Chứng khoán là thị trường của sự kỳ vọng, nhà đầu tư không mua thực tế mà họ mua kỳ vọng. Tuy nhiên, kỳ vọng nào là có cơ sở, kỳ vọng nào có phần thái quá và rủi ro với các nhà đầu tư là gì?
Ví dụ như nhóm ngành thủy sản, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu tháng 8 giảm 36%; hay nhóm dệt may da giày, tháng 8, hàng dệt và may mặc giảm 9,2%; giày dép các loại giảm 38,5%.
Theo đại diện 2 hiệp hội ngành này, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng đang ở ngay trước mắt do giãn cách xã hội kéo dài.
Tuy nhiên, theo kỳ vọng đầu tư, ngành có đang khó, nhưng cổ phiếu vẫn tăng. Tính từ đầu tháng 8 đến nay, nhiều cổ phiếu thủy sản và dệt may tăng 25 – 30%, thậm chí nhiều cổ phiếu hiện đang giao dịch ở vùng đỉnh mọi thời đại.
Cộng đồng đầu tư đều hiểu rằng kết quả quý 3 xấu đã được phản ánh vào đợt giảm giá tháng 7. Câu chuyện đang có sự phân hóa, khi hiện nhiều doanh nghiệp dệt may, thủy sản không chịu ảnh hưởng và vẫn bận rộn với các đơn hàng quốc tế, thậm chí còn thầu thêm cả đơn hàng từ vùng có dịch.
Còn ở bức tranh chung, nếu kỳ vọng dịch được kiểm soát trong tháng 9 sau khi được tiêm phủ vaccine, trong quý 4 này, cả ngành dệt may và thủy sản sẽ có cơ hội tăng tốc trở lại.
Tuy nhiên kỳ vọng cũng có thể là câu chuyện được một nhóm lợi ích, môi giới “thêu dệt” để nhà đầu tư vào tiền. Trong một tháng qua, nhóm cổ phiếu dược nóng hơn cả với kỳ vọng các doanh nghiệp được cấp phép nhập khẩu vaccine ngừa COVID-19 sẽ “ăn nên làm ra”.
Tuy nhiên, trả lời báo chí mới đây, một trong số doanh nghiệp được Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu vaccine ngừa COVID-19 cho biết, thực tế đối với việc nhập khẩu ủy thác thuốc điều trị COVID-19 trong chương trình tài trợ/viện trợ để chung tay cùng Chính phủ và Bộ Y tế điều trị bệnh nhân COVID-19, công ty không tính đến mục tiêu lợi nhuận. VMD-Vimedimex tăng trần 18 phiên liên tiếp hiện đang rơi tự do nhiều phiên liên tục, bên cạnh đó là hàng loạt cổ phiếu y dược ăn theo “con sóng” tăng không rõ ràng về bản chất như DHT, TW3… cũng tụt dốc, “thả trôi” nhiều nhà đầu tư.
Quản trị tâm lý để hạn chế rủi ro đầu cơ
Đôi khi một câu chuyện là đủ chất xúc tác để tạo “sóng” trên thị trường chứng khoán, không chỉ ở một vài nhóm kể trên mà còn rất nhiều nhóm ngành khác. Trong bối cảnh thông tin phổ cập, nhóm chat tràn lan, nhà đầu tư nghe rất nhiều về kỳ vọng để mua cổ phiếu. Tuy nhiên khi càng nhiều cơ hội tiếp cận thông tin, nhà đầu tư càng cần phải cẩn trọng để hiểu được đang đi mua kỳ vọng hay mua theo tin đồn.
Tháng 8 vừa qua là tháng có số tài khoản chứng khoán mở mới nhiều thứ nhì trong lịch sử, với hơn 120.500 tài khoản, chỉ xếp sau tháng 6 năm nay.
Giống như quả bóng tennis, VN-Index đã có những phiên giảm mạnh chỉ trong 2 tháng qua, sau đó cũng hồi phục mạnh. Tháng 7, VN-Index có đợt giảm gần 200 điểm, sau đó lại hồi phục hơn 150 điểm. Chỉ 1 tháng sau đó, VN-Index lại giảm mạnh gần 100 điểm, sau đó hồi phục lại 70 điểm. Có thể thấy, thị trường nhiễu động như hiện nay không dành cho những nhà đầu tư yếu tim.
“Mình cảm thấy khổ sở, mất ngủ, không biết định hướng thị trường thế nào. Mình quyết định tạm dừng chơi chứng khoán ở đây và củng cố lại kiến thức”, anh Trần Nam Anh (nhà đầu tư) chia sẻ.
“Dòng tiền vào dòng cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ mang tính ngắn hạn, vào nhanh nhưng cũng rút ra cũng nhanh nên nhà đầu tư cần đặc biệt lưu ý vấn đề này”, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Kinh tế Vĩ mô và Chiến lược thị trường, Công ty chứng khoán VNDirect, cho hay.
“Chúng ta nhận thấy có những cổ phiếu chưa tốt về mặt kết quả kinh doanh cũng tăng giá rất mạnh, ăn theo những cổ phiếu đầu ngành và những cổ phiếu được hưởng lợi có kết quả kinh doanh tích cực”, ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán Kiến Thiết, cho biết.
Nhà đầu tư đôi khi chấp nhận mạo hiểm với cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ vì cơ hội tại các cổ phiếu vốn hóa lớn thời gian qua không nhiều.
Theo các chuyên gia, thị trường càng nhiễu động, càng đòi hỏi phương pháp đầu tư bài bản, quyết đoán, nhưng đầu tư theo thông tin, đầu tư theo cảm xúc, thậm chí đầu tư theo kiểu may rủi vẫn là tình trạng không hiếm gặp trên thị trường.
2 phương pháp đầu tư chứng khoán
Trong đầu tư chứng khoán có 2 phương pháp trang bị kiến thức là kỹ thuật và cơ bản. Kỹ thuật là đầu tư theo biểu đồ giá và khối lượng, kèm theo các chỉ báo đã được xây dựng sẵn trên hệ thống. Còn cơ bản là nhà đầu tư phải xem báo cáo tài chính, xem doanh nghiệp làm ăn có tốt không. Tuy nhiên, đa phần nhà đầu tư và môi giới thiên về kỹ thuật hơn, thậm chí là không cần cơ bản.
“Nhiều nhà đầu tư áp dụng phân tích kỹ thuật, khi đó họ chỉ nhiều biểu đồ giá cổ phiếu, thấy biểu đồ đẹp, đang trong xu hướng tăng và bỏ tiền vào, không có sự suy xét, đánh giá các yếu tố nội tại bên trong doanh nghiệp đó. Thông thường người ta nói rằng phân tích cơ bản sẽ giúp nhà đầu tư có thể lựa chọn cổ phiếu đúng đắn, nhưng phân tích kỹ thuật có thể hỗ trợ cho nhà đầu tư trong việc tìm điểm mua và bán.
Ngoài ra, chúng ta phải hiểu được yếu tố về ngành, yếu tố vĩ mô tác động đến giá cổ phiếu, chiến lược kinh doanh và tài chính của doanh nghiệp, từ đó kết hợp các phương pháp phân tích để xây dựng cho mình chiến lược đầu tư chứng khoán một cách cụ thể chúng ta mới có hy vọng thành công trên thị trường”, ông Phan Lê Thành Long, Giám đốc Viện Kế toán Quản trị Công chứng Australia (CMA Australia) tại Việt Nam cho hay.
Câu chuyện dòng tiền không khác một dòng nước, khi dòng chảy lớn là bluechips tạm thời bị tắc do tác động từ dịch bệnh, tiền cũng sẽ bị đẩy sang các nhánh nhỏ hơn để tìm lối thoát kiếm lợi nhuận. Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia, khi dòng chảy chính được khơi thông, nhất là khi nhiều cổ phiếu lớn và cổ phiếu ngân hàng có dấu hiệu quay trở lại, “con sóng dữ” tại nhiều cổ phiếu vốn hóa vừa vả nhỏ sẽ hạ cao độ rất nhanh và phân hóa, đặc biệt là ở những cổ phiếu có kết quả kinh doanh quý 3, quý 4 xấu.
Phản hồi