Khi Lazada, Tiki, Shopee đồng loạt “kể khổ”: Có hàng để bán nhưng giao hàng khó khăn, đề xuất cơ chế đặc biệt cho TMĐT và shipper
Tại “Tọa đàm cấp cao Kinh tế số – Chìa khóa của tăng trưởng trong bối cảnh bình thường mới” do Ban Kinh tế Trung ương và Cục Thương mại điện tử (TMĐT) Bộ Công Thương tổ chức, đại diện các sàn thương mại điện tử như Lazada, Tiki, Shopee, Sendo…đã chia sẻ những cơ hội và khó khăn trong quá trình thúc đẩy phát triển các sản phẩm, dịch vụ và mô hình kinh doanh mới của nền kinh tế số.
Lazada coi Việt Nam là thị trường tăng trưởng nhanh nhất khu vực
Theo ông James Dong, CEO Lazada Viẹt Nam kiêm CEO Lazada Thái Lan, thị trường TMĐT của Việt Nam thay đổi rất nhanh trong thời gian qua và là một trong những thị trường tăng trưởng nhanh nhất khu vực. Lazada coi Việt Nam là thị trường tăng trưởng mạnh nhất của Lazada cả về số lượng người bán và người mua. Đơn hàng của quý 2 tăng gấp đôi và cả năm 2021 có thể tăng gấp 3 lần, kể cả trong thời điểm TP.HCM giãn cách xã hội thì Lazada vẫn tăng trưởng số lượng đơn hàng trong ngày hội mua sắm 9/9 gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước.
Ông James Dong cho biết, với những thương hiệu lớn có thể họ đã có website riêng để bán hàng, tuy nhiên với các nhà cung cấp nhỏ lẻ, các doanh nghiệp siêu nhỏ, do không có kinh nghiệm vận hành và nguồn lực, Lazada có thể hỗ trợ họ tăng trưởng tốt hơn.
“Chúng tôi cũng kết hợp với Sở công thương để cung cấp thực phẩm tươi sống với chất lượng tốt. Vấn đề lớn nhất của chúng tôi là logistics và chúng tôi gặp rất nhiều vấn đề khi các địa phương giãn cách xã hội. Chúng tôi hi vọng sẽ kết hợp 3 bên giữa TMĐT, logistic và cơ quan chức năng trong việc cung cấp hàng hoá”, CEO Lazada kiến nghị.
Tiki: Có những việc robot không giải quyết được
Theo Nguyễn Thành Long, Giám đốc Marketing của Tiki, trong thời gian đại dịch bùng phát Tiki tăng trưởng đáng kể, đặc biệt trong mảng thực phẩm.
Trong 10 năm vận hành TMĐT tại thị trường Việt Nam, Tiki cho rằng có 3 cột trụ để phát triển một doanh nghiệp TMĐT đó là chính sách, công nghệ và con người vận hành. Đại diện Tiki cho rằng trong 2 năm trở lại đây các chính sách đối với TMĐT đã cởi mở hơn rất nhiều. Trong đại dịch, Tiki đã có cơ hội đồng hành cùng Sở Công thương và các Hiệp hội để thực hiện các chiến dịch hỗ trợ cho TP.HCM. Tuy nhiên, ông Long cho rằng kinh tế số phát triển với tốc độ rất nhanh, do đó, khi các chính sách được đưa ra, Tiki hi vọng sẽ có các hướng dẫn nhanh sau đó để doanh nghiệp không bị hiểu sai về mặt chính sách.
Thứ hai, Tiki luôn làm chủ công nghệ. Mặc dù là công ty Việt Nam và có thể không có lợi thế về nguồn lực như các công ty nước ngoài nhưng Tiki luôn coi công nghệ là nguồn lực quan trọng do đó công ty sớm áp dụng điện toán đám mây, AI, robotic trong việc vận hành kho bãi…
“Tiki hiểu là mình phải làm tốt về công nghệ hơn. Robotic của Tiki đã tự vận hành để chuyển những vật nặng như tivi tủ lạnh nhưng trong đại dịch, các đơn hàng thực phẩm của Tiki tăng gấp 10 lần, ví dụ nhập hành gói hành 20kg và phải chia các gói nhỏ 1 lạng đến nửa kg thì không có robot nào có thể làm được việc đó mà mình phải làm bằng tay, do đó mình phải hoàn thiện về mặt công nghệ hơn”, đại diện Tiki chia sẻ.
Bên cạnh đó, giống như hầu hết các sàn TMĐT khác, Tiki cũng cho rằng logistic rất quan trọng trong chuỗi cung ứng. “Tiki đang cố gắng làm các chiến dịch từ trang trại tới bàn ăn và được hỗ trợ bởi Sở Công thường Hà Nội và TP.HCM. Tiki hi vọng không chỉ áp dụng công nghệ tại công ty mà còn có thể áp dụng cho bà con nông dân bên ngoài”, ông Long chia sẻ.
Shopee: Cần có cơ chế đặc biệt cho TMĐT và shipper
Ông Trần Tuấn Anh – Giám đốc điều hành Shoppe
Theo ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc điều hành Shopee, ở thời điểm hiện tại các doanh nghiệp TMĐT có cơ hội và thách thức như nhau, cơ hội ở đây là có sự thay đổi tích cực về cách tiếp cận của người mua và người bán đối với TMĐT. Theo đó, TMĐT không phải là kênh bán hàng có cũng được, không có cũng được mà là kênh bán hàng hữu hiệu và rất quan trọng.
Ông Tuấn Anh chia sẻ, Shopee tin rằng Shopee là một phần của nền kinh tế Việt Nam. Ngay từ trước lúc đại dịch bắt đầu, cách đây 2 năm Shopee đã có chương trình hỗ trợ rất sớm cho người bán trên TMĐT. Để có thể bán hàng online hiệu quả, người bán cần có kiến thức về vận hành, cách tiếp thị quản lý sản phẩm và vận hành kho bãi.. đây là các kỹ năng tương đối mới với phần lớn nhà cung cấp Việt Nam. Để làm được điều này, theo ông Tuấn Anh, có sự cố gắng rất lớn từ đội ngũ của Shope hướng dẫn và huấn luyện cho người bán hàng, từ những doanh nghiệp siêu nhỏ đến các doanh nghiệp lớn, các nhãn hàng lớn, khi những kinh nghiệm của họ trên TMĐT gần như là không có.
Ngoài đào tạo kỹ năng cho người bán hàng, Shopee cũng hỗ trợ về mặt tài chính như miễn phí vận chuyển để người tiêu dùng tiếp cận dễ hơn hay các chương trình khuyến mãi (voucher) cho nhà bán hàng. Điều này giúp cho người tiêu dùng và người kinh doanh đến TMĐT nhiều hơn. “Dự định của chúng tôi trong tương lai là những đối tác của chúng tôi phải có kỹ năng về phát triển thương mại điện tử, sự thành bại của TMĐT phụ thuộc khả năng vận hành của chính họ nữa“, COO Shopee chia sẻ.
Bên cạnh đó, ông Tuấn Anh cho rằng sự cạnh tranh TMĐT ngày càng cao, có nhiều người bán cùng một sản phẩm và đó là tín hiệu tốt giúp dịch vụ tốt hơn. Để vận hành thành công là thử thách.
Một số ngành nghề như hàng tươi sống hay mặt hàng nông sản, Shoppe kết hợp rất sát với các cơ quan chức năng như Sở Công Thương các tỉnh thành (Hưng Yên, Trà Vinh, Đắc Lắc, TP.HCM, Hà Nội) để có chương trình hỗ trợ cho nông dân tiếp cận với người mua và người bán. “Chuỗi cung ứng hiện tại bị ảnh hưởng nhiều, chúng tôi hi vọng sẽ phát triển lĩnh vực này mạnh hơn, có hệ thống hơn không chỉ trong đại dịch mà sau đó“, ông Tuấn Anh chia sẻ.
Shopee đề xuất cần có các chương trình huấn luyện cho các doanh nghiệp khi lên TMĐT và điều này cần có sự hỗ trợ của các hiệp hội và các cơ quan chức năng tại các tỉnh thành. Cần có những tháo gỡ về mặt vận hành và cơ chế đối với doanh nghiệp kinh doanh TMĐT tại Việt Nam.
Về vận hành, theo ông Tuấn Anh, TMĐT ở trên online nhưng offline cũng rất quan trọng, nếu mua bán trên mạng nhưng không giao được hàng thì khó khăn rất lớn. Trong tương lai có thể sẽ có nhiều lần giãn cách xã hội và đại diện Shopee cho rằng cần có cơ chế đặc biệt cho TMĐT và shipper để có thể vận hành cung ứng sản phẩm dịch vụ tốt hơn.
“Shopee có rất nhiều lượt traffic và người kinh doanh đến với Shopee nhưng chúng tôi gặp nhiều khó khăn trong việc cung ứng cho người tiêu dùng, cầu nối bị đứt gãy nghiêm trọng, một số thành phố có tháo gỡ rồi nhưng chúng tôi hi vọng có thể cho anh em shipper thuận lợi hơn trong việc di chuyển, tất nhiên là phù hợp với quy định chống dịch trong bối cảnh toàn quốc cùng chiến đấu với đại dịch này”, COO Shopee đề xuất.
Quy mô của thị trường thương mại điện tử thế giới năm 2020 đạt gần 4.300 tỷ USD, năm 2021 đạt gần 4.900 tỷ USD và 2024 đạt gần 6.400 tỷ USD. Số liệu này cho thấy định hướng cho các doanh nghiệp và nền kinh tế thế giới sẽ đi theo hướng kinh tế số trong tương lai.
Tại thị trường Việt Nam, theo số liệu của Bộ Công thương, từ 2016 đến nay, doanh số TMĐT tăng 25-30%/năm, năm 2016 quy mô thị trường TMĐT đạt 5 tỷ USD doanh thu B2C, năm 2020 đạt 11,8 tỷ USD, đây là số liệu rất lạc quan. Dự kiến đến 2025 Việt Nam sẽ đạt doanh thu B2C là 35 tỷ USD, chiếm 10% doanh số bán lẻ cả nước trong một năm, đến năm 2025 tăng trưởng trung bình 24%/năm. Ước tính mua sắm trực tuyến năm 2020 đạt 240 USD/người/năm thì 2025 là 600 USD/năm.
Phản hồi