“Giá mua vaccine cao không bằng giá doanh nghiệp phải đóng cửa”
Tại tọa đàm trực tuyến “Giải pháp cấp bách & lâu dài chống đứt gãy chuỗi cung ứng”, tối 7/8, các hiệp hội doanh nghiệp đều cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, giải pháp căn cơ nhất vẫn là có nguồn vaccine để tiêm cho người lao động, thậm chí doanh nghiệp sẵn sàng chấp nhận giá cao.
KHÔNG THỂ CÓ MÔ HÌNH CHUNG CHO TẤT CẢ CÁC DOANH NGHIỆP
Là một trong những khối doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Hiệp hội Da Giày Túi xách Việt Nam cho rằng, dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến các doanh nghiệp trong ngành có nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng do không thể áp dụng phương án “ba tại chỗ”.
Tọa đàm trực tuyến: Giải pháp cấp bách và lâu dài chống đứt gãy chuỗi cung ứng
Do đó, thời gian tới khi tình hình giãn cách xã hội được nới lỏng cũng như diễn biến dịch bệnh trong tầm kiểm soát, hiệp hội này đề xuất được áp dụng phương án “hai tại chỗ” kết hợp test nhanh Covid-19.
“Nói như vậy không có nghĩa là chúng tôi phản bác “ba tại chỗ”, vì phương án này đã phát huy hiệu quả khi tình hình dịch bệnh rất căng thẳng, thực tế đã có những doanh nghiệp làm rất tốt. Vì vậy, với những doanh nghiệp nào làm tốt thì chúng ta vẫn duy trì và khuyến khích. Tuy nhiên, vẫn nên có lộ trình để mở ra giải pháp 2 tại chỗ kết hợp test nhanh”, bà Xuân đề xuất.
Lý giải cho phương án này, bà Xuân cho rằng, mô hình “hai tại chỗ” sẽ linh hoạt hơn, bởi nếu chỉ áp dụng khiên cưỡng một mô hình cho tất cả các doanh nghiệp có thể sẽ thất bại.
Thực tế, đặc thù của mỗi doanh nghiệp, ngành hàng rất khác nhau, cần nâng cao tính linh hoạt của doanh nghiệp, từ đó đề xuất một phương án phù hợp nhất cho sản xuất nhằm đảm bảo an toàn. Mặc dù vậy, mô hình “hai tại chỗ” cần được y tế địa phương xem xét phê duyệt và có sự phối hợp giữa các bên.
Còn theo PGS.TS Trần Nhuận Kiên, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh, Đại học Thái Nguyên, dù các phương án như “ba tại chỗ”, hay “một cung đường, hai điểm đến” như thời gian qua chỉ là giải pháp ngắn hạn, tình thế, song là cần thiết trong bối cảnh hiện nay, để vừa sản xuất vừa phòng chống dịch.
Theo ông Kiên, giải pháp “ba tại chỗ” vẫn có thể được sử dụng và phát huy hiệu quả nếu được cải tiến phù hợp hơn. Với phương án “hai tại chỗ”, ông Kiên nhấn mạnh cần có sự tham gia của các cơ quan, đơn vị ở địa phương, cộng với sự hỗ trợ của Nhà nước thì doanh nghiệp mới có thể vừa sản xuất vừa chống dịch hiệu quả.
VACCINE VẪN LÀ GIẢI PHÁP CĂN CƠ
Mặc dù vậy, theo các chuyên gia, sau cùng thì vaccine vẫn là giải pháp căn cơ nhất để đưa doanh nghiệp sớm mở cửa trở tại. Bà Phan Thị Thanh Xuân cho rằng, đây là mối quan tâm lớn của các doanh nghiệp hiện nay, bởi hầu hết đều “đang chờ đợi”.
Trong khi đó, các địa phương hiện đang ưu tiên tiêm vaccine cho những doanh nghiệp hoạt động “3 tại chỗ” ổn định, còn các doanh nghiệp đóng cửa hầu như không được tiếp cận, mà lẽ ra những doanh nghiệp này cần được ưu tiên vaccine để sớm sản xuất trở lại, những doanh nghiệp đang sản xuất tốt có thể trì hoãn sau.
Về việc tìm kiếm nguồn cung, bà Xuân cho rằng, doanh nghiệp có thể thông qua đối tác để tìm nguồn, song vì không có chức năng đàm phán nên đề xuất được Chính phủ hỗ trợ.
“Nếu chúng ta muốn mua vaccine ngay và luôn thì phải chấp nhận giá cao. Bên cạnh đó, tính thời điểm rất quan trọng, thực tế là chúng tôi đã tìm nguồn vaccine từ cuối tháng 5, nếu lúc đó thuận lợi thì vaccine đã giúp ích cho các doanh nghiệp rất nhiều. Còn đến nay khi nguồn vaccine về dồi dào hơn thì năng lực tiêm vaccine của chúng ta lại chưa đáp ứng đủ, câu chuyện tính thời điểm ở đây là như vậy.
Doanh nghiệp sẵn sàng trả bất cứ giá nào để mua được vacicne, bởi vì so với giá mua vaccine có thể cao nhưng cái giá doanh nghiệp phải đóng cửa còn cao hơn hàng trăm lần”, bà Xuân nhấn mạnh.
Cũng cho rằng, căn cứ vào điều kiện thực tế của mỗi doanh nghiệp, sẽ không thể có giải pháp chung cho tất cả, PGS.TS Trần Nhuận Kiên đồng tình về lâu dài, vaccine vẫn là giải pháp căn cơ và giúp doanh nghiệp giải quyết được tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng. Dù vậy, ông thừa nhận chúng ta vẫn bị động trong tiếp cận nguồn vaccine.
Theo ông Kiên, thời gian tới các thông tin về vaccine cần rõ ràng, minh bạch hơn đến doanh nghiệp, đặc biệt về tiến trình, quy trình, đối tượng tiêm, thậm chí có thể phân cấp công tác tiêm chủng cho các doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện.
Việc này không chỉ giảm tải cho các cơ quan quản lý Nhà nước về tiêm chủng, mà còn giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong hoạt động tiêm vaccine cho cho người lao động. Nhà nước chỉ nên đóng vai trò giám sát, quản lý, tìm nguồn vaccine đảm bảo chất lượng, còn doanh nghiệp có thể tự tổ chức tiêm.
“Nếu chúng ta còn tiếp tục chậm trễ trong vấn đề này, doanh nghiệp sẽ ngày càng bị bào mòn lợi nhuận, thậm chí thua lỗ, phá sản. Do đó, tôi cho rằng cần đa dạng hóa nguồn cung vaccine, đặc biệt ưu tiên cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, doanh nghiệp thâm dụng lao động để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm, từ đó khôi phục sản xuất và sớm mở cửa trở lại”, ông Trần Nhuận Kiên bình luận.
Phản hồi