Năm 2022, sẽ thanh tra doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội trên toàn quốc
Nội dung này được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nhấn mạnh trong hướng dẫn công tác thanh tra năm 2022 vừa ban hành.
Theo đó, đối với lĩnh vực bảo hiểm xã hội, trong năm 2022, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai chiến dịch thanh tra trên phạm vi toàn quốc. Đặc biệt, sẽ tập trung thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội đối với các doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội, các cơ sở giáo dục (chú trọng các trường đại học, cao đẳng) trên địa bàn quản lý.
Lĩnh vực lao động, an toàn, vệ sinh lao động, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật lao động; các quy định về cấp phép và cho thuê lại lao động; việc sử dụng lao động nước ngoài làm việc tại địa phương.
Trong lĩnh vực người có công, từ năm 2022, bắt đầu triển khai toàn quốc thanh tra việc xác lập hồ sơ bệnh binh và hồ sơ thương binh. Tiếp tục thanh tra toàn diện việc thực hiện chính sách đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học tại các địa phương chưa thực hiện tự kiểm tra, rà soát hoặc tự kiểm tra, rà soát chưa đạt yêu cầu.
Với lĩnh vực trẻ em, Thanh tra ngành Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan tập trung thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, chú trọng đối tượng là trẻ em tại cộng đồng theo Quyết định số 1863/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2020- 2025…
Đối với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật giáo dục nghề nghiệp tại các cơ quan, đơn vị, cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Trong đó, chú trọng việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp tại các địa phương; cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và thanh tra các Sở thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật giáo dục nghề nghiệp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Bên cạnh đó, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch Covid-19, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề nghị các địa phương không tiến hành thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp hoạt động đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Đồng thời, hạn chế tối đa các cuộc thanh tra tại doanh nghiệp; chỉ tiến hành thanh tra tại các doanh nghiệp có nguy cơ cao về tai nạn lao động như lĩnh vực xây dựng, khai thác khoáng sản, sản xuất xi măng…
Phản hồi