Nâng hạng, giấc mơ thập kỷ của chứng khoán Việt Nam
Gần đây nhiều nhà chức trách cùng nhiều nhà đầu tư tổ chức, cá nhân cùng các chuyên gia nói nhiều về việc nâng hạng thị trường chứng khoán từ thị trường cận biên sang thị trường mới nổi. Tuy nhiên, đây là câu chuyện không mới, từng được đưa ra bàn luận, mổ xẻ rất nhiều nhưng đến nay vẫn là giấc mơ mang tầm thập kỷ của chứng khoán Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trong chuyến thăm Mỹ hồi tháng 5 đã chứng kiến lễ trao hai văn kiện trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, quỹ đầu tư. Cụ thể là hợp tác giữa Ủy ban Chứng khoán nhà nước (SSC) và NYSE về hỗ trợ nâng hạng thị trường, xây dựng cơ chế để các nhà đầu tư tham gia hai thị trường chứng khoán. Tại đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự tọa đàm bàn tròn với các CEO của một số tập đoàn và quỹ đầu tư hàng đầu của Mỹ như Blackstone, JPMorgan, Deutsche Bank, Goldman Sachs, Herbalife, Verizon… Đây là những doanh nghiệp đã và đang quan tâm đến việc đầu tư tại thị trường Việt Nam.
Sau đó, trong hàng loạt các cuộc họp, toạ đàm, talkshow câu chuyện về nâng hạng thị trường được đưa ra với thông điệp mạnh mẽ. Mới đây nhất, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, người mới được giao trọng trách điều hành Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước sau loạt những bê bối kỷ luật lãnh đạo vừa qua đã giao nhiệm vụ cho UBCKNN tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí, chủ động đề xuất với Bộ Tài chính để trao đổi, làm việc với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan để thị trường chứng khoán Việt Nam sớm được xem xét nâng hạng từ thị trường cận biên lên mới nổi.
Nâng hạng thị trường là tiến trình tất yếu trong sự phát triển và hội nhập của thị trường chứng khoán về dài hạn. Hiện, quy mô vốn mà các quỹ có thể phân bổ cho các thị trường cận biên chỉ khoảng 95 tỷ USD, còn quy mô vốn dành cho các thị trường mới nổi đang vào khoảng 6.800 tỷ USD. Như vậy, nếu được nâng hạng lên thị trường mới nổi, Việt Nam cũng có thể đón nhận tới hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ USD đổ vào thị trường.
Giấc mơ mang tầm thập kỷ
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán bước vào nhịp điều chỉnh, chốt phiên giao dịch ngày 3/6, VN-Index vẫn mất giá 16% so với đỉnh 1.524 điểm hồi đầu tháng 4. Trong bối cảnh không có nhiều tin tức hỗ trợ, nhà đầu tư cần vài thứ để kỳ vọng và nâng hạng thị trường chứng khoán lại được đem ra để nhà đầu tư kỳ vọng về dài hạn. Nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam là bài toán đã được đưa ra cách đây hàng chục năm, mỗi năm lại nổi lên một thời gian rồi lại “chìm” đi. Cứ thế, hàng chục năm nay, giấc mơ nâng hạng cứ gieo lên hy vọng rồi vụt tắt. Suốt 1 thập kỷ qua, nhà đầu tư vẫn mơ về một giấc mơ nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam. Đến nay, đó vẫn chỉ là giấc mơ!
Nói về nâng hạng thị trường chứng khoán trong đại hội cổ đông thường niên năm 2022, ông Nguyễn Duy Hưng – Chủ tịch Công ty Chứng khoán SSI nói rằng đây là câu chuyện nhiều năm rồi và việc nâng hạng hay không phụ thuộc chính sự quyết tâm của các nhà chức trách Việt Nam.
Sở dĩ vị Chủ tịch SSI nói như vậy bởi vì việc nâng hạng phụ thuộc rất nhiều vào các rào cản, điều kiện triển khai của cơ quan quản lý, đặc biệt là của Chính phủ.
Theo thông báo của tổ chức FTSE Russell vào tháng 4/2022, Việt Nam tiếp tục nằm trong danh sách tiềm năng nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. MSCI vẫn xếp Việt Nam trong nhóm thị trường cận biên. FTSE Russell đã nhận thấy Uỷ ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã có nhiều cuộc đối thoại với các thành viên thị trường và có các sáng kiến để cải thiện khung pháp lý, cũng như thực tiễn thanh toán. Tuy nhiên, việc nâng hạng vẫn chưa có nhiều tiến triển do các tiêu chí chưa đạt.
UBCKNN đã có nhiều buổi làm việc với MSCI, FTSE Russell để trao đổi, chia sẻ, làm rõ các thông tin liên quan đến thị trường chứng khoán Việt Nam, nhưng những cải tiến để đi đến những bước tiến nâng hạng chưa có gì nhiều trong hơn 1 năm qua.
Theo bộ tiêu chí FTSE Russell, thị trường chứng khoán Việt Nam đã thỏa mãn 7/9 tiêu chí nâng hạng. Tiêu chí “Chu kỳ thanh toán-DvP” bị đánh giá “hạn chế” do nhà đầu tư phải ký quỹ đủ tiền mặt trước khi đặt lệnh và tiêu chí “Thanh toán – Tỷ lệ hiếm khi giao dịch thất bại” không được đánh giá do yêu cầu thanh toán (ký quỹ trước) hiện tại dẫn tới việc khả năng giao dịch thất bại gần như không tồn tại.
Theo bộ tiêu chí của MSCI, Việt Nam vẫn còn 9/17 tiêu chí cần phải cải thiện như: Giới hạn sở hữu nước ngoài tại lĩnh vực có điều kiện; Thị trường chứng khoán bị ảnh hưởng đáng kể bởi room khối ngoại; Quyền bình đẳng đầu tư nước ngoài liên quan thông tin Tiếng Anh và room sở hữu; Mức độ tự do hóa thị trường ngoại hối; Đăng ký mở tài khoản phải có chấp thuận VSD; Quy định thị trường và dòng thông tin bằng Tiếng Anh; Thanh toán bù trừ không có thấu chi và ứng trước tiền…
Theo giới chuyên gia trong nước, trong số các tiêu chí để nâng hạng trên, các tiêu chí khó nhất đó là Tự do thị trường ngoại hối; Thanh toán bù trừ không có thấu chi và ứng trước tiền; Nới room ngoại. Đây là những “nút thắt” khá chặt chẽ của chứng khoán Việt Nam.
Thứ nhất, về tự do thị trường ngoại hối, hiện Việt Nam vẫn chưa có thị trường nội tệ ở nước ngoài và còn nhiều hạn chế ở thị trường nội tệ trong nước. Tự do ngoại hối được hiểu là cho các nguồn vốn nước ngoài và trong nước tự do luân chuyển, tạo sự hấp thụ có hiệu quả các nguồn vốn từ bên ngoài để phát triển kinh tế, mở rộng giao lưu kinh tế thương mại với các nước trên thế giới, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng.
Thứ hai, về thanh toán bù trừ có thấu chi và ứng trước tiền được hiểu đơn giản là giao dịch T0, điều này chứng khoán Việt Nam chưa đáp ứng được. Hiện, tiền mua cổ phiếu phải thanh toán ngay trong ngày của tài khoản người mua nhưng cổ phiếu thì 3 ngày sau mới về đến tài khoản người bán. Hệ thống KRX với hứa hẹn cho giao dịch T0 vẫn chưa được hoàn thiện dù đã nhiều năm triển khai. Tuy nhiên, chúng ta có thể kỳ vọng hệ thống mới sớm đi vào vận hành, giải quyết nút thắt này.
Thứ ba, giới hạn sở hữu đầu tư nước ngoài. Việc sở hữu của nhà đầu tư ngoài với các doanh nghiệp không thuộc danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện tại Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được mong mỏi của nhà đầu tư nước ngoài. Rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam hấp dẫn khối ngoại nhưng bị hạn chế bởi tỷ lệ sở hữu khối ngoại, số lượng cổ phiếu lưu hành, sở hữu nhà nước… Chính vì thế, kể cả nâng hạng nhà đầu tư nước ngoài cũng không thể đẩy mấy trăm triệu USD hoặc tỷ USD hoặc một số tiền lớn vào những cổ phiếu như thế.
Theo HSBC, để được MSCI và FTSE nâng hạng lên thị trường mới nổi, Việt Nam phải đáp ứng một số điều kiện. Các vấn đề chính nổi cộm gồm: giới hạn sở hữu nước ngoài, thiếu thông tin công bố bằng tiếng Anh, chưa có thị trường nội tệ ở nước ngoài và còn nhiều hạn chế trên thị trường nội tệ trong nước, đăng ký tài khoản bắt buộc, ký quỹ khi giao dịch và hạn chế trong chuyển quyền sở hữu ngoài hệ thống giao dịch.
Không thể phủ nhận chứng khoán Việt Nam có quy mô vốn hoá lớn ngang với nhiều nước trong khu vực, thanh khoản từng vượt thị trường Singapore và chỉ xếp sau Thái Lan. Đặc biệt, Việt Nam cũng có những doanh nghiệp lớn tầm cỡ khu vực. Tuy nhiên, thị trường Việt Nam vẫn xếp trong nhóm cận biên do chưa đáp ứng những tiêu chí như trên.
Chủ tịch FiinGroup Nguyễn Quang Thuân, tại Talkshow Phố Tài chính nói rằng câu chuyện về thị trường Việt Nam như là võ sĩ hạng nặng nhưng đang thi đấu ở hạng cân nhẹ hơn là điều rất rõ. Việc nâng hạng, nó giống như việc chúng ta đưa hàng hóa của Việt Nam lên một siêu thị trên thế giới để nhà đầu tư có thể một cách thoải mái phân bổ tiền vào. Dù có một số điểm cần phải cải thiện, nhưng về cơ bản do ý chí của chúng ta nhiều hơn và với sự chỉ đạo của Chính phủ, Việt Nam sẽ sớm thực hiện được mục tiêu nâng hạng thị trường.
“Chứng khoán Việt Nam như một võ sĩ hạng nặng thi đấu ở hạng nhẹ, quy mô của hạng nhẹ hiện đang ở khoảng 95 tỷ USD. Và trong đó các quỹ được MSCI khuyến nghị phân bổ khoảng 30% cho thị trường Việt Nam trong rổ đấy, đương nhiên các quỹ sẽ không phân bổ hết 30% đó vì thị trường vẫn ở hạng nhẹ. Còn nếu Việt Nam thi đấu ở hạng trung mới nổi thì quy mô của hạng này là 6.800 tỷ USD và chỉ cần 1% phân bổ đấy thôi thì đã có 68 tỷ đô vào thị trường. Và thông thường dòng tiền sẽ vào thị trường trước khi công bố nâng hạng, giống như các thực trạng đã diễn ra ở Pakistan, ở Ả Rập Xê Út hay Kuwait”, ông Thuân nói.
Tuy vậy, ông Thuân cũng phân tích, việc nâng hạng không phải tất cả đều có lợi khi chúng ta nâng hạ lên mới nổi. Chẳng hạn, để nâng hạng, các tổ chức như MSCI sẽ yêu cầu việc tự do hối đoái, tỷ giá dịch chuyển vốn thì mình sẽ chấp nhận đến đâu? Những dòng vốn mà nhanh vào thì nó cũng gây xáo trộn cho thị trường tiền tệ, thị trường tỷ giá.
Nhiều tiêu chí chứng khoán Việt Nam chưa đạt để được nâng hạng theo tiêu chí của FTSE và MSCI
Tích cực gỡ “nút thắt” giúp thị trường nâng hạng sớm
Theo lãnh đạo UBCKNN, để đảm bảo sự kết nối thông suốt với các tổ chức xếp hạng, cơ quan quản lý sẽ tiếp tục tích cực trao đổi, thảo luận với các bên liên quan về các chính sách, thực tiễn thị trường và các giải pháp liên quan. Đồng thời, UBCKNN trao đổi với các cơ quan bộ ngành, hiệp hội, thành viên thị trường và các nhà đầu tư nhằm tháo gỡ các vấn đề liên quan nhằm được nâng hạng.
Bên cạnh đó, UBCKNN sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan để xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật Đầu tư 2020, đặc biệt là các nội dung về ngành, nghề và điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài; tăng cường công khai, minh bạch về tỷ lệ sở hữu nước ngoài để nhà đầu tư tiếp cận thông tin đầy đủ, nhanh chóng, kịp thời; nghiên cứu và đưa chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết vào thị trường giao dịch.
Lãnh đạo UBCKNN cho biết thêm, thời gian tới, cơ quan quản lý sẽ phát triển, đa dạng hóa và gia tăng chất lượng các sản phẩm trên thị trường chứng khoán để thu hút nhà đầu tư nước ngoài và cơ sở hạ tầng liên quan như: phát triển và đa dạng các sản phẩm phái sinh, đa dạng hóa các loại hình quỹ đầu tư chứng khoán; tăng cường quản trị công ty, công bố thông tin về môi trường – xã hội – quản trị (ESG) để gia tăng chất lượng cổ phiếu; nghiên cứu phát triển các sản phẩm liên quan đến nội dung xanh và phát triển bền vững.
Phản hồi