Không đầu tư mà chỉ dùng đồ cũ, ông chú người Nhật tiết kiệm được 20 tỷ VNĐ để nghỉ hưu sớm trước 10 năm: Tận hưởng cuộc sống tối giản, bị vợ bỏ vẫn cảm thấy “tự do”
Sakaguchi Kazuma (57 tuổi) là một người đàn ông hết sức bình thường, sống tại tỉnh Kanagawa (Nhật Bản). Sau khi tốt nghiệp trung học, ông không học đại học mà làm việc bán thời gian cho một công ty kỹ thuật. Ông từng học thêm vào ban đêm, nhưng rồi đành bỏ cuộc sau 2 năm, chuyên tâm làm việc văn phòng.
Dù là ở trường hay ở cơ quan, Kazuma đều không phải là gương mặt nổi trội. Suốt 33 năm làm việc, ông từng giữ đến chức vụ giám đốc, nhưng cũng chỉ quản lý một nhóm vài chục người.
Dần dần, Kazuma nhận ra rằng năng lực làm việc của mình đã giảm sút, liên tục bị thế hệ trẻ vượt qua. Ông biết mình không có cơ hội thành công, cũng chẳng muốn đấu tranh cho một tương lai không mấy suôn sẻ. Chính vì vậy, sau khi tiết kiệm được 100 triệu JPY (20,7 tỷ VNĐ), Kazuma quyết định nghỉ hưu sớm ở tuổi 51.
Theo số liệu được công bố bởi Cơ quan Thuế Quốc gia Nhật Bản, mức lương trung bình hàng năm ở tỉnh Kanagawa là 4,4 triệu JPY/năm (913 triệu VNĐ). Thu nhập của Kazuma cũng chỉ nhỉnh hơn mức trung bình một chút, cũng chẳng phải thuộc nhóm lao động thu nhập cao.
Vậy làm thế nào mà ông chú trung niên người Nhật lại có thể tiết kiệm được 100 triệu JPY từ mức thu nhập khiêm tốn của mình?
Sakaguchi Kazuma
Từ bỏ ham muốn vật chất, tiết kiệm bằng hạnh phúc
Sakaguchi Kazuma cho biết, tiết kiệm tiền chưa bao giờ là mục tiêu ông hướng tới. Người đàn ông này cũng chưa bao giờ đầu tư hay mua bảo hiểm. Kazuma chỉ đơn giản là mua những thứ cần thiết và cắt giảm những thứ không cần thiết. Nếu phải mua gì, ông sẽ “dùng thứ đó cho đến khi nát thì thôi”.
Kazuma vẫn mặc lại những bộ quần áo đã mua từ hơn 10 năm trước. “Mặc được thì mặc tiếp, chứ không phải vì tiết kiệm mà tôi không mua mới”, ông giải thích. Trong tủ giày, nhiều đôi đã được ông đi suốt 30 năm. Kazuma nói: “Tôi cứ đi mãi một đôi, không phải vì tiết kiệm, mà là do yêu thích đôi giày đó thôi”.
Tủ giày hơn 30 năm của Kazuma
Căn nhà của ông chú Nhật Bản cũng tối giản hết mức
Tủ lạnh trong nhà Kazuma gần như không có gì bên trong. “Để không bỏ phí thức ăn, mỗi lần đi chợ tôi chỉ mua những thứ cần thiết, dùng hết thì lại mua”, ông chia sẻ. Ngoài ra, Kazuma cũng chỉ dùng một chiếc điện thoại Nokia cũ kỹ có tuổi đời 10 năm. Căn hộ của ông cũng không có nhiều đồ đạc, chỉ đủ dùng.
Tủ lạnh trống rỗng nhà Kazuma
Điện thoại di động “cục gạch” hiệu Nokia
Mỗi lần đi cắt tóc, Kazuma thường đến những cửa tiệm có mức giá khoảng 1.000 JPY (200.000 VNĐ), khá rẻ so với mặt bằng chung ở Nhật Bản. Người đàn ông này cho biết, ông làm vậy không phải để tiết kiệm, mà là do những nơi rẻ tiền có không gian yên tĩnh. Như vậy, Kuzuma sẽ không bị quấy rầy bởi sự đon đả quá mức từ nhân viên như ở những cửa hàng làm đẹp cao cấp.
Cửa hiệu cắt tóc mà Kazuma thường đến
Kazuma nhấn mạnh, thay vì chủ động tiết kiệm tiền, ông lựa chọn hạnh phúc với lối sống tối giản. Người bình thường khó có thể vui vẻ khi thấy tủ lạnh trống rỗng hay phải mặc lại quần áo cũ. Tuy nhiên, ông lại rất thích thú với cuộc sống như vậy. Kazuma hạnh phúc khi mặc đồ cũ, dùng điện thoại cũ, không mua nhiều đồ ăn…
Chỉ tiêu khoảng 100.000 JPY/tháng
Mỗi tháng, Sakaguchi Kazuma chỉ tiêu khoảng 100.000 JPY (27,6 triệu VNĐ). Mỗi năm, chi phí sinh hoạt của ông rơi vào khoảng 1,2 triệu JPY (248 triệu VNĐ).
Với lối sống tối giản của mình, Kuzuma tiết kiệm được khoảng 270.000 JPY/tháng (60 triệu VNĐ), tương đương với 3,3 triệu JPY/năm (684 triệu VNĐ). Cứ như vậy trong suốt 33 năm lao động, ông đã dành dụm được 100 triệu JPY mà không hề hay biết.
Nói về điều này, Kazuma khiêm tốn cho biết: “Tôi tiến hành tiết kiệm rất bình thường, không có gì đặc biệt cả”.
Ngoài ra, ông chú người Nhật này còn có thêm khoản lương hưu 20 triệu JPY (4,1 tỷ VNĐ) và sở hữu một căn hộ rộng 90 m2 trị giá 40 triệu JPY (8,2 tỷ VNĐ).
Sách dạy tiết kiệm cho Kazuma viết
Khi được hỏi sẽ làm gì với khối tài sản lớn này, Kazuma cho biết rằng cả đời này ông cũng chẳng thể tiêu hết 100 triệu JPY. “Thay vì ép mình tiêu tiền, tôi sẽ mang đi làm từ thiện”, ông nói.
Kazuma tiết lộ, ông hạnh phúc vì không cần phải tiêu quá nhiều tiền, hài lòng với cuộc sống đơn giản như hiện nay. Từ 50 tuổi đến 80 tuổi, ông ước tính mình vẫn còn 30 năm dài phía trước. Do đó, người đàn ông này quyết định nghỉ hưu và tận hưởng cuộc sống tươi đẹp một cách thoải mái nhất.
Kazuma có sở thích nấu nướng ngoài trời. Ông thường mang đồ ăn ra công viên, tự nấu nướng và thưởng thức một mình. Ngoài ra, Kazuma cũng thích đi du lịch. Ông có thể xách ba lô lên và đi bất cứ lúc nào mình muốn, chẳng hạn như đến Indonesia để ngồi bên bờ biển ngắm hoàng hôn.
Kazuma có sở thích đi dã ngoại nấu nướng…
… hoặc du lịch khắp nơi
Là một người tràn đầy nhiệt huyết với cuộc sống, Kazuma rất chăm chỉ đi hoạt động tình nguyện sau khi về hưu. Năm 2019, khi tỉnh Fukushima gặp thiên tai, ông đã đến đó làm tình nguyện viên trong suốt 5 năm tháng.
Không chịu nổi lối sống “tự do”, tối giản quá mức của chồng, vợ của Kazuma đã nộp đơn ly hôn cách đây khoảng 2,5 năm. Dù vậy, điều này cũng chẳng khiến ông bận tâm. Ông chỉ cười và nói rằng một người không thể nào đòi hỏi tự do hơn nữa.
Giờ đây, ở tuổi 57, Sakaguchi Kazuma đã có đầy đủ mọi thứ mình cần, không còn gì vướng bận. Ông thực sự rất thoải mái và tận hưởng cuộc sống kiểu này, bớt ăn, bớt mặc, bớt quan hệ.
Bên cạnh đó, Kazuma cũng xuất bản một cuốn sách có tựa đề “Tôi đã tiết kiệm được 100 triệu JPY nên tôi nghỉ việc”. Trong tác phẩm này, ông đã giới thiệu 77 mẹo để tiết kiệm tiền, đồng thời nhắc nhở mọi người phải đề cao hạnh phúc của chính mình.
Phong cách sống của Sakaguchi Kazuma khá giống với phong trào “FIRE” phổ biến ở Mỹ. “FIRE” khuyến khích mọi người giảm bớt ham muốn vật chất để tiết kiệm chi phí sinh hoạt hàng năm, từ đó có thể nghỉ hưu sớm sau 30 tuổi và dựa vào 4% thu nhập tài chính để sống.
Ngày nay, xã hội ngày càng cạnh tranh, khiến cho không ít người cảm thấy mệt mỏi. Họ sẵn sàng kiếm ít tiền hơn, chi tiêu ít đi, còn hơn là lao vào một cuộc đua không có cửa thắng.
Có người đặt câu hỏi: “Tại sao một số người lại mất động lực và ham muốn khi còn trẻ, trốn vào trong vùng an toàn và chỉ muốn sống thoải mái?”. Một câu trả lời sau đó đã thu hút sự đồng tình của đông đảo cư dân mạng: “Đấy không phải là chùn bước, không phải là trốn tránh. Đó chính là là người ta đã hiểu rõ về mình, biết mình cần gì, muốn gì.”
Có thể không tiết kiệm tiền được như Sakaguchi Kazuma, nhưng ít nhất chúng ta cũng có thể tận hưởng mọi thứ mình có, làm việc chăm chỉ trước khi nghỉ hưu và luôn lạc quan yêu đời.
(Theo Rich, HK Business, 163,…)
Phản hồi