Từ vụ việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp (DN) của nhóm công ty thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh, nhiều vấn đề về lỗ hổng pháp lý cũng như những rủi ro mà nhà đầu tư phải đối mặt khi rót tiền mua trái phiếu đã đặt ra.
Phải xếp hạng tín nhiệm trái phiếu doanh nghiệp
Ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế quốc gia NH Phát triển châu Á (ADB), nhìn nhận trái phiếu DN của Việt Nam tăng trưởng rất mạnh trong năm 2021. “Rất nhiều DN đua nhau phát hành trái phiếu, kể cả những DN vừa và nhỏ trong khi thông tin về trái phiếu DN và tài sản bảo đảm chưa vững chắc. Còn với nhà đầu tư, không phải nhà đầu tư nào cũng có kinh nghiệm, còn mang tính tâm lý số đông. Ở cả 2 phía, sự sẵn sàng về thông tin, sự chủ động chưa ở mức có thể bảo đảm cho sự phát triển trái phiếu DN bền vững. Ngoài ra, việc đánh giá tín nhiệm của DN phát hành trái phiếu chưa thực sự phát triển” – ông Cường phân tích.
Theo chuyên gia này, trong bối cảnh đó, một mặt Việt Nam nên khuyến khích phát triển của trái phiếu DN, mặt khác cần nhanh chóng xây dựng hệ thống pháp lý cũng như kỹ năng, kiến thức của cả người phát hành lẫn nhà đầu tư để có thể phát triển được thị trường trái phiếu DN. Điều quan trọng nhất là tập trung bảo đảm một thị trường cạnh tranh lành mạnh, cho dù là DN nhà nước hay DN tư nhân. Bên cạnh việc cải cách DN nhà nước, xu hướng tập trung vào quản lý thị trường, đặc biệt là hạn chế sự thao túng thị trường của các tập đoàn lớn cũng rất quan trọng.
Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam, ông Andrew Jeffries, cũng đặc biệt lưu ý tầm quan trọng của việc xếp hạng trái phiếu DN theo mức độ rủi ro, sức mạnh về tài chính của cơ quan phát hành trái phiếu. ADB đang làm việc với các cơ quan xếp hạng tín nhiệm trong nước và quốc tế với mong muốn tìm kiếm nhiều hỗ trợ hơn trong lĩnh vực rất quan trọng này.
Cùng quan điểm với ADB, luật sư Nguyễn Thanh Hà (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng cần thiết bổ sung quy định về xếp hạng tín nhiệm đối với một số loại trái phiếu phát hành. Quy định này khi được ban hành sẽ tăng tính công khai, minh bạch, góp phần nâng cao chất lượng trái phiếu được phát hành, đồng thời giúp thị trường có thói quen sử dụng kết quả xếp hạng tín nhiệm để đánh giá rủi ro của trái phiếu. “Với xếp hạng tín nhiệm, thị trường sẽ tiệm cận thông lệ quốc tế, hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư” – luật sư Hà nói.
Một chuyên gia tài chính cho rằng việc đẩy mạnh phát triển thị trường trái phiếu DN là hướng đi đúng để phát triển thị trường vốn, giảm áp lực cho thị trường tiền tệ. Trong giai đoạn tín dụng bị siết chặt, các ngân hàng phải giảm tỉ lệ cho vay trung và dài hạn, các DN khó tiếp cận vốn thì trái phiếu là “phao cứu sinh” cho DN. Tuy nhiên, hiện nay, Việt Nam chưa có công cụ bảo vệ nhà đầu tư mua trái phiếu. Các DN phát hành trái phiếu riêng lẻ theo đúng quy định của pháp luật nhưng không có Trung tâm Thông tin trái phiếu DN nên nhà đầu tư rất khó có thể nắm bắt được lịch sử phát hành hoặc trả nợ của nhà phát hành để đánh giá rủi ro của trái phiếu. Do vậy, Bộ Tài chính cần nhanh chóng đặt ra các yếu tố ràng buộc về công cụ đánh giá tín nhiệm để nhà đầu tư xem xét, tránh rủi ro.
Dự án tòa nhà Tân Hoàng Minh tại Hà Nội. Ảnh: MINH CHIẾN
Cần thêm công cụ bảo vệ nhà đầu tư
Nhắc lại vụ việc Tân Hoàng Minh, chuyên gia tài chính – ThS Nguyễn Anh Vũ cho rằng quy định pháp luật liên quan đến phát hành trái phiếu tại Luật Chứng khoán cũng như tại Nghị định 153/2020/NĐ-CP đã nêu rất rõ ràng, phù hợp với Luật Chứng khoán và phù hợp với thông lệ quốc tế về các quy trình, thủ tục phát hành trái phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư. “Trong câu chuyện phát hành trái phiếu thì đơn vị tư vấn phát hành, công ty kiểm toán phải chịu trách nhiệm về các vấn đề liên quan đến công việc của mình. Đơn vị phát hành phải chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của hồ sơ phát hành và sử dụng vốn đúng như mục đích đã công bố. Điều quan trọng là nhà đầu tư trái phiếu phải chủ động phân tích, đánh giá, lựa chọn để hạn chế rủi ro cho khoản đầu tư của mình” – ThS Anh Vũ phân tích.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Tài chính đánh giá tốc độ phát triển nhanh của thị trường trái phiếu đã phát sinh những rủi ro ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường. Thời gian qua, Bộ Tài chính liên tục khuyến cáo nhà đầu tư cá nhân cần cẩn trọng, không nên mua trái phiếu DN riêng lẻ nếu không có khả năng và nguồn lực để đánh giá đầy đủ rủi ro của trái phiếu và theo sát tiến độ giải ngân, mục đích sử dụng vốn, tình hình tài chính của DN phát hành sau khi đầu tư mua trái phiếu.
Ngày 8-4, Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục hoàn thiện pháp luật và tăng cường quản lý, giám sát để phát triển thị trường trái phiếu DN an toàn, hiệu quả. Bộ đã đánh giá, rà soát và xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 153 theo hướng tăng cường tính công khai, minh bạch, giảm thiểu rủi ro phát sinh, nhằm mục tiêu phát triển thị trường trái phiếu DN bền vững, đồng thời kiến nghị Chính phủ, Quốc hội tiếp tục sửa Luật Chứng khoán, Luật DN trong thời gian tới. Nghị định đang được hoàn thiện để gửi Bộ Tư pháp thẩm định trình Chính phủ ban hành.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà kiến nghị trong quá trình sửa đổi, bổ sung Nghị định 153, cơ quan soạn thảo cần xem xét sửa đổi quy định về mục đích phát hành trái phiếu nhằm tăng cường trách nhiệm và nghĩa vụ của DN phát hành trong việc sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu đúng mục đích. Bên cạnh đó, cần sửa đổi một số quy định về thời hạn và nội dung công bố thông tin, tăng tính minh bạch của DN phát hành trái phiếu và việc sử dụng vốn sau khi huy động. Cùng với đó là đẩy nhanh việc thiết lập thị trường giao dịch trái phiếu DN riêng lẻ tại Sở Giao dịch Chứng khoán để các nhà đầu tư chuyên nghiệp tăng tính thanh khoản; tăng tính công khai, minh bạch, phục vụ quản lý, giám sát đối với các trái phiếu đưa vào giao dịch trên thị trường thứ cấp.
Đã triển khai hơn 30 đoàn kiểm tra
Bộ Tài chính cho biết đã chỉ đạo các cơ quan chức năng thuộc bộ tăng cường công tác thanh tra, giám sát nhằm chấn chỉnh và xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động phát hành và cung cấp dịch vụ về trái phiếu DN. Từ năm 2019 đến nay, bộ đã triển khai hơn 30 đoàn kiểm tra tại các DN phát hành, công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại và đã xử phạt vi phạm hành chính, yêu cầu các biện pháp khắc phục hậu quả tại một số DN.
Bộ cũng thường xuyên cảnh báo các rủi ro trên thị trường và đưa ra các khuyến nghị đối với từng đối tượng tham gia trên thị trường trái phiếu DN. Bộ Tài chính nêu rõ, với các DN phát hành trái phiếu DN, việc vi phạm quy định về công bố thông tin, sử dụng vốn sai mục đích đã công bố – ngoài việc bị xử lý vi phạm theo quy định có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây thiệt hại cho nhà đầu tư. Đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ, cần tuyệt đối tuân thủ pháp luật trong việc cung cấp thông tin đầy đủ, minh bạch, chính xác cho nhà đầu tư, bảo đảm tư vấn để DN phát hành tuân thủ quy định của pháp luật; xác định đúng đối tượng nhà đầu tư chuyên nghiệp mua trái phiếu. Việc tổ chức cung cấp dịch vụ chào mời, phân phối trái phiếu DN cho nhà đầu tư không phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp hoặc dùng các hình thức lách quy định của pháp luật cũng sẽ bị xử phạt nghiêm.
Phát hành trái phiếu riêng lẻ giảm mạnh
Báo cáo của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho thấy trong 3 tháng đầu năm, các đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ của DN đã hạ nhiệt so với cùng kỳ năm ngoái. Trong tháng 3-2022 chỉ có 2 đợt phát hành trái phiếu DN ra công chúng và 10 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ với tổng giá trị 2.130 tỉ đồng. So với cùng kỳ năm ngoái, giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ giảm khá mạnh: 24,17% so với cùng kỳ, chỉ đạt 30.998 tỉ đồng.
Người phụ trách khối tài chính một ngân hàng cổ phần tại TP HCM cho biết ngân hàng ông chưa tham gia thị trường trái phiếu DN vì đánh giá rủi ro của phân khúc này ở khá cao. Đặc biệt, sau những biến cố liên quan đến đợt hủy các lô trái phiếu của nhóm công ty Tân Hoàng Minh vừa qua, ngân hàng càng cân nhắc việc tham gia thị trường trái phiếu DN thời điểm hiện tại.
Phản hồi