Tuần qua nhóm CP đầu cơ bị nhà đầu tư (NĐT) bán ra mạnh, đáng chú ý là lệnh bán tập trung vào những mã CP vốn bị giới đầu tư đặt nghi vấn có “bàn tay” của các đội lái được “điểm mặt, chỉ tên” trong trong thời gian qua như Louis Holdings hay A7 gồm: TGG, APG, AGM, BII, SMT, VKC, SJF, HQC, CEO, DIG, NHA, L14…
Theo thống kê, nhóm CP này giảm từ 10-20% trong tuần giao dịch vừa qua. Điều đáng nói là không chỉ bị bán tháo, có thời điểm những mã này rơi vào tình cảnh trắng bảng bên mua, khiến cho cổ đông nắm giữ CP gặp nhiều khó khăn khi muốn bán cắt lỗ.
Tuy nhiên, NĐT nắm giữ những mã CP kể trên vẫn còn may mắn hơn các cổ đông đang nắm giữ những mã CP đầu cơ có liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết như: FLC, ROS, AMD, HAI, KLF và ART. Chuỗi phiên giảm giá kinh hoàng trong tuần vừa qua khiến cho nhiều mã như FLC, ROS giảm đến 30% giá trị.
Dù giảm sâu nhưng NĐT muốn cắt lỗ FLC hay ROS không thể thoát hàng, vì các mã CP này luôn nằm trong tình trạng dư bán giá sàn với số lượng khủng. Tuy nhiên, phiên giao dịch cuối tuần lại đảo chiều, hàng trăm triệu CP FLC và ROS bất ngờ được “quét sạch”, nhiều NĐT nóng lòng nhảy vào tranh mua ở mức giá xanh. Tuy nhiên, cả 2 mã CP này đều kết phiên ở mức giá dưới tham chiếu khiến cho nhiều NĐT mua bắt đáy lỗ ngay trong phiên. Diễn biến bất ngờ này khiến cho NĐT thêm ngán ngẩm với nhóm CP đầu cơ.
VNM (Vinamilk) là một trong những mã CP bị NĐT bỏ rơi trong khoảng hơn 1 năm trở lại đây. Từ mức giá hơn 100.000 đồng/CP thời điểm đầu năm 2021, VNM bị đánh xuống dưới mốc 80.000 đồng/CP và giao dịch dưới mức giá này trong thời gian dài. Việc VNM bị “dìm hàng” bắt nguồn từ 2 yếu tố: khối ngoại bán ròng và NĐT nội rút tiền để chuyển sang đánh hàng đầu cơ. Tuy nhiên, trong tuần vừa qua, VNM bất ngờ ghi nhận chuỗi 4 phiên tăng, từ mức giá 75.000 đồng/CP lên gần 82.000 đồng/CP (tương đương mức tăng gần 10%).
Ngoài VNM, mã blue chip tạo sự ngạc nhiên cho giới đầu tư trong tuần vừa qua là FPT. Mã CP này có chuỗi 5 phiên tăng giá, trong đó có phiên tăng trần ngày 29-3. Có thể nói đây là phiên tăng trần hiếm hoi của FPT trong khoảng 1 năm trở lại đây. Chuỗi tăng ấn tượng này giúp cho FPT tăng từ mốc 95.000 đồng/CP lên vượt mốc 110.000 đồng/CP (tăng 16%).
Xét về nhóm ngành thì ngân hàng được đánh giá là nhóm CP ấn tượng nhất trong tuần vừa qua với gần trọn tuần tăng giá. Đỉnh điểm là phiên giao dịch ngày 1-4, toàn bộ nhóm CP ngân hàng nằm trong rổ VN30 đều tăng mạnh như: ACB, CTG (VietinBank), BID (BIDV), HDB (HDBank), MBB (Quân đội), STB (Sacombank), TCB (Techcombank), TPB (Tienphong Bank), VCB (Vietcombank), VPB (VPBank).
Đây cũng là những CP đóng góp nhiểu nhất trong nỗ lực đẩy VN Index vượt mốc 1.500 điểm. Nhiều NĐT sau thời gian dài “gồng lỗ” với nhóm CP nhà băng nay đã thở phào nhẹ nhõm. Thậm chí, nhiều NĐT lên kế hoạch thu gom CP ngân hàng trong tuần này đề đón sóng kết quả kinh doanh quý I-2022.
Dòng vốn đổ vào nhóm CP cơ bản được phần nào thể hiện trong phiên giao dịch cuối tuần trước. Trong phiên giao dịch ngày 1-4, giá trị giao dịch của rổ VN30 đạt 9.723 tỷ đồng, đóng góp khoảng 37% vào tổng giá trị giao dịch của sàn HoSE. Dù chưa thể quay vể mức 45% thời điểm hoàng kim, nhưng so với mức đóng góp chỉ ở mức 25% cách đây không lâu thì tỷ lệ này cũng là tín hiệu tốt. Theo dự báo của các chuyên gia, dòng tiền sẽ tiếp tục tìm đến nhóm CP cơ bản, đặc biệt là những mã CP có kết quả kinh doanh quý I ấn tượng như: ngân hàng, CK, bất động sản, thép.
Thị trường ngày càng lành mạnh hơn
Dòng vốn trong các phiên giao dịch gần đây dù có dịch chuyển từ CP đầu cơ sang nhóm CP cơ bản, thì điểm xuất phát chính vẫn đến từ các NĐT cá nhân. Theo dữ liệu từ FiinPro, NĐT cá nhân trong nước tiếp tục mua ròng 12.421 tỷ đồng ở sàn HoSE trong quý đầu tiên của năm 2022, trong đó chỉ có 5.325 tỷ đồng đến từ giao dịch khớp lệnh.
Như vậy, các NĐT cá nhân trong nước đã mua ròng trong cả 5 quý kể từ đầu năm 2021 đến nay với tổng giá trị gần 102.000 tỷ đồng. Thống kê của FiinPro cũng cho thấy dòng vốn từ NĐT cá nhân cũng chuyển vào nhóm CP cơ bản. Dẫn đầu là MSN (Masan) với giá trị mua ròng lên đến 5.967 tỷ đồng. Tiếp sau đó, VIC (Vingroup) đạt 5.653 tỷ đồng, HPG (Hòa Phát) đạt 2.865 tỷ đồng và NVL (Novaland) đạt 2.517 tỷ đồng.
Trái ngược với NĐT cá nhân trong nước, các tổ chức trong nước bán ròng trong cả 5 quý từ đầu năm 2021 là 5.175 tỷ đồng, trong đó có 1.464 tỷ đồng đến từ giao dịch khớp lệnh. Dòng vốn này đã bán ròng 35.629 tỷ đồng kể từ đầu năm 2021. Tương tự, NĐTNN cũng duy trì trạng thái giao dịch theo chiều hướng tiêu cực. Theo thống kê, khối ngoại có quý bán ròng thứ 7 liên tiếp trên HoSE là 7.275 tỷ đồng, trong đó có 3.861 tỷ đồng đến từ khớp lệnh. Tính chung 7 quý vừa qua, NĐTNN đã bán ròng xấp xỉ 80.000 tỷ đồng trên sàn HoSE.
Việc các CP mang tính chất đầu cơ giảm mạnh sau một giai đoạn tăng nóng sẽ khiến thị trường được trong sạch, lành mạnh hơn. Các NĐT trên thị trường sẽ ý thức được tầm quan trọng của việc đầu tư cơ bản, dài hạn, thay vì muốn có cơ hội kiếm tiền nhanh từ các CP tăng nóng đến từ các hành vi thao túng giá CP trên thị trường. Năm 2022 sẽ không có chỗ cho dòng tiền dễ dãi và những kỳ vọng mộng mơ.
Diễn biến tích cực của những CP có cơ bản tốt và định giá hấp dẫn trong những tuần đầu năm mới đang cho thấy sự quay trở lại của dòng tiền đầu tư. Trọng tâm của thị trường tài chính quý I và II sẽ là những kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp tận dụng sự hồi phục của kinh tế Việt Nam và mở cửa của thế giới. Từ đây tới mùa ĐHCĐ, các thông tin về kế hoạch kinh doanh 2022 của các doanh nghiệp sẽ là tâm điểm chú ý của dòng tiền.
Các NĐT trên thị trường sẽ ý thức được tầm quan trọng của việc đầu tư cơ bản, dài hạn, thay vì muốn có cơ hội kiếm tiền nhanh từ các CP tăng nóng đến từ các hành vi thao túng giá CP trên thị trường.
Phản hồi