Genetica trở về “quê nhà”
Việt Nam những năm gần đây đã có sự xuất hiện và nổi lên nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo mang đến những giải pháp và phát triển bởi những doanh nhân, chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài.
Theo thống kê sơ bộ của Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN), hiện có khoảng 50 Hội Trí thức và Mạng lưới trí thức người Việt đã thành lập tại các nước, có hơn 500.000 chuyên gia, trí thức NVNONN làm việc trong các viện nghiên cứu, trường đại học, công ty kỹ thuật và công nghệ cao tại các nước và nhiều tổ chức quốc tế. Nhiều bạn trẻ trong cộng đồng, là thế hệ người Việt thứ 2, thứ 3, các du học sinh Việt Nam, đã bước đầu thành đạt trong kinh doanh, thành công tại các trung tâm khởi nghiệp lớn của thế giới.
Hướng về quê hương
Genetica là một doanh nghiệp được thành lập năm 2017 tại Mỹ chuyên về giải mã gen cho người châu Á của 5 tiến sĩ nằm trong Top 10 của trường đại học ở Mỹ cùng nhóm lại, trong đó có 2 đồng sáng lập (founder) là người Việt. Trước khi huy động (funding) được 2,5 triệu USD từ một số nhà đầu tư tại Thung lũng Silicon, doanh nghiệp này đã đưa ra quyết định mang cả team về Việt Nam để cùng phát triển thị trường Đông Nam Á.
Lúc mới thành lập, các founder của Genetica chỉ nghĩ đơn giản có nguồn vốn, công nghệ, funding từ Thung lũng Silicon thì dễ dàng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam và sẽ trở thành Number One ở thị trường Đông Nam Á. Tuy nhiên, khi về đến Singapore và Việt Nam, họ nhìn ra vốn, công nghệ thôi chưa đủ mà còn nhiều vấn đề khác nữa: đội nhóm, làm sao mang được mẫu sang Mỹ, xây dựng phòng lab, mạng lưới, logistic. TS. Cao Anh Tuấn – Giám đốc Công nghệ của Genetica cho biết: “Công nghệ và funding từ Silicon Valley chỉ đóng góp thành quả 20 – 30% cho sự phát triển của Genetica ngày hôm nay. Còn nhiều yếu tố khác mà chỉ khi triển khai tại những nơi này chúng tôi mới nhận biết được”.
Còn startup Trần Bảo Khánh và Chu Hoàng Sơn là 2 đồng sáng lập sáng giá nhất của Rens Original – Phần Lan. Từ năm 2017, họ có ý tưởng muốn tạo ra sản phẩm thân thiện môi trường, nên đã nghiên cứu và sản xuất giầy chống nước được làm từ bã cà phê và nhựa tái chế. Công ty tung ra sản phẩm đầu tiên vào cuối năm 2019 sản xuất tại Trung Quốc, và nhanh chóng trở thành hiện tượng gọi vốn cộng đồng thành công nhất về thời trang ở Châu Âu.
Sau đợt ra mắt sản phẩm đầu tiên, năm 2020, Rens Original quyết định chuyển toàn bộ dây chuyền sản xuất giày cà phê chống nước về Việt Nam. Hiện nay, 100% hoạt động sản xuất giầy Rens là tại quê nhà. Trần Bảo Khánh – Tổng Giám đốc và Đồng sáng lập Rens Original tiết lộ: “Đây là một quyết định khá táo bạo trong thời điểm dịch bệnh COVID nhưng chúng tôi rất tự tin bởi nhận thấy ngành dệt may và da giày của Việt Nam đã có nhiều tiến bộ vượt trội về công nghệ, nhân lực dồi dào”.
Chia sẻ kinh nghiệm
Genetica hiện có văn phòng ở Mỹ, Singapore, Việt Nam (Hà Nội – TP HCM). Doanh nghiệp đã mở rộng thị trường được 9 – 10 nước. Khi dịch bệnh COVID được kiểm soát tốt hơn, công ty sẽ phát triển thêm một số nước Châu Á, thậm chí New Zealand. Đã có nhiều người hỏi TS. Cao Anh Tuấn về một công thức thành công nào đó cho việc có thể áp dụng được, ông chỉ nhấn mạnh đến 3 yếu tố: team (đội nhóm) – mentoring (cố vấn) – peering (đồng hành). “Vấn đề quan trọng nhất, đó là đội ngũ nhân sự, những người có thể làm được 16 giờ/ngày, thậm chí kể cả thứ Bảy, Chủ nhật. Họ còn là những người cùng sát cánh bên mình trải qua thời kỳ khó khăn nhất. Thứ hai là mentoring. Mặc dù rất tự tin về công nghệ khi phát triển công ty, mình nhìn ra vai trò của cố vấn rất quan trọng – những người giúp mình vượt qua giai đoạn thử thách. Thứ ba là Peering. Những công ty làm cùng, đồng hành bên cạnh mình khi khó khăn về công nghệ có thể đến hỏi và cùng giúp đột phá về công nghệ” – ông nói.
Ra mắt đúng vào thời điểm dịch bệnh COVID, nhưng sản phẩm giày Rens đã bán cho khách hàng ở trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Thị trường lớn nhất của Rens là ở Đức, Hà Lan, và Bắc Âu. Startup Trần Bảo Khánh đã chia sẻ về bài học khởi nghiệp: “May mắn vì tôi là người Việt nên nhận được nhiều sự hỗ trợ từ nước nhà để có nguồn nhân lực trong nước, cạnh tranh với những thị trường lớn trên thế giới như Mỹ, Châu Âu. Bản thân tôi đã chứng kiến sự thay đổi của kinh tế Phần Lan, hơn 10 năm trước đây khi họ phụ thuộc vào tập đoàn Nokia và khi Nokia bị yếu thế. Giờ đây Phần Lan đã vực dậy dựa vào hệ sinh thái khởi nghiệp. Do vậy, tôi tin rằng với sự hỗ trợ đúng đắn từ Chính phủ Việt Nam, cách xây dựng hệ sinh thái chặt chẽ và sự liên kết thông qua các trường đại học và các bộ ngành, Việt Nam sẽ có được một hệ sinh thái khởi nghiệp mạnh”.
Phản hồi