Hà Nội: 350 dự án chậm triển khai, vi phạm Luật
Thông qua đợt tái giám sát về tình hình quản lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn thành phố Hà Nội, Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố nhận định, sau hơn 02 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2018/NQ-HĐND, gần 03 năm thực hiện kiến nghị giám sát của Hội đồng nhân dân Thành phố và kết luận phiên giải trình của Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố, kết quả xử lý các dự án vi phạm trên địa bàn thành phố còn thấp.
CHẬM Ở CẢ DỰ ÁN CHƯA GIAO ĐẤT VÀ DỰ ÁN ĐÃ ĐƯỢC GIAO ĐẤT
Tổng hợp danh mục các dự án chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai còn tồn tại vi phạm từ thời điểm trước giám sát năm 2018 và phát sinh thêm từ năm 2018 đến nay cho thấy, trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có tới 350 dự án.
Cụ thể, nhóm dự án chưa được giao đất, cho thuê đất chậm thực hiện các thủ tục đầu tư, chậm triển khai theo quyết định được phê duyệt có 63 dự án. Trong đó, 18 dự án cần thanh tra, kiểm tra để báo cáo UBND Thành phố chấm dứt dự án theo quy định; 31 dự án chậm, tạm dừng cần điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh cơ chế thực hiện do vướng mắc giữa các Luật; 08 dự án chậm nhưng đề xuất tiếp tục triển khai và đề nghị đẩy nhanh tiến độ; 06 dự án Thành phố đã có chỉ đạo giao các sở chuyên ngành kiểm tra, thanh tra, chờ thực hiện theo kết luận.
Nhóm đã được giao đất chậm triển khai, vi phạm Luật đến thời điểm tháng 5/2021 là 287 dự án. Trong đó có 60 dự án chậm đưa đất vào sử dụng đề nghị gia hạn 24 tháng; 59 dự án chậm giải phóng mặt bằng; 20 dự án chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính; 76 dự án có các vi phạm khác; 39 dự án dừng thanh tra (do các cơ quan khác thanh tra hoặc dự án chưa được phê duyệt, chưa được giao đất…); 17 dự án kiểm tra, hậu kiểm và xử lý theo quy định của pháp luật; 16 dự án phát sinh sau thời điểm giám sát của HĐND TP năm 2018 đến tháng 3/2021, hiện đang triển khai nhưng chậm tiến độ so với tiến độ được duyệt.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, theo Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố, là do quy định pháp luật về quản lý đất đai, quản lý quy hoạch, quản lý đầu tư, xây dựng còn chồng chéo, chưa đồng bộ và chậm được tháo gỡ. Một số dự án chậm triển khai do phải tạm dừng để rà soát điều chỉnh quy hoạch. Một số dự án gặp khó khăn trong công tác thỏa thuận, đền bù giải phóng mặt bằng…
Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân từ việc chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra thực hiện Nghị quyết về kết quả giám sát và các kiến nghị giám sát của Hội đồng nhân dân Thành phố kết luận phiên giải trình của Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố chưa được chính quyền các cấp, các sở ngành triển khai thực sự quyết liệt.
KIẾN NGHỊ XỬ LÝ DỨT ĐIỂM CÁC DỰ ÁN VI PHẠM
Các Sở Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư cũng chưa kiên quyết, chưa kịp thời, chưa làm hết trách nhiệm trong xử lý vi phạm của các nhà đầu tư. Việc quản lý, đôn đốc, hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện dự án theo tiến độ đã được phê duyệt còn chậm và thiếu chủ động.
Đặc biệt, nhiều chủ đầu tư dự án không chấp hành pháp luật đất đai, cũng như chế độ báo cáo giám sát đầu tư, vẫn còn tình trạng cố ý sử dụng đất sai mục đích hoặc cố tình chây ỳ triển khai dự án chậm tiến độ…
Trên cơ sở đó, Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố đã đề nghị Uỷ ban nhân dân Thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị theo dõi, thực hiện hậu kiểm và xử lý vi phạm đối với nhóm các dự án Đoàn giám sát kiến nghị; Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trực thuộc và Uỷ ban nhân dân các quận, huyện, thị xã thực hiện nghiêm trách nhiệm giám sát, đánh giá đầu tư, trách nhiệm kiểm tra dự án đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư và pháp luật chuyên ngành đối với các dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách nói chung và các dự án có sử dụng đất nói riêng.
Ngoài ra, cần thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành thực hiện kiểm tra, đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế của từng dự án đầu tư; trên cơ sở hồ sơ cụ thể, kiến nghị biện pháp xử lý dứt điểm với các dự án vi phạm luật đất đai, nợ nghĩa vụ tài chính kéo dài.
Đồng thời, quan tâm giải quyết các đề nghị của cơ quan thuế đối với các hồ sơ có vướng mắc trong quá trình xác định nghĩa vụ tài chính, xác định số tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng được khấu trừ (nếu có) của các dự án đầu tư; Chỉ đạo thực hiện tốt công tác hậu kiểm việc thực hiện các kết luận thanh tra và tăng cường phối hợp giữa các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã để theo dõi, báo cáo về tiến độ, vi phạm, hướng giải quyết của các dự án có sử dụng đất…
Phản hồi