Chiều 7/4, Tập đoàn FPT (HoSE: FPT) tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2022. Theo đó, các cổ đông đã thông qua phương án trả cổ tức năm 2021 tỷ lệ 40%, trong đó 20% bằng tiền mặt (đã tạm ứng 10%). Cổ tức 20% bằng cổ phiếu sẽ được trả cùng với cổ tức 10% bằng tiền mặt còn lại, thời gian thực hiện trong quý II năm nay.
Cổ đông cũng đã thông qua kế hoạch doanh thu năm 2022 42.420 tỷ đồng, tăng 19% so với năm trước. Lợi nhuận trước thuế mục tiêu tăng 20,2% lên 7.618 tỷ đồng. Tại cuộc họp, ông Trương Gia Bình – Chủ tịch FPT cũng nhấn mạnh sẽ tiếp tục hướng tới mục tiêu tăng trưởng hai con số trong tương lai.
|
Kế hoạch kinh doanh của FPT trong năm nay.
|
Ông Nguyễn Thế Phương, Phó Tổng Giám đốc FPT tiết lộ với các cổ đông doanh thu quý I của tập đoàn đạt 9.500 tỷ, tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận rơi vào khoảng đạt 1.700 – 1.800 tỷ đồng, tăng 26 – 28% so với quý I năm trước.
Nhìn lại năm 2021, doanh thu hợp nhất của FPT đạt 35.657 tỷ đồng, tăng 19,5% và lợi nhuận sau thuế của tập đoàn đạt 5.349 tỷ, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm trước đó. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ 4.337 tỷ đồng, tăng 22%.
Tại đại hội, các vấn đề được cổ đông quan tâm nhất là chuyển đổi số, phát triển mảng AI, blockchain hay Metaverse để bắt kịp với sự phát triển của công nghệ thế giới
Chuyển đổi số sẽ là một cơ hội lớn dành cho FPT
Theo chỉa sẻ của Tổng giám đốc Nguyễn Văn Khoa, các gói đầu tư công đang được giải ngân liên tục kể từ đầu năm, đặc biệt là khi đất nước trở lại trạng thái bình thường mới. Các gói này sẽ đầu tư rất nhiều vào cơ sở hạ tầng cũng như tăng trưởng quốc gia, qua đó đầu tư công sẽ gắn liền với công nghệ số và chuyển đổi số.
Ví dụ như thành phố Cần Thơ, ngân sách chi cho đô thị thông minh của địa phương là 978 tỷ đồng. Đây mới là ngân sách dành cho chuyển đổi số của một thành phố, Việt Nam còn 62 tỉnh thành phố khác cũng có nhu cầu hiện đại hóa. Vì vậy, thị trường chuyển đổi số của Chính phủ là cơ hội lớn cho FPT. Hiện nay, 54 tỉnh thành có Nghị quyết về chuyển đổi số. FPT đã gặp gỡ và liên kết với trên 40 tỉnh thành, trong đó có rất nhiều tỉnh thành đã giao cho công ty 20% ngân sách địa phương cho công nghệ thông tin để thực hiện công cuộc số hóa.
|
Ông Khoa cho rằng đầu tư công là cơ hội lớn để FPT tham gia chuyển đổi số.
|
Không chỉ có Chính phủ, các doanh nghiệp tư nhân cả lớn, vừa và nhỏ cũng đang tích cực chuyển đổi số. Năm 2021, FPT đã xây dựng hệ thống phần mềm quản trị doanh nghiệp ERP cho Coteccons trong 100 ngày. Đây là lần đầu tiên công ty công nghệ này chinh phục khách hàng có nhu cầu chuyển đổi số trong thời gian ngắn như vậy. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp lựa chọn FPT là đơn vị đồng hành triển khai hệ thống như Tập đoàn An Gia, Filmore, Đất Xanh, Masan Group…Những thành công bước đầu này giúp FPT có đầy đủ giải pháp để triển khai các hệ thống quản trị doanh nghiệp tổng thể cho ngành xây dựng bất động sản, là tiền để để doanh nghiệp này tiếp tục phát triển giải pháp chuyên sâu cho các chuyên ngành khác và chinh phục thêm nhiều khách hàng lớn trong năm 2022.
Ông Khoa kết luận rằng chuyển đổi số của Chính phủ và các doanh nghiệp sẽ là một cơ hội lớn với FPT, giúp công ty đạt được những mục tiêu đề ra trong những năm tiếp theo
AI, cloud, big data, blockchain, metaverse sẽ là định hướng phát triển bền vững của FPT
Chủ tịch FPT Trương Gia Bình chia sẻ công nghệ AI cũng sẽ được tích hợp vào tất cả các sản phẩm, dịch vụ giải pháp thông minh cho từng ngành, từng lĩnh vực. Hiện nền tảng trí tuệ nhân tạo FPT.AI với hơn 20 giải pháp đang phục vụ hơn 11 triệu người và 200 triệu lượt giao tiếp. Trong thời gian qua, FPT đã phát triển và đào tạo các chuyên viên ảo như: chuyên viên tuyển dụng ảo, chuyên viên chăm sóc khách hàng ảo, chuyên viên y tế ảo, chuyên viên bán hàng ảo… giúp nhiều doanh nghiệp, tổ chức ghi nhận những đột phá về hiệu suất làm việc.
Ngoài ra, công ty cũng đang xây dựng metaverse và blockchain – những nền tảng tiếp theo của internet trong tương lai. Hiện đang có một công ty Nhật Bản với 3.000 đại lý và 300.000 người đang sửa dụng nền tảng của FPT.
Thời gian dịch bệnh Covid-19 gián đoạn, FPT cũng đã tạo ra công cụ ” hoạt động không gián đoạn” cho các doanh nghiệp, được coi là vaccine công nghệ cho phép các doanh nghiệp có thể gặp gỡ trên mạng thay vì trực tiếp. Trong năm qua, hệ thống họp trực tuyến của FPT đã phục vụ 6 triệu giờ họp cho các doanh nghiệp. Nền tảng này của FPT còn mang tính “không chạm”, những thứ từ họp, hợp đồng hay ký văn đều có thể làm online. Công ty cũng kỳ vọng rằng nền tảng này sẽ được các doanh nghiệp sử dụng vì ưa chuộng, chứ không chỉ vì dịch bệnh.
Ngoài ra, đơn vị này cũng đang xây dựng hệ thống giữ liệu sức khỏe. Khi đi khám, người bệnh chỉ có thể có những thông tin bệnh tình tại thời điểm đó, gây mất thời gian trong việc chữa bệnh. Vì vậy, FPT sẽ sớm triển khai hệ thống trên nhằm cung cấp đầy đủ thông tin về sức khỏe của một người, cũng như có thể đưa ra các cảnh báo về bệnh tật lien quan.
Bên cạnh đó, FPT định hướng sẽ trở thành một trong những nhà cung cấp dịch vụ cloud cạnh tranh trên thị trường. Trong 3 năm tiếp theo, dự kiến tổng mức đầu tư cho nghiên cứu công nghệ cloud (bao gồm chi phí thiết bị hạ tầng, phát triển ứng dụng) của FPT là 2.300 tỷ đồng. Trong đó, tập trung xây dựng hạ tầng thiết bị cloud (data center) đạt tiêu chuẩn Tier III Constructed facility; tiếp tục mở rộng hệ sinh thái cloud của FPT với 100 dịch vụ, sản phẩm, giải pháp trong năm 2022.
Ngoài ra, công ty cũng đang tìm các đối tác M&A trong lĩnh vực công nghệ để đầu tư phát triển metaverse và blockchain.
Ông Bình kết luận trong những năm qua, FPT đã tạo ra nhiều sản phẩm, giải pháp công nghệ, mang lại nhiều lợi ích cho hàng nghìn tổ chức, doanh nghiệp khắp toàn cầu, hàng triệu người dân. Tiếp theo, công ty sẽ hướng đến những giải pháp, sản phẩm công nghệ đáp ứng những giá trị cơ bản nhất của con người.
FPT sẽ không lấn sân sang bất động sản
Trước câu hỏi của một cổ đông FPT hay công ty con của FPT có một vài dự án bất động sản chuẩn bị tiến hành, ông Nguyễn Thế Phương chia sẻ rằng công ty sẽ không đầu tư vào mảng kinh doanh này. Doanh nghiệp giao dịch bất động sản trong thời gian qua chỉ để phục vụ cho các mảng công nghệ thông tin hay giáo dục. Cụ thể công ty sẽ đầu tư các khu campus cho lập trình viên hay xây mới các điểm trường. Ở những địa phương nào có điều kiện, FPT sẽ xin đất để xây nhà ở cho cán bộ công nhân viên. FPT Softwware sẽ hô trợ lãi suất cho mua nhà cho cán bộ, lập trình viên trẻ ổn định cuộc sống cũng như thu hút thêm nhân tài về với công ty.
Đại hội cũng đã thông qua HĐQT nhiệm kỳ mới 2022-2027 gồm 3 thành viên mới là ông Hiroshi Yokotsuka, ông Hampapur Rangadore Binod và bà Trần Thị Hồng Lĩnh cùng với 4 thành viên tái đắc cử là ông Trương Gia Bình, ông Bùi Quang Ngọc, ông Đỗ Cao Bảo, ông Jean Charlies Belliol.
Với danh sách ứng viên ban kiểm soát, 2 thành viên cũ tái đắc cử gồm ông Nguyễn Việt Thắng và ông Nguyễn Khải Hoàn cùng thành viên mới là bà Dương Thùy Dương.
Phản hồi