Không còn mặn mà gửi tiết kiệm, người dân rút ròng tiền khỏi ngân hàng
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tiền gửi của dân cư (không tính tổ chức, doanh nghiệp) vào hệ thống ngân hàng tính đến cuối tháng 9 là gần 5,292 triệu tỷ đồng, giảm gần 1.500 tỷ đồng so với cuối tháng 8.
Trước đó, trong tháng 8, tiền gửi của người dân cũng đã giảm gần 1.000 tỷ đồng so với tháng 7.
Thông thường mọi năm, tiền gửi của người dân vào hệ thống cũng luôn có dấu hiệu suy giảm so với nửa đầu năm. Tuy nhiên, việc số dư tiền gửi của người dân giảm liên tiếp trong hai tháng ở thời gian này là hiếm thấy từ trước đến nay.
Thậm chí, tính từ đầu năm đến cuối tháng 9, tiền gửi của người dân vào ngân hàng cũng chỉ tăng thêm 150.000 tỷ đồng, bằng khoảng một nửa so với trung bình hai năm trước.
Theo giới chuyên môn, việc tiền gửi dân cư sụt giảm mạnh có thể do làn sóng Covid-19 bùng phát mạnh ở thời điểm này khiến thu nhập của nhiều người bị ảnh hưởng. Đồng thời, nhiều tỉnh thành phố thực hiện phương án giãn cách xã hội nên người dân không thể đến ngân hàng để gửi tiết kiệm.
Đáng chú ý, song song cùng khoảng thời gian tháng 8 và tháng 9, các kênh đầu tư bất động sản, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán và tiền mã hóa lại ngày càng thu hút sự quan tâm của người dân.
Gần đây, lượng tiền ồ ạt đổ vào thị trường chứng khoán, liên tiếp lập kỷ lục. Riêng tại phiên giao dịch cuối tuần trước, giá trị giao dịch trên ba sàn chứng khoán đạt gần 56.340 tỷ đồng, vượt xa kỷ lục 52.145 tỷ đồng thiết lập cách đó hai tuần. Chỉ trong vòng 10 tháng đầu năm 2021, nhà đầu tư cá nhân tại Việt Nam đã mở mới hơn 1 triệu tài khoản chứng khoán, cao hơn tổng số tài khoản đã được nhóm này mở trong cả 4 năm 2017 – 2020 cộng lại.
Thêm vào đó, giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành vẫn duy trì đà tăng trưởng. Tổng lượng phát hành riêng lẻ thành công trong 10 tháng đầu năm đạt 422,45 nghìn tỷ đồng.
Trong khi đó, ngân hàng lại duy trì hạ biểu lãi suất huy động. Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) thống kê, nhóm ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô lớn (vốn trên 5.000 tỷ đồng) đang có mức lãi suất huy động thấp nhất từ năm 2017 đến nay.
Vì vậy, có quan điểm cho rằng, do lãi suất tiền gửi ở mức thấp kỷ lục, nên người dân không còn “mặn mà” và chuyển tiền sang đầu tư chứng khoán, bất động sản…
Tại buổi họp báo gần đây, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhìn nhận, nếu huy động với lãi suất quá thấp thì người dân sẽ không gửi tiền ngân hàng, chuyển sang mua nhà, mua vàng. Và điều này có thể dẫn đến bất ổn cho nền kinh tế.
“Các ngân hàng chủ yếu vay từ người dân để cho vay trở lại nền kinh tế. Do đó, các tổ chức tín dụng phải duy trì được nguồn vốn đầu vào, ổn định lãi suất, đảm bảo lợi ích người gửi tiền mới có thể huy động”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Hiện tại, một số ngân hàng đã bắt đầu áp dụng biểu lãi suất mới với theo hướng tăng nhẹ.
Điển hình như BaoVietBank điều chỉnh lãi suất kỳ hạn 6 tháng lên mức 5,9%/năm, tăng 0,15%; lãi suất kỳ hạn 12 tháng lên 6,35%/năm, tăng 0,1%.
Hay như Eximbank tăng 0,1% lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 3 tháng trở xuống và tăng 0,1%-0,2%/năm lãi suất kỳ hạn từ 6-9 tháng. Sacombank cũng điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi thêm 0,4%/năm ở nhiều kỳ hạn.
Không chỉ tăng lãi suất huy động tại quầy, nhằm khuyến khích người dân gửi tiết kiệm trực tuyến trong mùa dịch, các ngân hàng cũng tăng lãi suất gửi tiết kiệm online.
Phản hồi