Liên tục hô mua vào, hiệu suất của “cá mập” Pyn Elite Fund đã âm tháng thứ 2 liên tiếp
Báo cáo tình hình hoạt động trong tháng 8, Pyn Elite Fund ghi nhận hiệu suất đầu tư âm 0,2%. Đây là tháng thứ 2 Pyn Elite ghi nhận hiệu suất đầu tư âm, tháng 7 vừa qua quỹ này cũng âm 5,5%. Tính từ đầu năm đến nay, hiệu suất của quỹ này vẫn tăng 16,4%.
Theo lý giải của quỹ đến từ Phần Lan, nguyên nhân do tốc độ tăng giá cổ phiếu ngân hàng chững lại sau một khởi đầu mạnh mẽ trong năm, tăng 43% trong bảy tháng đầu năm 2021.
Trong tháng 8, Vn-Index tăng 1,64% được hỗ trợ bởi đà tăng của GVR, HPG và VJC tăng. Sau khi chỉ số chạm mốc 1.380 điểm, thị trường chứng kiến các đợt bán tháo mạnh do các nhà đầu tư cá nhân chốt lời, khối ngoại giảm tỷ trọng tại thị trường Việt Nam, đặc biệt là các quỹ ETF. Mặc dù vậy, hầu hết các công ty chứng khoán vẫn giữ nguyên dự báo rằng chỉ số Vn-Index sẽ đạt ngưỡng 1.450-1.500 điểm trong năm nay. Giá trị giao dịch trung bình mỗi ngày trên HSX trở lại 1 tỷ USD, tăng 13,4% so với tháng trước.
Top 10 cổ phiếu nắm giữ tỷ trọng lớn nhất của Pyn Elite vẫn là VHM, TPB, VRE, HDB, VEA, MBB, CTG, ACV, NLG, VnDiamond. Trong đó, nâng tỷ trọng của VHM từ tháng trước 15,9% lên 18,5% trong tháng này. Trong khi đó, giảm tỷ trọng tại nhiều cổ phiếu ngân hàng như TPB từ 10% xuống còn 9,8%, HDB từ 9,2% xuống 9,2%. MBB từ 8,9% xuống 8,7%. VEA từ 9% xuống 8,8%.
Top ba cổ phiếu hiệu suất tăng cao nhất trong tháng là CMC tăng 24,4%, TLG tăng 13,5%, CEO tăng 8,1%. Ba cổ phiếu hiệu suất giảm là MBB giảm 3,5%, HDB giảm 3,7%, CTG giảm 7,6%.
Đối với cổ phiếu NLG, theo Pyn Elite, trong tháng Nam Long đã phát hành 60 triệu cổ phiếu, Pyn Elite cũng tham gia mua. Công ty bất động sản này có dự định dùng số tiền này để tiếp tục xây dựng các dự án trọng điểm và thâu tóm quỹ đất. Cổ phiếu phát hành được định giá ở mức P/E xấp xỉ 10 lần so với thu nhập năm 2022. Hiện NLG giao dịch ở mức P/B 2.0. Đến năm 2021, tốc độ tăng trưởng thu nhập hàng năm (CAGR) của NLG sẽ tăng lên 21%.
Về tình hình vĩ mô tháng 8, sản xuất công nghiệp giảm 7,4% so với cùng kỳ. Chỉ số nhà quản lý mua hàng đã giảm xuống 40,2 điểm trong tháng thứ ba. Xuất khẩu giảm 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái do các vấn đề về chuỗi cung ứng và thương mại bán lẻ giảm 39,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Điểm sáng duy nhất là chỉ số lạm phát (2,8%), rõ ràng là thấp hơn mục tiêu của Chính phủ (4%). Dự báo tăng trưởng GDP hiện đã được điều chỉnh lại ở mức 4,5 – 5%.
Trong vòng hai tháng trở lại đây, Vn-Index biến động mạnh liên tục, ông Petri Deryng, người đứng đầu quỹ Pyn Elite Fund liên tục hô mua vào cổ phiếu ở những lần thị trường điều chỉnh.
Ngày 24/8, khi đó Vn-Index về vùng 1.298, ông Deryng cho rằng Chính phủ Việt Nam sẽ kiểm soát được làn sóng thứ tư trong một thời gian hợp lý và tất cả những lần sụt giảm trên thị trường chứng khoán trải qua trong thời gian đó đều là điểm để mua. Theo quan điểm chung và riêng của Pyn Elite, chỉ số thị trường chứng khoán đang tiến về mức 1.500 điểm vào cuối năm.
Trước đó, 28/7, người đứng đầu quản lý quỹ Pyn Elite cũng cho rằng Chính phủ Việt Nam sẽ kiểm soát dịch thành công, tăng trưởng kinh tế sẽ có thể tăng tốc trở lại vào mùa thu, và thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục xu hướng đi lên.
Tuy vậy, diễn biến dịch phức tạp tại Tp.HCM và các tỉnh phía Nam, Hà Nội gây đứt gãy chuỗi cung ứng, hoạt động sản xuất kinh doanh đình trệ, gần 90.000 phải tạm dừng hoạt động, nhiều dự báo của các công ty chứng khoán và tổ chức đã hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong quý 3, thậm chí có ít nhất hai công ty chứng khoán dự báo tăng trưởng GDP âm trong quý 3/2021.
Phản hồi