Hồi phục sau đại dịch: Doanh nghiệp bất động sản mong được gỡ vướng pháp lý
Thị trường bất động sản trong quý 3/2021 đang gặp khó khăn, giảm phát cả về nguồn cung và lượng giao dịch.
THỊ TRƯỜNG TRẦM LẮNG VÌ DỊCH BỆNH VÀ PHÁP LÝ
Ông Vương Duy Dũng, Trưởng Phòng Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản, Cục Quản lý Nhà và thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng, cho biết từ báo cáo của các địa phương trong quý 3/2021, Bộ nhận thấy thị trường bất động sản đang gặp khó khăn, giảm phát cả về nguồn cung và lượng giao dịch. Tổng nguồn cung quý3/2021 chỉ đạt 60%-70%, lượng giao dịch còn thấp hơn, chỉ bằng 40%-50% so với quý 2/2021.
Cùng với thị trường bất động sản trầm lắng bởi dịch Covid-19, các doanh nghiệp bất động sản cũng đang loay hoay với các thủ tục pháp lý.
Tại TP.HCM hiện đang có 173 dự án nhà ở thương mại mà chủ đầu tư đã có quyền sử dụng đất, nhưng chưa được công nhận chủ đầu tư (gồm 126 dự án trong giai đoạn 2015 – 2018 và 47 dự án năm 2020), theo số liệu từ Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA).
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, nếu được tháo gỡ các vướng mắc về quy trình thủ tục, công nhận chủ đầu tư để triển khai thực hiện dự án thì sẽ tạo được nguồn thu rất lớn cho ngân sách nhà nước cũng như tạo nguồn cung cho thị trường.
TP.HCM hiện có 63 dự án của 17 doanh nghiệp với hơn 30.042 căn, gồm 27.709 căn hộ chung cư và 2.693 căn hộ văn phòng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất cho khách mua nhà. Nguyên nhân chính là do 2 Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Tài chính chưa chốt được tiền sử dụng đất của dự án.
HoREA
Bà Đặng Thị Kim Oanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Địa ốc Kim Oanh, cho biết tại toạ đàm “Bất động sản trong xu thế mới: Linh hoạt để thích ứng”, hiện doanh nghiệp bất động sản rất vướng về pháp lý, rất khó khăn, chỉ mong có cơ chế rõ ràng về trách nhiệm địa phương, bộ ngành… để doanh nghiệp bớt áp lực, giảm chi phí và tiết kiệm thời gian.
Về phía Đại Phúc Land, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng Giám đốc công ty này cho biết công ty đang đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạng mục, công trình xây dựng tại các dự án, tiến độ công trường đã đạt 70% – 80% và cuối năm bảo đảm cam kết bàn giao. Tuy nhiên, với lộ trình kế hoạch phát triển trong năm 2022, doanh nghiệp cần sự hỗ trợ của Nhà nước với các chính sách, cơ chế linh hoạt để có thêm nguồn lực.
Theo TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tiền tệ quốc gia, bất động sản là một trong 09 nhóm ngành dịch vụ chủ lực để phát triển tại TP.HCM. Để hỗ trợ doanh nghiệp, cần nhóm chính sách: Tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, gỡ các nút thắt để doanh nghiệp bung lên.
“TP.HCM cần nhìn thấy triển vọng trong nguy cơ, khi qua dịch, phải nhìn thấy những bất cập của tất cả lĩnh vực và sắp tới có giải pháp để xử lý bất cập nhằm phát triển bền vững”, ông Lịch nhấn mạnh.
TIẾP TỤC SỬA LUẬT?
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, thành phố đang tập trung giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp, không để tồn đọng. Trong 10 tháng đầu năm, Sở đã cấp sổ hồng cho hơn 13.000 căn…
Tại TP Cần Thơ, ông Huỳnh Văn Sáu, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP. Cần Thơ, cho biết thành phố đã tạo hành lang pháp lý, bình đẳng trong thu hút đầu tư, phê duyệt kế hoạch phát triển nhà ở. Sở Xây dựng cũng tăng cường quản lý sàn giao dịch bất động sản trên địa bàn, xử lý nghiêm hành vi vi phạm. Đồng thời, đẩy mạnh công bố thông tin dự án đầu tư nhà ở, khu đô thị đã phê duyệt chủ trương đầu tư, đặc biệt là tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công dự án, đẩy nhanh vốn đầu tư công.
Đại diện cho địa bàn Đà Nẵng, ông Nguyễn Hồng Song, Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai TP. Đà Nẵng, thông tin thành phố đã tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính để giải quyết nhanh cho người dân và doanh nghiệp. Dù đã rất cố gắng tháo gỡ nhưng các vấn đề còn tồn tại từ trước nên rất khó. Thành phố đang tiếp tục xin ý kiến bộ, ngành trung ương để dự án của doanh nghiệp được phát triển.
Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp bất động sản, trong 6 tháng đầu năm 2021, Bộ Xây dựng đã tham mưu trình Chính phủ hàng chục nghị định tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp về đầu tư kinh doanh bất động sản.
Tuy nhiên, theo ông Vương Duy Dũng, Trưởng phòng Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản, Cục Quản lý nhà và Thị trưởng Bất động sản, có thể quy định pháp luật sửa đổi tốt rồi nhưng hệ thống pháp luật phức tạp, nhiều luật chi phối, nếu không phối hợp tốt hiệu quả không đạt 100%. Sắp tới, Bộ sẽ tiếp tục tháo gỡ một số vướng mắc trong việc thực hiện Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, cố gắng trình Quốc hội sửa đổi, ban hành sớm hơn dự kiến 01 năm.
Thúc đẩy kinh tế phục hồi sau đại dịch, hiện Chính phủ đang rất quyết liệt trong việc xây dựng chương trình phục hồi kinh tế trong 2 năm 2022 – 2023 và đang có nhiều chính sách hỗ trợ cho khối doanh nghiệp. Trong năm tới, Chính phủ sẽ dự kiến trình Quốc hội sửa 4 luật: Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và một số điểm trong Luật Xây dựng, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tiền tệ quốc gia, cho biết.
Về phía doanh nghiệp bất động sản để hồi phục và phát triển bền vững cùng thị trường, theo chuyên gia Tô Đình Tuân, doanh nghiệp phải coi chất lượng sản phẩm vẫn là ưu tiên hàng đầu; giá cả hợp lý và có nhiều phân khúc đáp ứng nhu cầu của mua ở và cả đầu tư; pháp lý phải minh bạch, rõ ràng; môi trường sống phải tốt hơn; doanh nghiệp phải hướng tới mục tiêu vì cộng đồng và xây dựng hệ sinh thái hoàn chỉnh…
Phản hồi