Kho bạc Nhà nước sắp…”ba không”
Ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, thứ trưởng Bộ Tài chính phát biểu như vậy tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm do Kho bạc Nhà nước tổ chức tại Hà Nội ngày 14/7.
KỊP THỜI BÙ ĐẮP BỘI CHI
Theo số liệu tại hội nghị, tính đến hết tháng 6/2021, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã thực hiện các biện pháp kiểm soát chi khoảng 419.008 tỷ đồng, bằng 39,4% dự toán của ngân sách Nhà nước qua kênh này. Trong đó, ưu tiên kiểm soát thanh toán nhanh, kịp thời kinh phí cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng, nhiệm vụ quan trọng đầu tiên của Kho bạc Nhà nước là tăng cường công tác quản lý ngân quỹ, phòng chống rủi ro với ngân sách nhà nước.
“Kho bạc Nhà nước phải xác định rõ việc huy động trái phiếu Chính phủ từ nay trở đi cho bù đắp bội chi và cho trả nợ, với nguyên tắc đảm bảo phát hành trái phiếu đầy đủ kịp thời để trả các khoản nợ trong nước và ngoài nước được Quốc hội giao. Thứ hai, chỉ phát hành trái phiếu Chính phủ bù đắp bội chi căn cứ vào nhiệm vụ thu ngân sách và nhiệm vụ giải ngân vốn”, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh.
Trong bối cảnh giải ngân vốn đầu tư công chậm, tồn ngân quỹ nhà nước cao, Kho bạc Nhà nước đã thực hiện điều chỉnh khối lượng phát hành trái phiếu Chính phủ, cơ bản đáp ứng nguồn thanh toán nợ gốc đến hạn của ngân sách trung ương.
Cụ thể, tính đến ngày 30/6/2021, Kho bạc Nhà nước huy động 141.493 tỷ đồng, đạt 40,4% kế hoạch năm Bộ Tài chính giao.
Kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ bình quân là 12,19 năm; lãi suất phát hành trái phiếu Chính phủ bình quân là 2,26%/năm; kỳ hạn còn lại của danh mục trái phiếu Chính phủ là 8,82 năm.
Ngoài ra, đối với chi đầu tư, lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 6/2021, toàn hệ thống đã kiểm soát, giải ngân trên 132 nghìn tỷ đồng vốn thuộc kế hoạch năm 2021, đạt trên 30% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao kiểm soát chi qua Kho bạc Nhà nước.
Lũy kế thanh toán vốn đầu tư qua Kho bạc Nhà nước thuộc kế hoạch năm 2020 kéo dài sang năm 2021 là trên 17 nghìn tỷ đồng, bằng 25,8% kế hoạch vốn năm 2020 chuyển sang.
HÌNH THÀNH “KHO BẠC 3 KHÔNG”
Bên cạnh đó, Thứ trưởng nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm thứ hai, là Kho bạc Nhà nước cần nhanh chóng thực hiện cải cách hiện đại hoá công nghệ. Theo đó, toàn hệ thống Kho bạc Nhà nước phải tăng cường hiện đại hoá thủ tục hành chính trong các quy trình nghiệp vụ, tránh gây phiền hà cho các đơn vị sử dụng ngân sách.
Ông Nguyễn Đức Chi, Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước cho biết, trong 6 tháng cuối năm 2021 và các năm tiếp theo, đơn vị sẽ ứng dụng công nghệ thông tin với mục tiêu hoàn thành 100% thủ tục, thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 để sớm hình thành “Kho bạc 3 không”. Đó là: không giao dịch tiền mặt; không khách hàng giao dịch và không không chứng từ.
Thời gian tới, để giải ngân kịp thời các nguồn vốn ngân sách Nhà nước, Kho bạc Nhà nước tiếp tục chủ động phối hợp với chủ đầu tư để kịp thời nắm bắt các vướng mắc trong quá trình thực hiện giải ngân vốn đầu tư, tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ.
Đồng thời, đôn đốc chủ đầu tư làm thủ tục nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán ngay gửi Kho bạc Nhà nước, tránh dồn khối lượng thanh toán vào cuối năm. Đôn đốc việc thu hồi vốn tạm ứng, thu hồi những khoản tồn đọng chưa sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích theo đúng quy định.
Kho bạc Nhà nước sẽ phối hợp với Ban Quản lý Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19, hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động của Quỹ. Phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng trang thông tin điện tử riêng cho quỹ để thông tin kịp thời về các hoạt động của quỹ đến người dân.
Theo Ban quản lý Quỹ vaccine phòng Covid-19, sau hơn 40 ngày triển khai (tính đến 17h00 ngày 14/7), Quỹ đã tiếp nhận được 8.113 tỷ đồng, đã bao gồm ngoại tệ quy đổi. Tổng số tổ chức, cá nhân đã đóng góp là 443.538. Đến nay còn 15 đơn vị, tổ chức cam kết chi ủng hộ Quỹ vắc-xin phòng Covid-19 nhưng chưa chuyển tiền, chuyển một phần hoặc chưa chuyển hết đúng theo cam kết.
Phản hồi