tăng mạnh, trong khi một số ngân hàng thông báo “hãm phanh” tín dụng bất động sản. Điều đó cho thấy, dòng vốn nóng những tháng đầu năm đang đổ vào lĩnh vực này.
Giá bất động sản không ngừng tăng từ đầu năm đến nay, sốt đất diễn ra tại nhiều địa phương trên cả nước, khiến người dân ồ ạt đổ vốn vào lĩnh vực này. Tín dụng ngân hàng quý I/2022 cũng tăng hơn 4%, gấp 2,5 lần mức tăng cùng kỳ năm ngoái, riêng tín dụng tháng 3/2022 tăng tới hơn 2%.
Trong bối cảnh sức cầu của nền kinh tế vẫn phục hồi chậm (CPI bình quân quý I/2022 tăng 1,92%, chủ yếu do giá lương thực, xăng dầu tăng, không phải do sức cầu tăng), nhiều khả năng, tín dụng tăng mạnh không phải do nhu cầu vay sản xuất, kinh doanh phục hồi.
“Sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhưng tín dụng vẫn tăng trưởng tốt. Điều này chứng tỏ dòng tiền chủ yếu đi vào bất động sản”, ông Lã Giang Trung, Tổng giám đốc Passion Investment nhận định.
Việc một số ngân hàng mới đây thông báo tạm dừng hoặc hạn chế cho vay bất động sản khiến nhận định trên càng có cơ sở. Cụ thể, mới đây, Sacombank và Techcombank đã chỉ đạo tạm dừng hoặc hạn chế cho vay bất động sản. Trong đó, Sacombank ngừng cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản từ nay đến hết tháng 6/2022. Còn Techcombank tạm dừng giải ngân các khoản vay mua bất động sản đã có giấy chứng nhận và vay thứ cấp mua bất động sản kể từ ngày 25/3/2022, yêu cầu các đơn vị dời lịch giải ngân sang ngày 1/4/2022.
Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank cho biết, hạn mức tín dụng được tạm cấp trong năm 2022 không nhiều, Ngân hàng sẽ hạn chế cho vay bất động sản để tập trung vốn vào các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ…
Dù vậy, nhiều chuyên gia phán đoán, đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước mới cấp tạm room tín dụng ở mức thấp cho các ngân hàng và có thể đang xem xét nới thêm room. Những ngân hàng nào tập trung cho vay lĩnh vực ưu tiên sẽ có nhiều lợi thế. Chính vì vậy, có thể, một số ngân hàng thương mại tạm hãm phanh cho vay bất động sản chính là để đợi cấp room mới. Năm ngoái, Ngân hàng Nhà nước cũng cấp room tín dụng thận trọng đầu năm, sau đó lần lượt có thêm 2 đợt nới room tín dụng cho các ngân hàng, dựa trên khả năng tăng trưởng cũng như chất lượng tín dụng của các ngân hàng.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhưng tín dụng quý I/2022 vẫn tăng trưởng tốt có thể do dòng tiền chủ yếu chảy vào lĩnh vực bất động sản
TS. Cấn Văn Lực nhận định, thời gian qua, do mặt bằng lãi suất cho vay rẻ, người dân tăng vay mua nhà, sửa nhà, đầu tư nhà đất. Cho vay mua nhà, sửa nhà tăng 15-16%, trong khi tín dụng kinh doanh bất động sản chỉ tăng 7-8%.
“Hiện nay, tổng dư nợ cho vay bất động sản khoảng 2 triệu tỷ đồng, chiếm 20% tổng dư nợ tín dụng cả nền kinh tế. Trong đó, có 65% dư nợ tín dụng bất động sản là vay mua nhà, sửa nhà. Tất nhiên, có sự nhập nhèm giữa vay mua nhà, sửa nhà với đầu cơ bất động sản, nhưng tỷ trọng không đáng ngại”, TS. Cấn Văn Lực khẳng định.
Mặc dù vậy, nhiều ý kiến cũng cảnh báo, rất có thể, cho vay bất động sản cao hơn con số báo cáo do lẩn khuất trong tín dụng bán lẻ, trái phiếu doanh nghiệp. TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia ngân hàng cho rằng, tình trạng ngân hàng cho vay sân sau bất động sản (đặc biệt là qua trái phiếu doanh nghiệp) đang cao kỷ lục. Trong khi đó, giá đất trên thị trường lại tăng vọt hơn một năm gần đây và nhiều phân khúc có dấu hiệu bong bóng.
“Nếu bong bóng bất động sản thực sự xảy ra, thanh khoản thị trường sẽ đóng băng, an toàn hệ thống ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng, vì hầu như toàn bộ tài sản đảm bảo của ngân hàng là bất động sản”, TS. Lê Xuân Nghĩa cảnh báo.
Điều đáng mừng là thời gian qua, ngân hàng hầu như không tham gia cho vay đầu tư đất nền, phân khúc sốt ảo nhất hiện nay. Tuy vậy, một khi bong bóng bất động sản xuất hiện, toàn bộ thị trường sẽ bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư cũng tỏ ra lo ngại khi một số doanh nghiệp bất động sản lớn đang bị cơ quan chức năng để mắt tới. Nếu ông chủ các dự án bất động sản lớn này vướng vòng lao lý, thì hàng ngàn sản phẩm bất động sản có nguy cơ đình đốn, tiềm ẩn nguy cơ vỡ trận cho cả thị trường, gây thiệt hại lớn cho cả nhà đầu tư và ngân hàng.
Mặc dù thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã nỗ lực kiểm soát chặt tín dụng lĩnh vực rủi ro và làm sạch quan hệ sở hữu chéo của ngân hàng với doanh nghiệp sân sau, song theo các chuyên gia, mối quan hệ này ngày càng phức tạp và không dễ kiểm soát.
“Ngân hàng Nhà nước đang có các cơ chế kiểm soát tín dụng bất động sản khá hiệu quả, song để tăng hiệu lực quản lý, cần tiến hành kiểm tra, giám sát chặt chẽ hơn nữa để hướng tín dụng chảy vào sản xuất”, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh khuyến nghị.
Áp lực lạm phát gián tiếp làm tăng lãi suất huy động
Ông Trịnh Bằng Vũ, Giám đốc Khối Cho vay khách hàng cá nhân (Ngân hàng Shinhan Việt Nam) cho rằng, tín dụng cá nhân sẽ tiếp tục gia tăng trong những tháng tới trên cơ sở các nhu cầu về vay vốn tiêu dùng, mua xe, mua và sửa chữa nhà… của người dân được dự báo tiếp tục tăng trong các tháng còn lại của năm.
Nền kinh tế Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia có độ mở cao, nên những biến động bên ngoài (như nguyên vật liệu, hàng tiêu dùng nhập khẩu tăng giá, vấn đề đứt gãy, gián đoạn chuỗi cung ứng…) sẽ tác động nhất định đến cung – cầu ngoại tệ và tỷ giá hối đoái, chứ không tác động nhiều đến lãi suất.
Tuy nhiên, biến động tăng giá của các yếu tố bên ngoài (như xăng dầu) sẽ tác động tiêu cực đến lạm phát trong nước, theo đó, sẽ gián tiếp làm tăng lãi suất huy động do cơ chế lãi suất thực dương, từ đó sẽ làm tăng lãi suất cho vay.
Nhận định của ông về xu hướng lãi suất cho vay cá nhân (để mua xe, nhà, tiêu dùng) trong quý II/2022 cũng như trong nửa cuối năm nay, ông Bằng cho rằng, tùy vào mỗi thời điểm, lãi suất cho vay cá nhân của các ngân hàng có xu hướng tăng hoặc giảm phụ thuộc vào các yếu tố đầu vào như chi phí vốn, chi phí vận hành, chi phí quản lý… và các yếu tố đầu ra như lợi nhuận mục tiêu, trần tăng trưởng tín dụng…
Hiện nay, nhiều yếu tố đầu vào của các ngân hàng có xu hướng tăng như lãi suất huy động, chi phí quản lý, vận hành… Trong khi đó, áp lực về lợi nhuận và cơ chế trần tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước vẫn không thay đổi, nên lãi suất cho vay cá nhân có xu hướng tăng trong các tháng còn lại của năm.
Lãi suất đang thiết lập mặt bằng mới?
Theo số liệu tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước, trong 2 tháng đầu năm nay, thị trường tiền tệ, tín dụng tương đối ổn định. Đến ngày 25/2/2022, tín dụng tăng 2,52% (trong đó tín dụng VND tăng 2,34%, ngoại tệ tăng 3,96%).
Đáng chú ý, tăng trưởng dư nợ của các ngân hàng trên địa bàn TP.HCM khá tích cực trong 3 tháng đầu năm nay. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM cho biết, 3 tháng đầu năm 2022, tín dụng trên địa bàn ước tăng 3,65% và 13,1% so với cùng kỳ, đáp ứng nhu cầu vốn cho phục hồi kinh tế.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM cho hay, hoạt động tín dụng tăng trưởng tích cực và đáp ứng nhu cầu vốn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, đáp ứng nhu cầu vốn cho phục hồi, tăng trưởng kinh tế. Trước đó, đến cuối tháng 2/2022, tổng dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước đạt trên 2,9 triệu tỷ đồng, tăng 2,65% so với cuối tháng 2021 và tăng 12% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, bình quân mỗi tháng, tăng trưởng dư nợ tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn TP.HCM tăng hơn 1,2% và riêng tháng 3/2022 tăng 1%. Trong đó, theo ông Lệnh, ở một số ngành lĩnh vực như công nghiệp chế biến – chế tạo, du lịch – khách sạn, nhà hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao hơn. Cụ thể, nhóm ngành công nghiệp chế biến – chế tạo tín dụng tăng trên 5%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 9,58%; vận tải kho bãi tăng 9,06%; khai khoáng tăng 6% so với cuối năm 2021…
Các ngân hàng cũng cho hay, tín dụng tăng trưởng theo hướng tích cực trong quý đầu năm nay. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng tín dụng của MB tính đến thời điểm hiện tại vào khoảng 10%. Đó cũng là lý do ông Lưu Trung Thái, Phó chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc MB cho hay, lợi nhuận hợp nhất trong quý I/2022 của Ngân hàng đạt khoảng 5.500 tỷ đồng. Lãnh đạo MB cũng cho biết, đã được Ngân hàng Nhà nước giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng tạm thời là 15% và kỳ vọng sẽ được nới thêm trong thời gian tới.
Cầu vốn tăng cao cùng với áp lực từ các kênh đầu tư khác như vàng, chứng khoán, bất động sản ấm… đã khiến các ngân hàng điều chỉnh lãi suất tiền gửi tiết kiệm tăng 0,3-0,2% trong 2 tháng trở lại đây. Mức cao nhất trên thị trường lên 7,6%/năm thuộc về Ngân hàng SCB với kỳ hạn 13 tháng. Saigon Bank cũng vừa điều chỉnh tăng lãi suất huy động ở nhiều kỳ hạn. ACB và VietCapitalBank cũng tăng lãi suất tiết kiệm cho kỳ hạn ngắn ở mức 0,1 – 0,2%/năm…
Ngân hàng Nhà nước cho hay, tính đến cuối tháng 1/2022, tổng phương tiện thanh toán toàn nền kinh tế đạt hơn 13,7 triệu tỷ đồng, tăng 2,59% so với cuối năm 2021. Đây là tháng tiền gửi của người dân tăng mạnh nhất trong nhiều tháng trở lại đây, trong khi tiền gửi của tổ chức kinh tế sụt giảm hơn 68.000 tỷ đồng, tương đương giảm 1,21%, xuống hơn 5,57 triệu tỷ đồng… Thế nhưng, so với tốc độ tăng trưởng tín dụng, thì huy động tiết kiệm vẫn khá chậm. Cụ thể, theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 25/2, huy động vốn của ngành ngân hàng chỉ tăng 1,29% so với cuối năm 2021.
Các nhà phân tích của Công ty SSI cho rằng, nhiều khả năng, lãi suất đang thiết lập mặt bằng mới, cao hơn nhiều so với bình quân trong năm 2021 trước áp lực tín dụng hồi phục trong năm 2022.
Công ty Chứng khoán BVSC nhận định rằng, với áp lực lạm phát ngày càng hiện hữu, mặt bằng lãi suất đã chạm đáy và tốc độ tăng lãi suất trong thời gian tới sẽ phụ thuộc vào tốc độ phục hồi của nền kinh tế và lạm phát.
Trong khi đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước bà Nguyễn Thị Hồng vừa ban hành kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ. Về lãi suất, định hướng của Ngân hàng Nhà nước là điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ, phối hợp đồng bộ với các công cụ chính sách tiền tệ khác, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5% – 1% trong 2 năm 2022 và 2023, nhất là đối với lĩnh vực ưu tiên.
Chính phủ đề nghị được kéo dài chính sách thí điểm xử lý nợ xấu thêm 2 năm
Chiều 31/3, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã họp phiên toàn thể thẩm tra tờ trình của Chính phủ về kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Phát biểu khai mạc, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, qua sơ kết 3 năm thực hiện cho thấy Nghị quyết 42 vẫn hoàn toàn đúng định hướng, có tác động tích cực, tỷ lệ nợ xấu đã giảm, ý thức trách nhiệm của người vay tiền đã tốt hơn.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được còn một số vướng mắc cần xem xét tổng kết để xử lý, nhằm xử lý hiệu quả hơn nợ xấu. Nghị quyết 42 đã yêu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật để luật hoá vấn đề này. Tuy nhiên, ông Thanh cho biết, đến ngày 29/3 mới nhận được hồ sơ và hồ sơ cũng chưa hoàn thiện yêu cầu nêu trên.
Trình bày tờ trình, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh nêu rõ, qua gần 5 năm thi hành Nghị quyết số 42/2017/QH14 đã mang lại những chuyển biến tích cực trong công tác xử lý nợ xấu, góp phần không nhỏ vào kết quả công tác cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020.
Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đến 31/12/2021 là 412,7 nghìn tỷ đồng, giảm 6,32% so với cuối năm 2020 và giảm 17,21% so với ngày 14/8/2017.
Lũy kế từ 15/8/2017 đến 31/12/2021, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 380,2 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42/2017/QH14.
Trong đó, xử lý nợ xấu nội bảng là 196,9 nghìn tỷ đồng (chiếm 51,79% tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 đã xử lý). Xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán xác định theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 là 100,8 nghìn tỷ đồng (chiếm 26,51% tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 đã xử lý). Xử lý các khoản nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 đã bán cho VAMC được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt là 82,5 nghìn tỷ đồng (chiếm 21,70% tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 đã xử lý).
Tổng số nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 được xử lý từ 15/8/2017 đến 31/12/2021 đạt trung bình khoảng 5,67 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn khoảng 2,15 nghìn tỷ đồng/tháng so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình tại thời điểm trước khi Nghị quyết số 42/2017/QH14 có hiệu lực (trung bình từ năm 2012 – 2017, hệ thống các tổ chức tín dụng xử lý được khoảng 3,52 nghìn tỷ đồng/tháng).
Phó thống đốc Nguyễn Kim Anh cho biết, trước khi có Nghị quyết số 42/2017/QH14, nợ xấu của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng chủ yếu được xử lý bằng dự phòng rủi ro, các biện pháp xử lý nợ xấu thông qua xử lý tài sản bảo đảm và khách hàng trả nợ còn chưa cao.
Tuy nhiên, kể từ khi Nghị quyết số 42/2017/QH14 có hiệu lực, xử lý nợ xấu nội bảng thông qua hình thức khách hàng trả nợ tăng cao, từ 15/8/2017 đến 31/12/2021, xử lý nợ xấu nội bảng xác định theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 thông qua hình thức khách hàng trả nợ là 148,0 nghìn tỷ đồng (chiếm 38,93% tổng nợ xấu theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 đã xử lý), cao hơn nhiều so với tỷ trọng nợ xấu được xử lý do khách hàng tự trả nợ/tổng nợ xấu trước khi Nghị quyết số 42/2017/QH14 có hiệu lực (tỷ trọng nợ xấu được xử lý do khách hàng trả trung bình năm từ 2012-2017 nợ/tổng nợ xấu là khoảng 22,8%).
|
Chính phủ đề nghị kéo dài Nghị quyết 42 thêm 2 năm |
Có thể nói Nghị quyết số 42/2017/QH14 đã tạo cơ chế xử lý hiệu quả, kiểm soát chặt chẽ các khoản nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm các khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định.
Phó thống đốc Nguyễn Kim Anh đánh giá, khi hết hiệu lực thi hành, toàn bộ cơ chế về xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 đang được thực hiện sẽ chấm dứt, việc xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan, không được ưu tiên áp dụng một số chính sách được quy định tại Nghị quyết số 42/2017/QH14.
Điều này sẽ tác động lớn đến quá trình xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng/VAMC, cũng như quá trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng. Những cơ chế, chính sách hỗ trợ xử lý nợ xấu không được tiếp tục triển khai sẽ không khuyến khích, không huy động được các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia cơ cấu lại các tổ chức tín dụng.
Việc thiếu hụt cơ chế, chính sách khuyến khích để hỗ trợ tổ chức tín dụng, VAMC xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm cũng sẽ kéo dài quá trình xử lý nợ xấu. Các khoản nợ xấu đang xử lý theo Nghị quyết số 42/2017/NQ14 sẽ chuyển sang việc xử lý theo quy định của pháp luật có liên quan sẽ gây khó khăn cho tổ chức tín dụng khi tiếp tục xử lý khoản nợ xấu đó, dễ dẫn đến việc phát sinh những tranh chấp giữa tổ chức tín dụng và khách hàng.
Bên cạnh đó, các khó khăn, vướng mắc, bất cập, xung đột pháp lý giữa các văn bản quy phạm pháp luật ngành ngân hàng với các văn bản quy phạm pháp luật khác (đặc biệt liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu) nếu không được tiếp tục thực hiện thí điểm theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 sẽ ảnh hưởng lớn đến tiến trình xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng, đặc biệt ảnh hưởng đến quá trình xử lý tổ chức tín dụng yếu kém. Do đó, cần thiết phải tiếp tục duy trì các chính sách hiệu quả mà Nghị quyết số 42/2017/QH14 mang lại nhằm đẩy nhanh việc xử lý nợ xấu, tránh những tranh chấp phát sinh trong thực tiễn.
Vì thế, Chính phủ đề nghị được kéo dài thời hạn thực hiện toàn bộ quy định của Nghị quyết 42 trong thời hạn 2 năm, từ ngày 16/8/2022 đến hết ngày 15/8/2024.
Chính phủ cũng đề xuất Quốc hội cho phép áp dụng trình tự thủ tục rút gọn và thông qua Nghị quyết kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 tại 1 kỳ họp vào tháng 5/2022.
Phản hồi